banner2019
 
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Nguyễn Trọng Quỳnh - Người thầy say mê với các hoạt động nghiên cứu khoa học
Cập nhật lúc 10:31 ngày 04/08/2021
“Cuộc sống đặt mục tiêu cho khoa học, khoa học soi đường cho cuộc sống” – Đó là châm ngôn yêu thích của ThS. Nguyễn Trọng Quỳnh – Giảng viên khoa Điện – Trường Đại học Sao Đỏ. Với nghề giáo, thầy đã dành trọn tâm huyết và tri thức của mình cho các hoạt động nghiên cứu khoa học với nhiều công trình được ứng dụng trong thực tiễn mang lại giá trị kinh tế cao, có ích cho cộng đồng. 
Tốt nghiệp Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên ngành Tự động hóa, thầy Nguyễn Trọng Quỳnh về nhận công tác tại Trường Đại học Sao Đỏ từ năm 2005 là giảng viên khoa Điện, năm 2011 là cán bộ phụ trách Trung tâm robot và Phòng Nghiên cứu khoa học (nay là Phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế) với vai trò hướng dẫn sinh viên trong hoạt động nghiên cứu chế tạo robot cho đến nay. Năm 2015, thầy tiếp tục giảng dạy bộ môn thực hành thực nghiệm điện và bộ môn đo lường điều khiển Ngành điện.  
Người “Anh cả” đồng hành cùng sinh viên nghiên cứu khoa học
Là một người thầy giản dị, điềm đạm và gần gũi, trong giảng dạy thầy Quỳnh giàu ý tưởng và sáng kiến xây dựng. Với phương pháp giảng dạy sinh động, bám sát với thực tiễn cuộc sống, môn học của thầy luôn trở thành những tiết học mang nhiều trải nghiệm thú vị, hiệu quả và bổ ích. Những bài giảng của thầy đã phát huy tinh thần tự học, tự nghiên cứu, tìm tòi sáng tạo trong sinh viên và truyền “ngọn lửa” đam mê, yêu thích khoa học đến với những bạn trẻ. 
Thầy Nguyễn Trọng Quỳnh hướng dẫn sinh viên thực hành tại Trung tâm thực hành-Thực nghiệm Điện
Gắn bó với sinh viên trong hoạt động nghiên cứu chế tạo robot ngay từ khi nhận công tác tại trường, thầy Nguyễn Trọng Quỳnh là người “anh cả” của đội tuyển robocon Trường Đại học Sao Đỏ. Với niềm đam mê sáng tạo robot, thầy đã mang tâm huyết của mình để hướng dẫn đội tuyển robocon nhà trường nghiên cứu chế tạo và đạt nhiều thành tích cao ở Cuộc thi sáng tạo robot Việt Nam: đội tuyển robot của nhà trường có 10 năm liên tục mỗi năm có từ 2-4 đội tuyển lọt vào vòng chung kết toàn quốc; năm 2013 có 2 đội lọt vào vòng 1/8 và đạt giải ý tưởng của Ban tổ chức, sản phẩm Robot vớt rác đạt giải Ba; năm 2019 có 04 đội tuyển lọt vào vòng 1/8 chung kết Robocon toàn quốc, đặc biệt đội tuyển SAO ĐỎ LEGEND đạt giải Ba "Cuộc thi sáng tạo Robot Việt Nam 2019". Những thành tích của đội tuyển robocon Trường Đại học Sao Đỏ có đóng góp không nhỏ của thầy Nguyễn Trọng Quỳnh với tinh thần trách nhiệm cao trong quá trình hướng dẫn, giảng dạy và truyền lửa đam mê sáng tạo robot đến với mỗi khóa sinh viên. 
Thầy Quỳnh cùng đội tuyển Robocon nhà trường tại Cuộc thi sáng tạo Robocon Việt Nam năm 2019
Nỗ lực nghiên cứu khoa học với các sản phẩm, công trình có tính ứng dụng cao trong thực tiễn
Là giảng viên tâm huyết với nghề, thầy Nguyễn Trọng Quỳnh luôn hiểu rằng người thầy ở thế kỷ XXI là phải không ngừng trau dồi tri thức mới, nắm bắt những thông tin khoa học – kỹ thuật để làm phong phú hơn vốn kiến thức của mình phục vụ cho công tác giảng dạy. Bởi vậy, vừa làm nhiệm vụ giảng dạy, thầy Quỳnh vừa tham gia vào hoạt động nghiên cứu khoa học của nhà trường. Thầy đã tham gia nghiên cứu 15 công trình, đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở. Cùng với đó thầy chủ trì và tham gia 08 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, cấp Tỉnh và giành nhiều giải cao trong các hội thi điển hình như: Giải khuyến khích Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hải Dương lần thứ X (2016 - 2017) với giải pháp “Thiết bị mở khóa bằng vân tay và bảo vệ chống phồng bình ắc quy cho xe đạp điện”; Giải Ba Giải thưởng sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam năm 2018 với giải pháp: “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sấy lạnh thùng quay để sấy thóc”; Giải Ba Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hải Dương lần thứ XI (2018 - 2019) với giải pháp: “Dây chuyền bốc xếp hàng hóa tự động sử dụng robot”. Giải Khuyến khích Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hải Dương lần thứ XI (2018 - 2019) với giải pháp: “Thiết bị điều khiển và giám sát hệ thống hòa đồng bộ giữa nguồn điện năng lượng tái tạo với nguồn điện lưới”.
Không chỉ là một giảng viên, nhà khoa học, thầy Nguyễn Trọng Quỳnh còn là một kỹ sư tự động hóa với các sản phẩm được nghiên cứu, chế tạo có ứng dụng thiết thực trong cuộc sống. Trong năm 2020 và 2021, đại dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn Tỉnh Hải Dương và cả nước. Trước tình hình đó, Trường Đại học Sao Đỏ đã thực hiện nhiều giải pháp cùng chung tay với xã hội phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh, thầy Nguyễn Trọng Quỳnh cùng các giảng viên khoa Điện, khoa Cơ khí đã nỗ lực nghiên cứu chế tạo “Buồng khử khuẩn toàn thân” và “Robot vận chuyển nhu yếu phẩm” để sử dụng trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Các sản phẩm đều đáp ứng được nhu cầu bức thiết của con người trong phòng chống dịch. Đặc biệt những chú “Robot vận chuyển nhu yếu phẩm” đã được trao tặng các bệnh viện dã chiến và khu cách ly trong tỉnh Hải Dương và được chính quyền thành phố, người dân ghi nhận sự sáng tạo nhanh nhạy kịp thời của cán bộ giảng viên nhà trường trong công tác phòng chống dịch.
Thầy Nguyễn Trọng Quỳnh (đứng thứ hai từ trái sang) hướng dẫn cán bộ vận hành “Robot vận chuyển nhu yếu phẩm” tại khu cách ly huyện Kim Thành tỉnh Hải Dương
Tháng 4/2021, trước đợt dịch lần thứ 4 bùng phát trên diện rộng, nhằm ngăn ngừa sự lây lan dịch bệnh giữa các địa phương, thầy Nguyễn Trọng Quỳnh cùng các cán bộ, giảng viên giàu kinh nghiệm của trường đã chế tạo thành công Trạm khử khuẩn tự động xe cơ giới đường bộ. Nhà trường đã phối hợp với Sở Y tế triển khai lắp đặt 3 hệ thống tại 3 chốt kiểm dịch liên ngành cấp tỉnh (chốt A) ở TP Chí Linh, gồm: chốt tại cao tốc Hà Nội – Hải Phòng (trên quốc lộ 5); chốt tại phường Hoàng Tiến (trên quốc lộ 18, tiếp giáp với thị xã Đông Triều, Quảng Ninh) và chốt tại đầu cầu Phả Lại (trên quốc lộ 18, tiếp giáp với huyện Quế Võ, Bắc Ninh). Trạm khử khuẩn tự động được gắn các cảm biến, dụng cụ phun phù hợp với chiều cao của các loại xe ô tô. Khi xe cơ giới đi qua, các cảm biến sẽ nhận dạng chiều cao xe để điều khiển bơm, van áp lực. Cùng với đó, các đầu phun sẽ phun ra dung dịch dạng sương mù phù hợp, khử khuẩn trên các loại xe cơ giới. Công trình nghiên cứu được xã hội đánh giá cao về hiệu quả và tính năng ưu việt.
Trạm khử khuẩn xe cơ giới đường bộ chốt tại chốt đầu cầu Phả Lại (trên quốc lộ 18, tiếp giáp với huyện Quế Võ, Bắc Ninh)
16 năm công tác và giảng dạy tại Trường Đại học Sao Đỏ, thầy Nguyễn Trọng Quỳnh đã đem nhiệt huyết của tuổi trẻ và niềm đam mê nghiên cứu khoa học cùng toàn tập thể sư phạm xây dựng nhà trường phát triển. Ghi nhận những cống hiến trong không biết mệt mỏi trong lĩnh vực sáng tạo khoa học-kỹ thuật, thầy đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương, Trung ương Đoàn, Công đoàn Công thương và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương tặng bằng khen và đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Bộ cùng nhiều phần thưởng khác của nhà trường.
Ban Chính sách Pháp luật