banner2019
 
Thứ năm, ngày 19 tháng 12 năm 2024
Thứ năm, ngày 19 tháng 12 năm 2024
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu 6 nhóm giải pháp phát triển công nghiệp – thương mại
Cập nhật lúc 10:48 ngày 29/07/2021
Với lợi thế của đất nước đang trong thời kỳ dân số vàng với 100 triệu dân, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, 5 năm tới, mục tiêu phát triển công nghiệp của Việt Nam phải phát triển theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu nhằm tạo đột phá trong nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và gia tăng giá trị nội địa.
Chiều 25/7, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu đều bày tỏ sự đồng tình, nhất trí cao đối với các vấn đề được nêu trong báo cáo của Chính phủ, với nhiều thành tích đạt được rất đáng tự hào, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Vì thế, ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận đều rất gắn gọn, đi thẳng vào vấn đề được gợi ý thảo luận trong báo cáo thẩm tra, cũng như những đóng góp ý kiến đối với nội dung về công tác phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân trong bối cảnh đại dịch đang diễn biến hết sức phức tạp trong nước cũng như trên thế giới.
Phát biểu tại Hội trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao báo cáo của Chính phủ, đặc biệt là nội dung về định hướng phát triển công nghiệp của Việt Nam trong 5 năm tới.  Điều này cũng được nêu rất rõ trong chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 23 của Ban Chấp hành Trung ương khóa 12, Nghị quyết 13 của Đảng và Chiến lược 10 năm.
Tuy nhiên, liên quan đến một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để phát triển công nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng 5 năm tới, mục tiêu phát triển công nghiệp của nước ta phải kết hợp hài hòa giữa phát triển theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu nhằm tạo đột phá trong nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và gia tăng giá trị nội địa của sản phẩm công nghiệp. “Chúng ta phải tận dụng tối đa lợi thế của nước đang trong thời kỳ dân số vàng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Từ đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề xuất 6 giải pháp cụ thể, theo hướng cần khai thác triệt để cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và lợi thế thương mại khi Việt Nam tham gia vào Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Tới đây, Bộ Công Thương sẽ tham mưu Chính phủ đánh giá kỹ hơn kết quả thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong những năm qua để từ đó có chủ trương, chính sách đủ mạnh, đồng bộ và khả thi để phát triển ngành công nghiệp có tính chất nền tảng như công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp vật liệu, công nghiệp hóa chất, công nghiệp cơ khí, công nghiệp chế biến, chế tạo và điện tử.
Thứ hai, cần tập trung từng bước hoàn thiện thể chế theo các quan điểm của Đảng để bảo đảm công nghiệp thương mại nước nhà phát triển mạnh mẽ, đúng hướng và khả thi. Theo Bộ trưởng, trước mắt cần sửa đổi, bổ sung những cơ chế, chính sách còn bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo để có thể thúc đẩy song song sự phát triển công nghiệp của cả khu vực nhà nước và tư nhân. “Chúng ta cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cắt giảm mạnh mẽ thủ tục hành chính, giảm trung gian, tăng  phân cấp, chú trọng hậu kiểm, cá thể hóa trách nhiệm cũng như tăng cường ứng dụng công nghệ trong chỉ đạo, điều hành”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thứ ba, cần tập trung nguồn lực để phát triển hạ tầng công nghiệp thương mại, nhất là giao thông của các khu công nghiệp, khu chế xuất theo cơ chế kết hợp công tư. Theo đó, tới đây, Bộ sẽ cùng các Bộ, ngành và địa phương tham mưu cho Chính phủ sớm ban hành chính sách nhằm thu hút nguồn lực trong dân, đa dạng hóa hình thức đầu tư, hình thức quản lý. Một số nước trong khu vực và ngay tại Việt Nam, thời gian qua một số địa phương cũng đã thí điểm thành công hình thức đầu tư công - quản trị tư, đầu tư tư – quản trị công; đầu tư công – tư kết hợp và quản lý theo cơ chế đấu thầu khách quan. “Chúng ta cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu lao động có trình độ tay nghề cao cho các dự án đầu tư lớn của các doanh nghiệp nước ngoài, sẵn sàng đón làn sóng chuyển dịch đầu tư nước ngoài vào Việt Nam hậu Covid-19”.
Thứ tư, cần khẩn trương đánh giá lại hiệu quả đầu tư và các chính sách thu hút đầu tư FDI trong giai đoạn qua, từ đó có chính sách phù hợp hơn, tăng tính ràng buộc hơn đối với các doanh nghiệp FDI nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư có năng lực, công nghệ thật sự cao, đầu tư vào lĩnh vực Việt Nam khuyến khích, qua đó mang lại giá trị gia tăng lớn hơn. “Bên cạnh đó, chúng ta phải có lộ trình để các doanh nghiệp trong nước từng bước tham gia sâu vào chuỗi sản xuất, cung ứng, nhất là khâu nguyên vật liệu và tiêu thụ sản phẩm, đồng thời phải bảo đảm quyền lợi tốt hơn cho người lao động Việt Nam trước mắt và lâu dài”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thứ 5, cần đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch về năng lượng, điện và khoáng sản, hạ tầng thương mai giai đoạn từ năm 2030 đến 2045 để tổ chức thực hiện một cách linh hoạt, bài bản, tạo điều kiện cho công nghiệp và thương mại phát triển.
Về giải pháp thứ sáu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong việc hoàn thiện chiến lược phát triển ngành Công Thương tại các địa phương dựa trên tiềm năng, lợi thế của mỗi vùng, miền. “Bộ Công Thương kính đề nghị các Ủy ban Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát, phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện thuận lợi để Chính phủ, ngành Công Thương thực hiện thành công nhiệm vụ cũng như những giải pháp nêu trên”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đặt quyết tâm.
Tạo luồng xanh cho hàng hoá thiết yếu vào tâm dịch
Dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức khó lường, số ca nhiễm tăng nhanh, lây lan rộng trong khu vực dân cư, nhất là các khu vực có đông người lao động của các doanh nghiệp KCN sinh sống. Dịch bệnh đã gây ra hậu quả rất nặng nề, ảnh hưởng đến đời sống của người lao động và nhân dân cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Nhiều địa phương trong cả nước đã ban bố tình trạng khẩn và áp dụng hình thức giãn cách xã hội theo mức cao nhất áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Hai nhiệm vụ cấp bách được các đại biểu Quốc hội đưa ra thảo luận tại Hội trường ngày 25/7 là công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 và đảm bảo cung ứng hàng hoá thiết yếu, lương thực, thực phẩm, vật tư ý tế, thuốc men cho người dân.
Phát biểu thảo luận tại Hội trường Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng nhiệm vụ thứ hai được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho ngành Công Thương và Nông nghiệp chủ trì, phối hợp với các ngành, các địa phương thực hiện với yêu cầu: Trong mọi hoàn cảnh không bị đứt, gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân, nhất là người dân trong vùng dịch.
Thực hiện chỉ đạo này, ngay từ khi làn sóng dịch thứ tư bùng phát ở Bắc Giang, Bắc Ninh, đặc biệt TP HCM và các tỉnh phía Nam, Bộ Công Thương đã cùng Bộ Nông nghiệp bàn kế hoạch hợp tác trong sản xuất, cung ứng hàng hóa, phân định rạch ròi nhiệm vụ của mỗi Ngành, đồng thời lập Tổ công tác tiền phương để cung ứng hàng hóa cho TP HCM và các tỉnh phía Nam.
Theo đó, Ban chỉ đạo, tổ công tác đã gấp rút xây dựng phương án và triển khai quyết liệt 3 nhiệm vụ chính. Một là phối hợp cùng chính quyền, Sở Công Thương các địa phương đánh giá khả năng cung ứng tại chỗ, xác định nhu cầu hàng hóa cần cung ứng trong tình huống phải thực hiện theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16. Hai là khẩn trương kết nối cung cầu giữa các địa phương, các nhà sản xuất, nhà phân phối theo cơ chế thị trường. Ba là sẵn sàng làm nhiệm vụ điều phối hàng hóa cho các địa phương thiếu cục bộ. Trong thời gian thực hiện các nhiệm vụ này, Ban Chỉ đạo, Tổ công tác đặc biệt đều phải có báo cáo hàng ngày cho Lãnh đạo Bộ để kịp thời tháo gỡ và xử lý những vấn đề phát sinh.
Tuy nhiên, do tính chất nghiêm trọng của đợt dịch thứ tư, biến chủng Delta ít triệu chứng, lây lan nhanh, vì thế, các địa phương mặc dù cảnh giác cao, có kinh nghiệm của đợt giãn cách trước nhưng vẫn bị động, lúng túng ở giai đoạn đầu. Khâu chống dịch cũng như cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân có một vài thời điểm gặp khó khăn, thiếu hàng hoá cục bộ do đứt gãy chuỗi cung ứng, lưu chuyển rồi hệ thống phân phối bất cập, trong bối cảnh hầu hết các chợ truyền thống, chợ đầu mối đều bị đóng cửa. Sau khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia điều hành, chỉ đạo cũng như sự rút kinh nghiệm, vào cuộc quyết liệt giữa các ngành, tình hình cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa thiết yếu được cải thiện, cơ bản không còn hiện tượng thiếu hàng, người dân đi mua hàng tích trữ, giá cả một số mặt hàng như rau củ quả tăng nhưng không có đột biến.
“Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và khó lường, Bộ Công Thương đề nghị ngành nông nghiệp đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhất là tươi sống, rau củ, quả và cả địa phương có dịch và những vùng đệm cũng như cả nước để sẵn sang đáp ứng nhu cầu của người dân, kể cả tình huống dịch bệnh có diễn biến xấu hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu.
Đối với các ngành giao thông, công an, y tế, cũng như chính quyền địa phương, nhất là những địa phương đang trong vùng dịch, việc thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là cần thiết. Tuy nhiên, các địa phương không nên đặt ra những điều kiện khác và áp dụng máy móc các quy định dẫn đến tình trạng “ngăn sông cấm chợ”, đứt gãy chuỗi lưu thông hàng hoá như đã xảy ra ở một vài nơi những ngày qua.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các địa phương trong vùng dịch cần phải tiếp tục rà soát và khẩn trương hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối hàng hoá thiết yếu để có thể dự trữ thiết yếu trên địa bàn từ 10 đến 15 ngày tương ứng với thời gian giãn cách, đồng thời chấn chỉnh mạnh mẽ khâu phân phối thông qua siêu thị, chợ truyền thống, chợ dân sinh và các chợ đầu mối, với các điều kiện mà Bộ Công Thương và Bộ Y tế đã giao; phát triển các loại hình thương mại như bán hàng lưu động, thương mại điện tử từ xa... “Chúng ta cần tạo được luồng xanh thông suốt để các doanh nghiệp, nhà phân phối có thể đưa hàng hoá thiết yếu vào các vùng tâm dịch để đáp ứng nhu cầu của người dân”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Trước đó, Quốc hội đã nghe Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, sáng 21/7, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội cùng với dự thảo Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022.
Về cơ bản, các vị đại biểu Quốc hội đều tán thành với nội dung Tờ trình và dự thảo Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022 đồng thời đã ghi phiếu lựa chọn các chuyên đề giám sát.
Kết quả lấy phiếu lựa chọn chuyên đề giám sát của các vị đại biểu Quốc hội, cho thấy đa số đại biểu lựa chọn giám sát tối cao hai chuyên đề: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch được ban hành.
An Châu (nguồn: moit.gov.vn)