banner2019
 
Thứ năm, ngày 19 tháng 12 năm 2024
Thứ năm, ngày 19 tháng 12 năm 2024
Giải ngân gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng, trong 7 ngày tiền có thể tới tay người dân
Cập nhật lúc 01:37 ngày 09/07/2021
Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết người dân đang mong chờ, ngóng từng ngày để Nghị quyết 68 của Chính phủ đi vào cuộc sống.
Chiều 7-7, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tổ chức họp báo công bố Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Quyết định số 23 nhằm quy phạm hóa việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7 của Chính phủ với tổng kinh phí gói hỗ trợ là hơn 26.000 tỉ đồng.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu
Phát biểu tại buổi họp báo, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết một trong những vấn đề người thụ hưởng chính sách quan tâm nhất chính là thủ tục, hồ sơ nhận hỗ trợ. Với phương châm trình tự, thủ tục phải thông thoáng nhất để NLĐ và người sử dụng lao động tiếp cận chính sách nhưng vẫn đảm bảo đúng luật. 
Theo Bộ trưởng, những gì luật quy định phải chấp hành, những quy phạm có thể cho phép vận dụng nhằm góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định lao động, việc làm, bảo đảm đời sống và an toàn cho NLĐ, duy trì mục tiêu vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
Theo ông, chưa bao giờ có gói hỗ trợ nào mà "táo bạo" như lần này, tất cả mục đích vì NLĐ, chủ sử dụng lao động.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh đến giờ này người dân đang mong chờ, ngóng từng ngày để Nghị quyết 68 của Chính phủ đi vào cuộc sống, đặc biệt là lao động tự do, lực lượng lao động trực tiếp. "Ai, cơ quan nào, địa phương nào chậm triển khai hỗ trợ là có lỗi, có tội với dân. Cơ quan nào, người nào, địa phương nào, đơn vị nào để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách là có tội với dân"- ông nói. 
Dẫn hình ảnh những cháu bé mặc đồ bảo hộ đi cách ly, những người dân đi cách ly đang khó khăn phải lo bữa ăn, người dân xếp hàng dài, nhất là lao động tự do, lao động trực tiếp để nhận những bữa cơm miễn phí, "tư lệnh" ngành lao động cho rằng người dân đang khó khăn, đang mong chờ như vậy, do đó Chính phủ đã ban hành Nghị quyết và Quyết định kịp thời.
"Việc triển khai của chúng ta càng nhanh giờ nào, càng tốt giờ đó, Chính phủ luôn luôn quan tâm đến người dân"- ông Đào Ngọc Dung nói.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, gói 62.000 tỉ trước đây (Nghị quyết 42) có những tiêu chí chặt chẽ, nhiều thủ tục, thời gian xem xét có khi phải đợi cả tháng, nhanh cũng phải 10 ngày. Nhưng nay với Quyết định 23 này sẽ rút ngắn thời gian chỉ còn 4 ngày xét thủ tục và thêm 3 ngày để giải ngân. Tức là tối đa 7 ngày có thể tiền hỗ trợ sẽ đến tay người dân.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cũng đã giới thiệu những điểm mới của Quyết định 23 so với các chính sách hỗ trợ của gói 62.000 tỉ năm 2020.
Về chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất, quyết định 23 đã nới lỏng điều kiện so với Nghị quyết 42/NQ-CP và Nghị quyết 154/NQ -CP, chỉ cần giảm 15% số lao động thuộc diện tham gia BHXH là được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian tạm dừng đóng theo Nghị quyết 68 là 6 tháng, dài hơn so với Nghị quyết 154/ NQ-CP trước đây là 3 tháng. Thủ tục đơn giản hơn khi thay vì phải qua hai bước là cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan BHXH thì nay chỉ phải gửi đến duy nhất một địa chỉ là cơ quan BHXH. Thời gian giải quyết giảm từ 25 ngày (đối với các trường hợp thông thường) xuống còn 5 ngày. Hồ sơ đơn giản hoá rất nhiều so với các đợt dịch trước, từ 3 thành phần hồ sơ còn 1 thành phần hồ sơ; hệ thống mẫu biểu cũng đơn giản, thuận tiện hơn (giảm khoảng 50% số thông tin phải kê khai).
Về hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động, đây là chính sách hỗ trợ mới theo Nghị quyết 68/NQ-CP. Việc triển khai thực hiện chính sách theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giảm thời gian giải quyết việc hỗ trợ, người sử dụng lao động tự kê khai và chịu trách nhiệm với kê khai của mình.
Đối với chính sách hỗ trợ NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương có mức hỗ trợ cao hơn mức hỗ trợ nghị quyết số 42/NQ-CP. Trình tự thủ tục thực hiện theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính và thời gian thực hiện để tạo thuận lợi cho NLĐ dễ thực hiện và sớm nhận được hỗ trợ. Bỏ điều kiện chứng minh về doanh thu hoặc tài chính của doanh nghiệp.
Về chính sách hỗ trợ NLĐ ngừng việc, đây là chính sách mới theo Nghị quyết số 68/NĐ-CP, trình tự thủ tục thực hiện chính sách này xây dựng theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính và thời gian thực hiện để tạo thuận lợi cho người lao động dễ thực hiện và sớm nhận được hỗ trợ.
Ông Lê Văn Thanh cho biết về hỗ trợ hộ kinh doanh, hộ kinh doanh chỉ cần nộp giấy đề nghị hỗ trợ tại UBND cấp xã nơi có địa điểm kinh doanh để tổng hợp, trình các cấp. Thời hạn giải quyết tối đa 10 ngày (giảm 2 ngày so với trước), hồ sơ được cắt giảm chỉ có giấy đề nghị.
Đối với hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, mức cho vay vốn cao hơn mức hỗ trợ nghị quyết số 42/NQ-CP. Trình tự thủ tục thực hiện chính sách này được kế thừa việc thực hiện theo quy định tại Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, đồng thời điều chỉnh việc thực hiện theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính và thời gian thực hiện. Tuy nhiên bỏ điều kiện chứng minh về doanh thu hoặc tài chính của doanh nghiệp, không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương đối với NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Văn Duẩn (nguồn: nld.com.vn)