banner2019
 
Thứ năm, ngày 19 tháng 12 năm 2024
Thứ năm, ngày 19 tháng 12 năm 2024
Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn trong tình hình mới
Cập nhật lúc 10:41 ngày 15/06/2021
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.
Nghị quyết nêu rõ trải qua hơn 90 năm hình thành và phát triển, sau 35 năm đổi mới đất nước, Công đoàn Việt Nam đã trưởng thành về mọi mặt, có những đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng, góp phần xây dựng giai cấp công nhân (GCCN) Việt Nam ngày càng lớn mạnh.
Thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ
Tổ chức Công đoàn được củng cố, phát triển, số lượng đoàn viên và Công đoàn cơ sở tăng nhanh, đội ngũ cán bộ phát triển cả về số lượng và chất lượng. Công đoàn mở rộng hoạt động sang khu vực kinh tế ngoài nhà nước; phối hợp ngày càng hiệu quả với các cấp chính quyền, các tổ chức và người sử dụng lao động, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động (NLĐ). Các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước được phát động rộng rãi, thu hút, khơi dậy động lực của đoàn viên, NLĐ, góp phần tăng năng suất lao động, phát triển kinh tế - xã hội. Công đoàn đã làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, nhà nước với công nhân, NLĐ, tích cực tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tuy nhiên, tổ chức và hoạt động của Công đoàn còn một số hạn chế, yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới. Công tác phát triển đoàn viên, Công đoàn cơ sở chưa tương xứng với tốc độ phát triển của DN, NLĐ; chất lượng đoàn viên chưa cao, hiệu quả hoạt động của Công đoàn cơ sở còn hạn chế. Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn còn bất cập; vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, phát huy quyền làm chủ của công nhân, NLĐ có mặt còn hạn chế…
Thời gian tới, số lượng công nhân, lao động tăng nhanh, hoạt động Công đoàn tiếp tục mở rộng và chuyển mạnh sang khu vực ngoài nhà nước. Quá trình phát triển kinh tế thị trường; những cơ hội, thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; việc cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp sẽ tác động sâu sắc đến việc làm, chất lượng nguồn nhân lực, việc thu hút, tập hợp người lao động… Bối cảnh đó đặt ra yêu cầu cấp bách phải đổi mới mạnh mẽ, thực chất hơn tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam.
Quan điểm chỉ đạo là xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh và xây dựng GCCN Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới là trách nhiệm của Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn phải bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng, phù hợp với thể chế chính trị đất nước, yêu cầu hội nhập quốc tế.
Mục tiêu tổng quát là xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, có năng lực thích ứng và giải quyết các vấn đề đặt ra, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới; là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng, nhà nước; làm tốt vai trò cầu nối, giữ mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, nhà nước với GCCN, NLĐ; xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết GCCN và NLĐ cả nước; góp phần xây dựng GCCN Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, là lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu
1. Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tập hợp, vận động đoàn viên, người lao động; tập trung phát triển đoàn viên, Công đoàn cơ sở...
2. Tiếp tục sắp xếp, hoàn thiện mô hình tổ chức; xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn chuyên nghiệp, đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
- Xây dựng mô hình tổ chức Công đoàn theo hướng mở, linh hoạt, năng động nhằm giải quyết kịp thời nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, NLĐ. Nghiên cứu, tổ chức thí điểm một số mô hình mới, như: Công đoàn ngành, Công đoàn tổng công ty trực thuộc theo hướng tập trung, tinh gọn, hiệu quả; Công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp có đông đoàn viên và doanh nghiệp có dưới 25 đoàn viên; Công đoàn khu vực ở một số địa phương có ít doanh nghiệp; Công đoàn tổng công ty, tập đoàn kinh tế tư nhân trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam…
- Xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn bảo đảm về số lượng, chất lượng, có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, uy tín, có năng lực đối thoại, dẫn dắt, truyền cảm hứng, tập hợp, đoàn kết NLĐ. Cơ cấu cấp ủy các cấp có tỉ lệ hợp lý người trưởng thành từ công nhân, Công đoàn…
3. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Công đoàn đáp ứng yêu cầu tình hình mới...
4. Xây dựng nguồn tài chính đủ mạnh để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn...
5. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động Công đoàn.
- Bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng đối với tổ chức và hoạt động Công đoàn, tạo điều kiện để Công đoàn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ.
- Quan tâm lãnh đạo công tác phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước; thành lập tổ chức Công đoàn để tạo tiền đề thành lập tổ chức Đảng, đoàn thể khác. Ở những nơi chưa có tổ chức Đảng, Đảng lãnh đạo tổ chức Công đoàn thông qua Công đoàn cấp trên trực tiếp; cán bộ Công đoàn các cấp, trước hết là cán bộ Công đoàn cơ sở có nhiệm vụ tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước đến đoàn viên, NLĐ. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển đảng viên; quan tâm bồi dưỡng, giới thiệu công nhân, NLĐ đủ tiêu chuẩn vào Đảng.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công nhân, Công đoàn. Phát huy trách nhiệm nêu gương của đảng viên là cán bộ Công đoàn, nhất là người đứng đầu. Đảng viên làm việc trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có đủ điều kiện phải tham gia tổ chức Công đoàn và gương mẫu, tích cực tham gia các hoạt động của Công đoàn.
6. Hoàn thiện chính sách, pháp luật; tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội với Công đoàn.
- Tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật về lao động, Công đoàn; nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn năm 2012. Đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lao động và tổ chức đại diện của NLĐ. Cơ quan quản lý nhà nước tích cực phối hợp với Công đoàn tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về lao động, Công đoàn.
- Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và chính quyền các cấp tăng cường phối hợp với Công đoàn; xây dựng các chương trình, quy chế phối hợp, kế hoạch hoạt động nhằm chăm lo, bảo đảm quyền lợi của người lao động, hỗ trợ và tạo điều kiện để Công đoàn hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, thiết thực, hiệu quả. Đẩy mạnh công tác phối hợp bảo đảm an ninh, trật tự tại các khu công nghiệp, các doanh nghiệp đông công nhân lao động, doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước. Người đứng đầu chính quyền các cấp định kỳ đối thoại và chỉ đạo giải quyết nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, NLĐ.
- Nhà nước, chính quyền các cấp có cơ chế huy động, bố trí nguồn lực tài chính thỏa đáng để nâng cao phúc lợi xã hội, chăm lo, giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc của NLĐ, nhất là nhà ở, trường học, bệnh viện, nơi vui chơi, giải trí, xử lý các tình huống đột xuất ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập.
- Quản lý tốt sự ra đời, bảo đảm hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích của các tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp; có các biện pháp phù hợp, hiệu quả để thu hút, vận động, định hướng tổ chức này gia nhập Công đoàn Việt Nam. Tăng cường tuyên truyền để người sử dụng lao động, công nhân, NLĐ nhận diện các hành vi lợi dụng việc thành lập và hoạt động của tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp để xâm phạm an ninh quốc gia, gây mất an ninh, trật tự. 
Phấn đấu có 16,5 triệu đoàn viên
Mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025: phấn đấu có 13,5 triệu đoàn viên Công đoàn, hầu hết doanh nghiệp có 25 công nhân, lao động trở lên có tổ chức Công đoàn; đến năm 2023 phấn đấu có 12 triệu đoàn viên. Phấn đấu 80% trở lên các doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức Công đoàn ký kết được thỏa ước lao động tập thể; đến năm 2023 đạt tỉ lệ trên 70%.
Đến năm 2030: phấn đấu có 16,5 triệu đoàn viên Công đoàn; nơi chưa có tổ chức đại diện NLĐ thì phần lớn NLĐ được tập hợp, tham gia một số hoạt động của Công đoàn Việt Nam. Phấn đấu 85% trở lên các doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức Công đoàn ký kết được thỏa ước lao động tập thể.
Đến năm 2045: Hầu hết NLĐ tại cơ sở là đoàn viên Công đoàn Việt Nam; 99% doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức Công đoàn ký kết được thỏa ước lao động tập thể.
Nguyên Thành (nguồn: nld.com.vn)