banner2019
 
Thứ tư, ngày 22 tháng 01 năm 2025
Thứ tư, ngày 22 tháng 01 năm 2025
Ngừng việc do Covid-19, hưởng lương thế nào?
Cập nhật lúc 08:19 ngày 03/06/2021
Theo quy định tại khoản 3 điều 99 Bộ Luật Lao động năm 2019, người lao động ngừng việc do dịch bệnh thì vẫn được người sử dụng lao động trả lương.
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên nhiều tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 hoặc Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều người lao động (NLĐ) băn khoăn trong thời gian giãn cách xã hội hoặc bị cách ly y tế thì có được trả lương hay không?
Giải quyết chế độ BHXH cho người lao động bị cách ly y tế
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Nguyễn Bá Hoan, từ đầu năm 2021 đến nay, Việt Nam có 2 đợt bùng phát dịch Covid-19, trong đó đợt từ ngày 27-4 nghiêm trọng nhất và tác động mạnh tới thị trường lao động và sản xuất - kinh doanh. Dịch Covid-19 còn tấn công trực tiếp vào các KCN - nơi tập trung nhiều doanh nghiệp (DN), sử dụng một lượng lớn lao động, đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế, thu ngân sách, nhất là tại 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh.
Theo quy định tại khoản 3 điều 99 Bộ Luật Lao động năm 2019, NLĐ ngừng việc do dịch bệnh nguy hiểm thì được người sử dụng lao động (NSDLĐ) trả lương ngừng việc. Mức lương ngừng việc theo thỏa thuận giữa NLĐ và NSDLĐ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu trong 14 ngày nghỉ việc đầu tiên. Tuy nhiên, trên thực tế, thời gian cách ly y tế có thể kéo dài trên 14 ngày theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. "Nhằm chia sẻ khó khăn, bảo đảm cuộc sống của NLĐ và gia đình do NLĐ bị cách ly y tế theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất xem xét, giải quyết chế độ BHXH đối với NLĐ tham gia BHXH bắt buộc nhưng phải cách ly y tế theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền" - ông Hoan cho hay.
Về điều kiện hưởng, trong văn bản gửi Bộ Y tế, Bộ Tài chính và BHXH Việt Nam, Bộ LĐ-TB-XH nêu rõ phải thỏa mãn cả 2 điều kiện. Về điều kiện đối với địa phương (cấp tỉnh, TP trực thuộc trung ương), có 2 phương án: Phương án 1: Tại thời điểm áp dụng chính sách, địa phương có số ca dương tính với SARS-CoV-2 bằng 0,1% dân số trở lên; phương án 2: Tại thời điểm áp dụng chính sách, địa phương có tỉ lệ NLĐ tham gia BHXH bắt buộc có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 bằng 0,1% trở lên.Ví dụ, hiện nay dân số tỉnh Bắc Giang là 1,8 triệu người. Khi nào số ca dương tính lên tới 1.800 người thì được áp dụng chính sách này. Thời điểm áp dụng là 30 ngày kể từ ngày UBND tỉnh có văn bản đề nghị gửi Bộ LĐ-TB-XH.
Còn ở tỉnh Bắc Ninh, hiện nay dân số khoảng 1,45 triệu người. Khi nào số ca dương tính lên tới 1.450 thì được áp dụng.
Về điều kiện đối với NLĐ: Đang thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, có đóng BHXH bắt buộc tháng liền kề trước khi nghỉ việc vì cách ly y tế phòng chống dịch Covid-19, có giấy tờ hợp pháp liên quan tới việc phải cách ly y tế. Ông Nguyễn Bá Hoan cho biết thời gian hưởng được tính theo thời gian cách ly y tế (dự kiến 21 ngày), không tính những ngày đã được trả lương ngừng việc theo quy định tại khoản 3 điều 99 Bộ Luật Lao động. Mức hưởng được tính theo quy định tại khoản 1 điều 28 Luật BHXH, mức hưởng chế độ ốm đau bằng 75% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về vấn đề này, bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam, bày tỏ sự đồng tình với chính sách hỗ trợ này. Tuy nhiên, theo bà Ngân, điều kiện Bộ LĐ-TB-XH đưa ra là "địa phương có số ca dương tính với SARS-CoV-2 bằng 0,1% dân số trở lên" hay "địa phương có tỉ lệ NLĐ tham gia BHXH bắt buộc có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 bằng 0,1% trở lên" là quá cao, rất khó có địa phương nào có thể được tiếp cận chính sách thụ hưởng (trừ tỉnh Bắc Giang có số ca mắc Covid-19 đã hơn 2.000 ca). "Quy định này dường như chưa mang tính dự báo, đặc biệt là với địa bàn TP HCM và Hà Nội - nơi có dân số đông. Nếu phải tính địa phương có số ca dương tính với SARS-CoV-2 bằng 0,1% dân số trở lên thì TP HCM phải có 9.000 ca dương tính và Hà Nội là 8.000 ca dương thì NLĐ mới được thụ hưởng chính sách này" - bà Ngân phân tích.
Xác định nguyên nhân gây ngừng việc
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Lê Văn Thanh, ngày 25-3-2020, bộ đã có Công văn số 1064/LĐTBXH-QHLĐTL về việc hướng dẫn trả lương ngừng việc và giải quyết chế độ cho NLĐ trong thời gian ngừng việc liên quan đến dịch Covid-19.
Việc trả lương ngừng việc căn cứ vào quy định tại điều 98 Bộ Luật Lao động để xem xét các trường hợp gây ra ngừng việc (do lỗi của NSDLĐ hay NLĐ hay do nguyên nhân khách quan) để xác định trả lương ngừng việc cho NLĐ. Đối với trường hợp NLĐ phải ngừng việc do tác động trực tiếp của dịch Covid-19 như: lao động là người nước ngoài trong thời gian chưa được quay trở lại DN làm việc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; NLĐ phải ngừng việc trong thời gian thực hiện cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; NLĐ phải ngừng việc do DN hoặc bộ phận DN không hoạt động được vì chủ sử dụng lao động hoặc những NLĐ khác cùng DN, bộ phận DN đó đang trong thời gian phải cách ly hoặc chưa được quay trở lại DN làm việc thì tiền lương của NLĐ trong thời gian ngừng việc thực hiện theo khoản 3 điều 98 Bộ Luật Lao động (tiền lương do hai bên thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định).
Theo luật sư Nguyễn Thanh Thanh, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thanh và Cộng sự, do tình hình dịch bệnh, thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ và UBND TP HCM, có nhiều trường hợp NLĐ phải làm việc tại nhà. Đây được xem là trường hợp chuyển NLĐ làm công việc khác so với hợp đồng lao động (HĐLĐ) theo quy định tại điều 29 Bộ Luật Lao động 2019. Theo đó, khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh thì NSDLĐ được quyền tạm thời chuyển NLĐ làm công việc khác so với HĐLĐ nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 1 năm; trường hợp chuyển NLĐ làm công việc khác so với HĐLĐ quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 1 năm thì phải được NLĐ đồng ý bằng văn bản. Theo quy định tại khoản 3 điều 29 Bộ Luật Lao động về trả lương thì NLĐ chuyển sang làm công việc khác so với HĐLĐ được trả lương theo công việc mới. Nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương của công việc cũ thì được giữ nguyên tiền lương của công việc cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% tiền lương của công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu. Như vậy, trong 30 ngày đầu, NLĐ được trả lương bằng với lương công việc chính. Sau đó, công ty có thể trả lương thấp hơn nhưng ít nhất phải bằng 85% lương công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. 
Thỏa thuận với doanh nghiệp về mức lương khi ngừng việc
Về vấn đề tạm ngừng công việc, theo quy định tại khoản 3 điều 99 Bộ Luật Lao động 2019 thì nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của NSDLĐ hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế thì hai bên thỏa thuận về tiền lương ngừng việc như sau: Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu, trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.
Theo quy định nêu trên, nếu NLĐ phải ngừng việc, nghỉ làm do dịch Covid-19 thì sẽ được trả lương theo sự thỏa thuận với DN. Nếu tạm ngừng việc từ 14 ngày trở xuống thì lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu. Nếu tạm ngừng việc trên 14 ngày thì 14 ngày đầu lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu, từ 15 ngày trở đi thì hai bên có thể thỏa thuận mức lương không bị giới hạn mức tối thiểu" - luật sư Thanh nhấn mạnh.
Văn Duẩn - Cao Hường (nguồn: nld.com.vn)