banner2019
 
Thứ năm, ngày 19 tháng 12 năm 2024
Thứ năm, ngày 19 tháng 12 năm 2024
Công tác bảo vệ trẻ em - Một số định hướng trong thời gian tới
Cập nhật lúc 08:07 ngày 02/06/2021
Trong những năm qua, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em luôn được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm, được coi là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu để bảo đảm an sinh xã hội, vì mục tiêu phát triển ổn định và lâu dài của đất nước.
Bước đầu giải quyết tốt một số vấn đề trẻ em hiện nay 
Sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 20-CT/TW ngày 5/11/2012 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới”, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực trẻ em ở Trung ương và cấp ủy, chính quyền các địa phương đã kịp thời thể chế hóa và triển khai tổ chức thực hiện tích cực, hiệu quả. Điển hình là Luật Trẻ em được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 5/4/2016; Quyết định số 2361/QĐ-TTg, ngày 22/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016-2020…
Gần đây, trước tình hình vi phạm quyền trẻ em ở một số nơi gây bức xúc trong dư luận xã hội, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1863/QĐ-TTg, ngày 23/12/2019 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, giai đoạn 2020-2025 và Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/5/2020 về “Tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em”. 
Trên cơ sở định hướng, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền các địa phương đã tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện khá kịp thời, hiệu quả, góp phần tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, bước đầu giải quyết tốt một số vấn đề về trẻ em hiện nay, như phòng, chống xâm hại trẻ em; giảm thiểu lao động trẻ em; phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em...
Việt Nam vẫn có khoảng trên 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trên 2 triệu trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Một số vụ việc vi phạm quyền trẻ em, đặc biệt là bạo lực, xâm hại trẻ em trong các cơ sở giáo dục, trẻ em bị xâm hại thân thể và xâm hại tình dục vẫn diễn biến phức tạp, chưa được ngăn chặn hiệu quả. Tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích, bị lạm dụng sức lao động, trẻ em vi phạm pháp luật có xu hướng gia tăng....
Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, đến nay công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em ở nước ta đã đạt những kết quả quan trọng, cụ thể: 
Một là, tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đã giảm còn 5%; 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được quản lý theo dõi và 80% trong số đó được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển. Các vụ xâm hại trẻ em tuy vẫn giảm chậm nhưng các vụ việc được phát hiện và xử lý tăng lên. Tai nạn, thương tích (đặc biệt là đuối nước trẻ em và tai nạn giao thông), tổng số lao động trẻ em từ 5 đến 17 tuổi có chiều hướng giảm rõ rệt. Tỷ lệ trẻ em được đăng ký khai sinh đúng hạn tăng cao…
Hai là, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, đặc biệt là phòng, chống xâm hại trẻ em; phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em đã được triển khai với nội dung và hình thức phong phú.
 
Truyền thông được thể hiện qua 3 kênh chính là truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông trên các trang mạng xã hội và truyền thông cộng đồng. Thông qua công tác truyền thông, nhận thức của các cấp, các ngành, đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em, gia đình và toàn xã hội về trẻ em và tầm quan trọng thực hiện quyền trẻ em được nâng cao.
Ba là, hệ thống pháp luật, các chính sách về trẻ em nói chung, công tác bảo vệ trẻ em nói riêng tiếp tục được rà soát, sửa đổi, bổ sung, từng bước hoàn thiện, bước đầu giải quyết khá tốt một số vấn đề về trẻ em, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ trẻ em trong tình hình mới; đã tập trung phòng ngừa, giải quyết tình trạng trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực, bị lạm dụng sức lao động, hoặc xử lý được một số vấn đề liên quan đến trẻ em gây bức xúc xã hội.
Bốn là, các chương trình, đề án bảo vệ trẻ em, nhất là cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt đã được quan tâm chỉ đạo, đầu tư và huy động được các nguồn lực xã hội để hỗ trợ. Công tác bảo trợ, can thiệp, bảo vệ đối với trẻ em bị xâm hại, trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đã từng bước được nâng lên, tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật. Công tác kiểm tra, giám sát về công tác trẻ em ở các cấp tiếp tục được quan tâm thực hiện.
Năm là, công tác phối hợp giữa các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương, giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đã được chú trọng hơn. Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tích cực phối hợp với các ngành chức năng, các tổ chức thành viên làm khá tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện phong trào “Toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em”.
Sáu là, hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em đã được quan tâm củng cố, đầu tư cả về cơ sở vật chất và hoạt động. Toàn quốc hiện có 146 cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, 40 trung tâm công tác xã hội cấp tỉnh, 11.039 điểm tham vấn tại trường học, 6.323 điểm tham vấn cộng đồng. Bên cạnh đó còn có hàng trăm cơ sở trợ giúp xã hội thuộc ngành lao động quản lý và trung tâm công tác xã hội trong các bệnh viện tham gia cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em.
Huy động toàn xã hội chăm sóc - giáo dục và bảo vệ trẻ em 
Trong thời gian qua, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em còn gặp nhiều khó khăn. Trẻ em có nguy cơ cao bị xâm hại trên môi trường mạng do được tiếp cận, sử dụng phổ biến các thiết bị công nghệ, các trường học chuyển sang dạy học trực tuyến. Một bộ phận trẻ em thiếu về dinh dưỡng, thiếu sự chăm sóc chu đáo của người lớn do hoàn cảnh mưu sinh của cha mẹ và người đỡ đầu. Ngoài ra, Việt Nam vẫn có khoảng trên 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trên 2 triệu trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Một số vụ việc vi phạm quyền trẻ em, đặc biệt là bạo lực, xâm hại trẻ em trong các cơ sở giáo dục, trẻ em bị xâm hại thân thể và xâm hại tình dục vẫn diễn biến phức tạp, chưa được ngăn chặn hiệu quả. Tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích, bị lạm dụng sức lao động, trẻ em vi phạm pháp luật có xu hướng gia tăng....
Quyền trẻ em, đặc biệt quyền được sống an toàn, lành mạnh, được bảo vệ khỏi xâm hại đang trở thành một trong những vấn đề toàn cầu, được Đảng, Nhà nước và xã hội luôn quan tâm. Một số yếu tố ảnh hưởng đến việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em như kinh tế tăng trưởng sẽ tạo tiền đề quan trọng về nguồn lực cho việc thực hiện các mục tiêu về trẻ em; an sinh xã hội cho người dân, đặc biệt là việc thực hiện các chương trình giảm nghèo, phát triển nông thôn mới, phát triển giáo dục, y tế, chăm sóc xã hội tác động đến chất lượng cuộc sống của trẻ em. Cách mạng khoa học công nghệ, hội nhập quốc tế có những tác động cả tích cực và tiêu cực đến việc thực hiện các quyền trẻ em và bổn phận của trẻ em; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh phức tạp, khó lường tác động trực tiếp và lâu dài đến sự phát triển toàn diện và cuộc sống an toàn của trẻ em. Quá trình đô thị hóa và di cư làm gia tăng nguy cơ trẻ em “bị bỏ lại đằng sau” do không được tiếp cận đầy đủ chính sách, dịch vụ hỗ trợ, thiếu sự chăm sóc trực tiếp của cha mẹ; các giá trị đạo đức truyền thống thay đổi, lối sống thực dụng, thiếu gương mẫu của người lớn...
Thời gian tới, để tiếp tục thực hiện hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác trẻ em, trong đó có bảo vệ trẻ em, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu của Liên hợp quốc về quyền trẻ em mà Việt Nam đã cam kết thực hiện, cần tập trung các nội dung sau:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 5/11/2012 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong hình hình mới”, các văn bản chỉ đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; củng cố, nâng cao nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của công tác này đối với sự phát triển bền vững của đất nước và mỗi địa phương.
Thứ hai, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em, như về việc bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em, tư pháp thân thiện với trẻ em; trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em dân tộc thiểu số và miền núi, trẻ em trong các hộ gia đình nghèo, cận nghèo, trẻ em di cư và trong các gia đình công nhân tại các khu công nghiệp, trẻ em bị ảnh hưởng thiên tai, thảm họa; hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh, cung cấp thẻ bảo hiểm y tế cho từng độ tuổi trẻ em...
Thứ ba, đề cao trách nhiệm các ban, bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan Trung ương và cấp ủy, chính quyền các địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trên địa bàn và theo lĩnh vực. Tiếp tục phát huy vai trò của hệ thống chính trị và huy động toàn xã hội tham gia tích cực, hiệu quả vào công tác này. Chú trọng công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách và các chương trình, đề án, kế hoạch hành động về trẻ em từ Trung ương đến cơ sở.
Thứ tư, tăng cường phối hợp liên ngành về thực hiện quyền trẻ em. Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, quy trình phối hợp cấp bộ, ngành về một số nội dung, hoạt động trong lĩnh vực trẻ em, đặc biệt trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan tư pháp các cấp trong phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ trẻ em trong các vụ việc, vụ án bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em.
Thứ năm, không ngừng đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật, kỹ năng, hoạt động về thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em cho mọi thành viên trong gia đình, nhà trường và cho chính trẻ em. Đa dạng các hình thức truyền thông, giáo dục, vận động xã hội trên các phương tiện thông tin đại chúng, Internet, viễn thông và mạng xã hội, truyền thông trực tiếp đến gia đình, cơ sở giáo dục và cộng đồng.
Thứ sáu, khẩn trương triển khai và quyết liệt thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em; Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em; Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em; Chương trình phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em.... Các bộ, ngành, địa phương quan tâm rà soát, bố trí đủ nguồn lực từ ngân sách và tăng cường huy động các nguồn lực xã hội phục vụ công tác trẻ em và bảo vệ trẻ em, trong đó đặc biệt ưu tiên đầu tư cho trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn….  
Thứ bảy, phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ đáp ứng việc thực hiện quyền trẻ em, ưu tiên hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em, lồng ghép và phối hợp giữa các dịch vụ y tế, giáo dục, tư pháp và các dịch vụ an sinh xã hội khác. Đào tạo phát triển đội ngũ nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp và kết hợp với kiêm nhiệm, bán chuyên nghiệp trong các đoàn viên, hội viên của các tổ chức chính trị - xã hội và một số tổ chức xã hội đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em có chất lượng và hiệu quả. Nghiên cứu, hình thành các mạng lưới, mô hình cung cấp dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em có sự lồng ghép, phối hợp, chuyển tuyến đa ngành, đa cấp theo hình thức dịch vụ một cửa và gói dịch vụ, tiếp cận trẻ em, cha mẹ và người chăm sóc trẻ tại gia đình và cộng đồng.
Hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em, như về việc bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em, tư pháp thân thiện với trẻ em; trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em dân tộc thiểu số và miền núi, trẻ em trong các hộ gia đình nghèo, cận nghèo.
Ban Tuyên giáo Trung ương