banner2019
 
Thứ năm, ngày 19 tháng 12 năm 2024
Thứ năm, ngày 19 tháng 12 năm 2024
Đàm phán tiền lương hiệu quả – chìa khóa để mở rộng thị trường nội địa, tạo động lực cho tăng trưởng hậu COVID
Cập nhật lúc 09:48 ngày 05/05/2021
Người lao động đồng thời vừa là người tiêu dùng vừa là người tạo ra sản phẩm, TS Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam, nhấn mạnh khi chia sẻ một số suy nghĩ về vai trò của Công Đoàn Việt Nam nhân Ngày Quốc tế Lao động.
Ông nhìn nhận thế nào về vai trò, hiệu quả hoạt động của Công đoàn Việt Nam (CĐVN) trong việc bảo vệ quyền lợi cho người lao động tại doanh nghiệp hiện nay?
​ 
Ts Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam CĐVN có 92 năm lịch sử.
Ra đời vào năm 1929, CĐVN có một lịch sử đáng tự hào bảo vệ quyền lợi của người dân Việt Nam và người lao động Việt Nam thông qua đấu tranh chống ngoại xâm, vì nền độc lập của dân tộc, thống nhất đất nước và tham gia xây dựng một nền kinh tế mới.
Những thách thức và sứ mệnh của công đoàn có thể thay đổi theo thời gian. Nhưng sứ mệnh chủ chốt của công đoàn, dù ở quốc gia nào, thì không bao giờ thay đổi. Đó là bảo vệ và đại diện cho quyền lợi của người lao động và gia đình họ.
Tôi tin rằng CĐVN đã làm hết sức mình để đại diện người lao động và bảo vệ quyền lợi của họ. Có những giai đoạn, trong những hoàn cảnh cụ thể, CĐVN tập trung vào những ưu tiên bao trùm lớn hơn, chẳng hạn như đấu tranh vì độc lập dân tộc hoặc tham gia kiến thiệt và xây dựng đất nước.
Tuy nhiên, hiện nay, trong bối cảnh cải cách kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế sâu rộng, CĐVN nên hướng sự tập trung vào chức năng căn bản của mình là đại diện và bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Chỉ khi công đoàn đại diện cho tiếng nói của người lao động một cách hiệu quả, hợp tác chặt chẽ với chủ sử dụng lao động và Chính phủ, lúc đó công đoàn mới có thể thực sự đóng góp cho sự ổn định chính trị và phát triển kinh tế.
Tại doanh nghiệp, phần lớn thời gian, công đoàn phối hợp chặt chẽ với chủ sử dụng lao động. Nhưng có lúc công đoàn cần đấu tranh với chủ sử dụng lao động để bảo vệ và thúc đẩy quyền và lợi ích của người lao động. Đó chính là lúc công đoàn thể hiện giá trị của mình. Nhưng đây không phải là một việc dễ dàng.
Ở Việt Nam có hai tình huống. Thứ nhất, các lãnh đạo công đoàn dũng cảm có thể bị điều chuyển đi nơi khác hoặc không được gia hạn hợp đồng. Điều này được gọi là các hành vi không công bằng trong lao động.
Tình huống thứ hai là lãnh đạo công đoàn cơ sở lại chính là quản lý nhân sự hoặc quản lý cấp cao của doanh nghiệp. Như vậy, họ thuộc về phía chủ sử dụng lao động, nên nhiều lúc khó có thể lên tiếng vì người lao động.
Bộ Luật Lao động 2019 có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 có những điểm cải tiến quan trọng liên quan đến vấn đề này. Bộ Luật đưa ra những điều khoản chặt chẽ hơn nhằm phòng chống các hành vi không công bằng trong lao động. Ngoài ra, Bộ Luật không cho phép nhân sự quản lý cấp cao tham gia tổ chức công đoàn (hoặc tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp, như đã đề cập trong Bộ Luật Lao động 2019), và cần có sự tách biệt giữa công đoàn và ban quản lý doanh nghiệp.
Tôi hy vọng rằng công đoàn sẽ có thể áp dụng hiệu quả những điều khoản pháp lý này để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động.
Ông đánh giá thế nào về những nỗ lực đổi mới của CĐVN trong những năm qua để đại diện cho quyền lợi của người lao động tốt hơn?
Trong 20 năm qua, CĐVN đã có nhiều đổi mới quan trọng tập trung vào vai trò và chức năng cơ bản của mình.
Tôi xin phép đưa ra một vài ví dụ về đổi mới.
Thứ nhất, chúng ta có thể thấy phương pháp mới về tổ chức kết nạp đoàn viên của công đoàn, được gọi là phương pháp tổ chức “từ dưới lên”. Khoảng 10-20 năm trước, Liên đoàn lao động tỉnh đến gặp các doanh nghiệp, và hỏi Chủ sử dụng lao động xem họ có cho phép thành lập công đoàn không. Khi chủ sử dụng lao động đồng ý, Liên đoàn lao động tỉnh sẽ để Chủ sử dụng lao động tự thành lập và “quản lý” công đoàn. Nhưng theo phương thức tổ chức từ dưới lên, Liên đoàn lao động tỉnh sẽ đến gặp và nói chuyện với người lao động trước tiên, do đó sẽ dẫn tới mối liên kết chặt chẽ giữa người lao động, công đoàn cơ sở và Liên đoàn lao động tỉnh.
Đây là một sự thay đổi rất quan trọng, bởi theo phương pháp truyền thống kết nạp đoàn viên “từ trên xuống”, công đoàn rất dễ bị chi phối bởi chủ sử dụng lao động. Còn với cách tiếp cận “từ dưới lên”, công đoàn sẽ nhiều khả năng trở thành tổ chức thực sự vì người lao động, của người lao động và do người lao động.
Thứ hai, nếu nhìn vào thỏa ước lao động tập thể khoảng 10-20 năm trước, đó chỉ đơn thuần là việc ký kết các thỏa thuận mà không có thương lượng thực chất giữa người lao động và chủ sử dụng lao động. Nhưng giờ đây, chúng ta có thể thấy quá trình thương lượng thực sự giữa hai bên, dù không phải ở tất cả nhưng đã diễn ra ở khá nhiều doanh nghiệp. Và trước kia, thỏa ước lao động tập thể chỉ được thỏa thuận ở cấp doanh nghiệp. Nhưng hiện nay, tại nhiều địa phương đã có thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp. Điều kiện lao động trong cùng một ngành và ở cùng một địa phương tương đối giống nhau. Vì thế, không có lý do gì để tổ chức đàm phán tại từng doanh nghiệp đơn lẻ. Do đó, thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp là một bước tiến, một điểm đổi mới quan trọng của công đoàn. 
Theo tôi, đây là sự phát triển theo hướng đi đúng đắn và tôi rất khuyến khích điều này. Nếu CĐVN có thể thực hiện nhanh hơn và có hệ thống hơn theo hướng này, điều đó sẽ tốt hơn không chỉ cho người lao động Việt Nam, mà còn cho cả xã hội Việt Nam, bởi nó đóng góp cho sự phát triển kinh tế và ổn định xã hội.
Một ví dụ khác là nghiệp đoàn. Nghiệp đoàn là một loại hình công đoàn của những người lao động làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, như người lao động làm việc tại các hiệu cắt tóc hay lái xe xích lô. Do quy mô của cơ sở kinh doanh nhỏ, rất khó có thể thành lập công đoàn tại từng cơ sở như vậy. Thay vì thế, người lao động tham gia nghiệp đoàn theo địa phương hoặc theo ngành nghề. Hình thức tổ chức này đã tồn tại tronghệ thống CĐVN suốt nhiều năm qua, nhưng lại chưa được ghi nhận và hỗ trợ đầy đủ. Loại hình công đoàn này nên được khuyến khích và hỗ trợ do hiện có nhiều người lao động trong nhóm này, và hầu hết là những người lao động dễ bị tổn thương.
Công đoàn đóng vai trò như thế nào trong xây dựng chính sách tiền lương quốc gia?
Chính sách tiền lương là lĩnh vực mà CĐVN thực hiện rất tốt nhiệm vụ đại diện cho quyền lợi của người lao động trong quá trình điều chỉnh mức lương tối thiểu. Vào năm 2013, Hội đồng Tiền lương Quốc gia được thành lập, dựa theo Bộ Luật Lao động 2012. Điều này mang tới một sự thay đổi đặc biệt sâu sắc.
Trước năm 2013, mức lương tối thiểu chỉ do phía Chính phủ xác lập, mà không có sự tham gia thực chất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các hiệp hội doanh nghiệp khác.
Kể từ năm 2013, với việc Hội đồng Tiền lương Quốc gia được thành lập, mức lương tối thiểu được xác lập thông qua tham vấn và đôi khi là cả thương lượng giữa ba bên – Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, TLĐLĐVN đại diện cho tiếng nói của người lao động, VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp khác đại diện cho doanh nghiệp. Tại các phiên họp của Hội đồng Tiền lương Quốc gia, TLĐLĐVN luôn đề nghị Chính phủ và các bên khác phải hướng tới cải thiện cuộc sống của người lao động và gia đình họ khi điều chỉnh tiền lương tối thiểu. Họ luôn đại diện cho tiếng nói của người lao động trong tiến trình điều mức chỉnh lương tối thiểu.
Vậy còn về thương lượng tập thể về tiền lương tại cấp cơ sở thì sao, thưa ông?
Về thỏa ước lao động tập thể, so với 10 năm trước đây, tôi có thể thấy sự tiến bộ trong lĩnh vực này. Đã có thêm nhiều doanh nghiệp có thỏa ước thương lượng tập thể, và có thêm nhiều thỏa ước có các điều khoản ở mức cao hơn so với các yêu cầu tối thiểu của pháp luật. Nhưng có một điểm thường bị thiếu ở phần lớn các thỏa ước lao động tập thể – đó chính là tiền lương. 
Trước tiên, tôi muốn nhắc tới Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 về cải cách chính sách tiền lương. Đây là một văn bản đặc biệt quan trọng đóng vai trò hướng dẫn các bên tham gia vào quan hệ lao động trong việc quyết định tiền lương và các điều kiện lao động khác.
Có 3 điểm quan trọng trong Nghị quyết này. Thứ nhất, Nghị quyết ghi rõ Nhà nước không tham gia vào quá trình xác lập tiền lương ở cấp doanh nghiệp. Thứ hai, Nghị quyết ghi nhận vai trò quan trọng của lương tối thiểu, nhưng đồng thời nêu rõ hạn chế của lương tối thiểu là chỉ để bảo vệ những người lao động dễ bị tổn thương nhất trên thị trường lao động. Không thể dùng lương tối thiểu để quyết định tiền lương thực tế của mọi người lao động. Thứ ba, Nghị quyết khuyến khích công đoàn và chủ sử dụng lao động xác lập tiền lương thực tế thông qua thương lượng tập thể.
Nghị quyết 27 đưa ra hướng dẫn rõ ràng về phương thức xác lập, điều chỉnh tiền lương, và hoàn toàn tương thích với các tiêu chuẩn lao động quốc tế của ILO. Tuy nhiên, rất tiếc là nghị quyết vẫn chưa được áp dụng trên thực tế tại phần lớn các doanh nghiệp. Thỏa ước lao động tập thể có thể bao gồm những lợi ích ít quan trọng hơn như tiền ăn trưa hay tháng lương thứ 13, nhưng thường không đề cập đến tiền lương tháng. Ở tất cả các quốc gia khác, tiền lương là điều khoản quan trọng nhất trong thương lượng tập thể.
Tiền lương là kết quả của thương lượng tập thể, có vai trò quan trọng không chỉ giúp cải thiện điều kiện làm việc, điều kiện sống của người lao động và gia đình họ, mà còn giúp chia sẻ phồn thịnh trong toàn xã hội và nền kinh tế. Khi tiền lương được xác lập thông qua thương lượng tập thể, người lao động có thể dành được phần phân chia lớn hơn từ việc tăng năng suất lao động của công ty, nhờ có được năng lực thương lượng mạnh hơn, so với trường hợp tiền lương không được xác lập thông qua thương lượng tập thể. Điều này đảm bảo sự phân chia công bằng hơn về thành quả kinh tế giữa chủ sử dụng lao động và người lao động.
Việt Nam có tham vọng vươn lên từ một quốc gia thu nhập trung bình thấp trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao. Để đạt được vị thế đó, Việt Nam không thể chỉ dựa vào đòn bẩy xuất khẩu, mà còn phải dựa cả vào động cơ quan trọng là tiêu dùng nội địa để phát triển kinh tế.
Cầu nội địa đến từ tiêu dùng nội địa bởi người dân Việt Nam, mà phần lớn là người lao động. Vì thế sức mua của người lao động tăng cao hơn đóng vai trò quan trọng, và sức mưa cao hơn đến chính từ tiền lương cao hơn. Với COVID-19, ngành du lịch Việt Nam đã khám phá lại được giá trị của khách du lịch nội địa. Việt Nam cần khám phá lại tầm quan trọng của người lao động không chỉ ở cương vị của người làm ra sản phẩm, mà còn ở cương vị người tiêu dùng. Họ chính là một trong hai động cơ của phát triển kinh tế song hành với động cơ còn lại là người tiêu dùng nước ngoài mua hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Quay trở lại vai trò của công đoàn, nếu công đoàn có thể đại diện cho tiếng nói của người lao động tốt hơn, đàm phán tiền lương tốt hơn, công đoàn có thể góp phần tạo ra một thị trường nội địa lớn hơn, và sự phát triển kinh tế cân bằng hơn, dẫn tới sự phồn thịnh được chia sẻ công bằng.
Nguồn ILO Việt Nam