banner2019
 
Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024
Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024
Quyền và nghĩa vụ của người được bảo vệ khi tố cáo hành vi tham nhũng, lãng phí
Cập nhật lúc 09:41 ngày 02/02/2021
Thông tư 145/2020/TT-BCA của Bộ Công an ngày 29/12/2020 quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục, biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo về hành vi tham nhũng, lãng phí, có hiệu lực từ ngày 15/02/2021. Vậy những người được bảo vệ gồm những ai? Quyền và nghĩa vụ của người được bảo vệ ra sao? Điều 3, Điều 4 Thông tư 145/2020/TT-BCA sẽ trả lời câu hỏi này:
1. Những người được bảo vệ gồm:
- Người tố cáo về hành vi tham nhũng, lãng phí; 
- Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo về hành vi tham nhũng, lãng phí (sau đây gọi chung là người được bảo vệ). 
Lưu ý: Người được bảo vệ đang sinh sống, làm việc, học tập tại nước ngoài không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này.
2. Phạm vi, nội dung bảo vệ người được bảo vệ, gồm:
Bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm. Tài sản được bảo vệ là tài sản thuộc quyền sở hữu của người được bảo vệ. 
Lưu ý: Tài sản của người được bảo vệ tại nước ngoài không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này.
3. Căn cứ áp dụng biện pháp bảo vệ: 
Khi có căn cứ về việc tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người quy định tại khoản 1 trên đang bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại ngay tức khắc do việc tố cáo về hành vi tham nhũng, lãng phí.
4. Quyền và nghĩa vụ của người được bảo vệ:
Quyền và nghĩa vụ của người được bảo vệ thực hiện theo quy định tại Điều 48 Luật Tố cáo:
Người được bảo vệ có các quyền sau đây:
- Được biết về các biện pháp bảo vệ;
- Được giải thích về quyền và nghĩa vụ khi được áp dụng biện pháp bảo vệ;
- Đề nghị thay đổi, bổ sung, chấm dứt việc áp dụng biện pháp bảo vệ;
- Từ chối áp dụng biện pháp bảo vệ;
- Được bồi thường theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong trường hợp người tố cáo đã đề nghị người giải quyết tố cáo, cơ quan khác có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ mà không áp dụng biện pháp bảo vệ hoặc áp dụng không kịp thời, không đúng quy định của pháp luật, gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản, tinh thần cho người được bảo vệ.
Người được bảo vệ có các nghĩa vụ sau đây:
- Chấp hành nghiêm chỉnh yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ;
- Giữ bí mật thông tin về việc được bảo vệ;
- Thông báo kịp thời đến cơ quan áp dụng biện pháp bảo vệ về những vấn đề phát sinh trong thời gian được bảo vệ.
Lưu ý: Người có thẩm quyền giải quyết tố cáo, cơ quan Công an có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ không chịu trách nhiệm về hậu quả xảy ra đối với tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ trong trường hợp người được bảo vệ tự đề nghị chấm dứt, từ chối áp dụng biện pháp bảo vệ hoặc không chấp hành các nghĩa vụ của người được bảo vệ tại khoản 2 Điều 48 Luật Tố cáo.
Thanh Huyền tổng hợp