banner2019
 
Thứ năm, ngày 19 tháng 12 năm 2024
Thứ năm, ngày 19 tháng 12 năm 2024
Nghỉ hưu muộn, lương hưu có tăng?
Cập nhật lúc 10:58 ngày 22/12/2020
Từ năm 2021, để được nhận lương hưu với tỉ lệ tối đa 75%, lao động nam phải đóng từ đủ 34 năm BHXH và lao động nữ phải đóng từ đủ 30 năm.
Luật BHXH 2014 quy định mức hưởng lương hưu tối đa là 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Đặc biệt, từ ngày 1-1-2021, khi Bộ Luật Lao động 2019 có hiệu lực thì tuổi nghỉ hưu và mức lương hưu hằng tháng sẽ có nhiều thay đổi. Theo đó, với điều kiện lao động bình thường, kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của lao động nam là đủ 60 tuổi 3 tháng và của lao động nữ (LĐN) là đủ 55 tuổi 4 tháng. Đối với lao động nam, việc tính mức lương hưu hằng tháng năm 2021 được thực hiện theo nguyên tắc đóng đủ 19 năm BHXH thì được 45% (hiện nay là 18 năm). Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 2%. Như vậy, lao động nam đủ điều kiện về hưu năm 2021, để được nhận lương hưu với tỉ lệ tối đa 75% phải đóng từ đủ 34 năm BHXH.
3,2 triệu người đang hưởng lương hưu, trợ cấp
Đối với LĐN, việc tính mức lương hưu hằng tháng năm 2021 được thực hiện theo nguyên tắc đóng đủ 15 năm BHXH thì được 45%. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 2%. Như vậy, LĐN đủ điều kiện về hưu năm 2021, để được nhận lương hưu với tỉ lệ tối đa 75% phải đóng từ đủ 30 năm BHXH. Ngoài ra, với trường hợp người lao động (NLĐ) tham gia BHXH bắt buộc, về hưu trước tuổi do suy giảm khả năng lao động, bị trừ tỉ lệ hưởng lương hưu thì theo nguyên tắc mức hưởng lương hưu được tính như trên với mức tối đa 75%; sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%. Vì vậy những trường hợp bị trừ tỉ lệ lương hưu sẽ không được hưởng lương hưu với mức tối đa.
Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết theo quy định tại Bộ Luật Lao động 2012, tuổi nghỉ hưu của NLĐ làm việc trong điều kiện bình thường là nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi. Theo quy định tại Bộ Luật Lao động 2019, từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với LĐN; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với LĐN.
Từ năm 2021, để được nhận lương hưu với tỉ lệ tối đa 75%, lao động nữ phải đóng từ đủ 30 năm BHXH
Hiện cả nước có khoảng 3,2 triệu người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng với tổng số tiền khoảng 14.055 tỉ đồng. Thống kê được BHXH Việt Nam công bố trước đó cho thấy tuổi nghỉ hưu bình quân của NLĐ nói chung năm 2017 là 55 tuổi, năm 2018 là 56 tuổi. Trong đó, riêng lao động nam tuổi nghỉ hưu bình quân của năm 2017 là 56 tuổi, năm 2018 là 58 tuổi; LĐN có tuổi nghỉ hưu bình quân của năm 2017 là 53 tuổi, năm 2018 là 54 tuổi.
Lương hưu tăng khi đóng dư BHXH
Theo giới chuyên môn, tuổi nghỉ hưu thay đổi sẽ dẫn đến những thay đổi về phí BHXH, số năm đóng bảo hiểm để được nhận lương hưu tối đa và số tiền lương nhận được khi nghỉ hưu. Cụ thể, khi tăng tuổi nghỉ hưu, NLĐ sẽ tăng thêm thời gian đóng BHXH, từ đó quyền lợi được hưởng cao hơn do phần tích lũy lương hưu cao hơn theo nguyên tắc đóng dài hơn, cao hơn thì khi hưởng sẽ cao hơn.
Tuy nhiên, trước một số ý kiến cho rằng người nghỉ hưu sau lương lại thấp hơn người nghỉ hưu trước do tăng tuổi nghỉ hưu, tăng số năm đóng, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng quan niệm này là chưa đúng. "Người tham gia BHXH sẽ được hưởng cao hơn và trong tương lai quỹ hưu trí của từng người sẽ được hạch toán trong tài khoản cá nhân, nhà nước quản lý, đầu tư, tăng trưởng, bảo tồn và người hưởng BHXH sẽ được sử dụng toàn bộ phần đóng góp của mình. Nếu không may qua đời, thân nhân sẽ được hưởng toàn bộ, còn trượt giá thì được nhà nước bù. Tăng trưởng kinh tế cũng được nhà nước điều chỉnh cho người hưởng lương hưu" - ông Lợi giải thích. Ngoài ra, nếu người tham gia BHXH đến tuổi nghỉ hưu, số năm đóng BHXH dư ra thì mỗi năm tăng so với quy định sẽ được hưởng 1/2 tháng lương, trong đó, với nam tính từ năm thứ 36 trở đi và với nữ là năm thứ 31 trở đi.
Các chuyên gia cho rằng quỹ BHXH không chỉ là nguyên tắc đóng - hưởng mà còn có sự chia sẻ giữa các thế hệ trên cơ sở nhà nước bảo hộ bù trượt giá, tăng mức lương hưu khi nền kinh tế phát triển. Theo BHXH Việt Nam, đến hết tháng 11-2020, cả nước có trên 15,88 triệu người tham gia BHXH (đạt 32,3% lực lượng lao động trong độ tuổi). 
42% người hưởng lương hưu tham gia thị trường lao động
Thống kê về thực trạng nguồn nhân lực được công bố trước đó cho thấy nguồn cung lao động đang thấp hơn cầu sử dụng. Giai đoạn 2011 - 2015, mỗi năm bổ sung được gần 1 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên, nhưng giai đoạn 2016 - 2021 thì nguồn lao động bổ sung chỉ khoảng 400.000 người/năm. Trong khi đó, tuổi thọ bình quân của Việt Nam đã tăng lên, hiện nay là bình quân 74 tuổi, trong đó tuổi thọ của phụ nữ là 81,3, của nam là 72,1. Số người đang hưởng lương hưu hiện nay vẫn có 42% tham gia vào thị trường lao động để có thu nhập ngoài lương hưu.
Ngọc Dung (nguồn: nld.com.vn)