banner2019
 
Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024
Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024
Trách nhiệm của NSDLĐ trong việc thu thập, lưu trữ, tổng hợp, cung cấp, công bố, đánh giá về tình hình tai nạn lao động và sự cố kỹ thuật gây mất ATVSLĐ nghiêm trọng từ ngày 15/1/2021
Cập nhật lúc 10:58 ngày 22/12/2020
Thông tư 13/2020/TT-BLĐTBXH ngày 27/11/2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (thay thế thông tư 08/2016/TT-BLĐTBXH) có quy định trách nhiệm thu thập, lưu trữ, tổng hợp, cung cấp, công bố, đánh giá về tình hình tai nạn lao động và sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng của người sử dụng lao động từ ngày 15/1/2021 như sau:
1. Người sử dụng lao động phải tổ chức thu thập, lưu trữ thông tin về tình hình tai nạn lao động xảy ra tại cơ sở của mình; mở số thống kê tai nạn lao động theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này; cập nhật đầy đủ, kịp thời vào phần mềm cơ sở dữ liệu về tai nạn lao động của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kể từ ngày phần mềm hoạt động; trong đó, xác định yếu tố chính gây chấn thương theo danh mục quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này (Điểm a, khoản 1 Điều 3).
2. Người sử dụng lao động có trách nhiệm đánh giá, công bố tình hình tai nạn lao động xảy ra tại cơ sở theo quy định (Khoản 1 Điều 4):
- Định kỳ 06 tháng, hằng năm, đánh giá, công bố tình hình tai nạn lao động xảy ra tại cơ sở cho người lao động biết Thông tin phải được công bố trước ngày 10 tháng 7 đối với số liệu 06 tháng đầu năm và trước ngày 15 tháng 01 năm sau đối với số liệu cả năm;
- Thông tin công bố phải được niêm yết công khai tại trụ sở của cơ sở và cấp tổ, đội, phân xưởng, phòng, ban (đối với các tổ, đội, phân xưởng, phòng, ban có xảy ra tai nạn lao động), tại hội nghị người lao động hằng năm của doanh nghiệp và đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ sở (nếu có).
Nội dung thông tin công bố tình hình tai nạn lao động (Khoản 6 Điều 4):
- Số vụ tai nạn lao động, số vụ tai nạn lao động chết người;
- Số người bị tai nạn lao động, số người bị chết do tai nạn lao động;
- Nguyên nhân chủ yếu xảy ra tai nạn;
- Thiệt hại do tai nạn lao động, bao gồm: tổng số ngày nghỉ vì tai nạn lao động; các khoản chi về y tế, trả lương trong thời gian điều trị, bồi thường, trợ cấp, chi phí khác; thiệt hại tài sản;
- Sự biến động (về số lượng, tỷ lệ) các số liệu thống kê quy định tại các điểm a, b, c và d của khoản 6 này so với cùng thời kỳ hoặc giai đoạn báo cáo; phân tích nguyên nhân biến động và hiệu quả của các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động (bao gồm phân tích về kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động và việc thực hiện kế hoạch).
3. Việc thu thập, lưu trữ, tổng hợp, cung cấp, đánh giá, công bố về sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành (Khoản 1 Điều 5).
4. Người sử dụng lao động có trách nhiệm tăng cường các biện pháp cải thiện điều kiện lao động; tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người lao động để phòng ngừa tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng (Khoản 1 Điều 6).
Thanh Huyền tổng hợp