banner2019
 
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Đoàn khảo sát Tổng Liên đoàn LĐVN làm việc với CĐ Công Thương VN
Cập nhật lúc 01:48 ngày 12/05/2014

Nhằm đánh giá thực trạng hoạt động của các loại hình công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở làm cơ sở xây dựng Nghị quyết của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN về “Nâng cao hiệu quả hoạt động của Công đoàn cấp trên cơ sở đáp ứng yêu cầu phong trào công nhân và hoạt động Công đoàn trong tình hình mới”, ngày 09/5, Đoàn khảo sát của Tổng LĐLĐVN đã tiến hành khảo sát và đánh giá hoạt động của Công đoàn Công Thương Việt Nam (CĐCTVN).

Đoàn khảo sát Tổng Liên đoàn gồm có đ/c Lý Quốc Hùng - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ tịch CĐCTVN làm Trưởng đoàn, đ/c Nguyễn Ngọc Trung - Phó Trưởng ban Tổ chức Tổng Liên đoàn và đ/c Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động Tổng Liên đoàn.

Đ/c Trịnh Xuân Tuyên - Phó Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam (CĐCTVN) đã thay mặt Ban Chấp hành CĐCTVN báo cáo, đánh giá thực trạng tình hình tổ chức và hoạt động của Công đoàn Công Thương Việt Nam. Công đoàn Công Thương Việt Nam là một công đoàn đa ngành, đa nghề, hoạt động ở hầu hết các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Tính đến tháng 4/2014, CĐCTVN quản lý và chỉ đạo trực tiếp 16 công đoàn cấp trên cơ sở và 150 công đoàn cơ sở trực thuộc với 164.983 đoàn viên/174.979 lao động.

CĐCTVN làm việc với Đoàn khảo sát TLĐ

Hàng năm, CĐCTVN đều tiến hành đánh giá, phân loại cán bộ công chức, thường xuyên quan tâm quy hoạch, đào tạo cán bộ theo nhiệm kỳ và bổ sung quy hoạch hàng năm… Việc phân cấp trong đào tạo, tập huấn được xác định rõ, CĐCTVN chịu trách nhiệm đào tạo, tập huấn cho cán bộ các đơn vị trực thuộc; CĐ cấp trên cơ sở chịu trách nhiệm đào tạo, tập huấn cho cán bộ cấp cơ sở thuộc đơn vị mình; CĐCS chịu trách nhiệm đào tạo, tập huấn từ tổ phó CĐ trở lên thuộc đơn vị mình. Trên cơ sở đó, CĐCTVN đã hỗ trợ và cử giảng viên trực tiếp tập huấn cho 26 lớp với 1.940 người là cán bộ CĐ từ tổ phó trở lên theo các chuyên đề do CĐCS yêu cầu. Ở cấp Ngành đã tổ chức 13 lớp cho 1.188 lượt cán bộ mới tham gia BCH CĐCS, 3 lớp theo chương trình hợp tác với các tổ chức công đoàn quốc tế.

CĐCTVN chú trọng tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của công đoàn; chỉ đạo các CĐCS tham gia, phối hợp với chuyên môn xây dựng và tổ chức thực hiện các nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, chế độ chính sách liên quan đến người lao động; chỉ đạo công đoàn các cấp phối hợp với chuyên môn đồng cấp thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, tổ chức đại hội công nhân viên chức, hội nghị người lao động; đại diện cho đoàn viên và người lao động tổ chức thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đã đạt được, vẫn còn một số tồn tại, cụ thể: Một số cán bộ công đoàn chưa đáp ứng được yêu cầu công việc; năng lực, kiến thưc, trình độ hiểu biết về lý luận và thực tiễn chưa theo kịp tình hình mới; tư tưởng hành chính hóa hoạt động công đoàn còn có trong tư duy của không ít cán bộ công đoàn… Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công đoàn ở các cấp chưa được thực hiện đồng bộ, chủ yếu tập trung về lý luận, chưa chú ý bồi dưỡng về kỹ năng tổ chức thực hiện, nhất là xử lý tình huống thực tiễn. Nguyên nhân là do một số cán bộ lãnh đạo công đoàn các cấp chưa coi trọng đúng mức công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.

Đ/c Trịnh Xuân Tuyên - Phó Chủ tịch CĐCTVN báo báo tại buổi làm việc.

Bên cạnh đó, cán bộ công đoàn cơ sở chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa có nhiều thời gian dành cho hoạt động công đoàn. Nguồn kinh phí công đoàn dành cho việc tổ chức và hoạt động công đoàn còn hạn chế. Một số đơn vị thực hiện vai trò, trách nhiệm của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn công đoàn cơ sở hoạt động trong lĩnh vực kiểm tra còn hạn chế, hình thức, xem nhẹ vai trò của công tác kiểm tra công đoàn. Việc tổ chức hoạt động kiểm tra còn chồng chéo, buông lỏng.

Từ thực trạng tình hình tổ chức và hoạt động của Công đoàn Công Thương Việt Nam, một số đề xuất, kiến nghị với Tổng LĐLĐ Việt Nam đã được đưa ra, đó là: Cần đa dạng hóa hình thức đào tạo, bồi dưỡng để mọi cán bộ công doàn đều có cơ hội, điều kiện được đào tạo, bồi dưỡng; Nội dung tập huấn cần hạn chế bớt lý luận, cụ thể hóa kỹ năng hoạt động, giúp cho cán bộ công đoàn có khả năng giải quyết các tình huống phát sinh tại công đoàn cơ sở; Tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi các quy định liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động; quy định cụ thể về đại diện người sử dụng lao động tham gia ký thỏa ước lao động tập thể cấp ngành, tổng công ty, tập đoàn (trong thực tế chuyên môn hiện nay không còn chi phối toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các đơn vị). Trong công tác Tài chính công đoàn, theo Quyết định số 270/QĐ-TLĐ, ngày 07/3/2014 của Đoàn Chủ tịch TLĐ về việc phân cấp cho công đoàn cấp trên cơ ở trực tiếp thu kinh phí công đoàn của công đoàn cơ sở là không hợp lý, không tạo hiệu quả cao nhất, làm giảm sự gắn kết giữa chính quyền, chuyên môn và công đoàn cơ sở tại đơn vị, gây thất thoát trong thu kinh phí. Việc thu đoàn phí công đoàn theo Hướng dẫn số 258/HD-TLĐ ngày 07/3/2017 tạo phân biệt giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài nhà nước, không khuyến khích được đoàn viên tham gia vào công tác hoạt động công đoàn, đề nghị Tổng Liên đoàn xem xét và điều chỉnh lại việc phân cấp thu kinh phí, đoàn phí đối với công đoàn cơ sở cho hợp lý…

Đoàn khảo sát Tổng Liên đoàn đã đánh giá cao hoạt động của Công đoàn Công Thương Việt Nam trong những tháng đầu năm 2014 và ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của Công đoàn Công Thương Việt Nam.

Buổi làm việc là một kênh thông tin để Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN nắm bắt tình hình CNVCLĐ ngành Công Thương, có định hướng điều chỉnh hoạt động công đoàn trong thời gian tới.

TH