banner2019
 
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Lao động ngành Công Thương: Thiết thực hành động, đảm bảo an toàn
Cập nhật lúc 07:56 ngày 12/10/2020
Ngành Công Thương có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, và sản xuất công nghiệp là nòng cốt trong tăng trưởng GDP của đất nước. Tuy nhiên, các lĩnh vực sản xuất công nghiệp như khai thác khoáng sản, điện, hóa chất, xăng dầu… luôn tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn lao động. Vì vậy, những năm qua, công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), phòng chống cháy nổ (PCCN) luôn là nhiệm vụ cấp bách được Bộ Công Thương quan tâm.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương về công tác ATVSLĐ, PCCN, các tập đoàn, tổng công ty, đơn vị trong ngành đã cố gắng thực hiện đầy đủ những quy định về an toàn, triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu tai nạn lao động, sự cố, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động; có cách tiếp cận mới hơn đối với công tác ATVSLĐ một cách toàn diện, hệ thống theo thông lệ quốc tế; xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về công tác an toàn; xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn; đẩy mạnh phổ biến, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các quy định tại Luật ATVSLĐ và các văn bản dưới luật; hướng dẫn, tổ chức thực hiện xây dựng hệ thống quản lý về an toàn, quản lý, đánh giá rủi ro, kế hoạch ứng cứu khẩn cấp theo quy định; tăng cường công tác thanh, kiểm tra về an toàn.

Bảo đảm an toàn cho người lao động ở khu vực sản xuất có nhiều nguy cơ mất an toàn
Để công tác ATVSLĐ có hiệu quả, lãnh đạo Bộ Công Thương yêu cầu, công tác huấn luyện đối với người lao động phải có nội dung cụ thể, ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp; ưu tiên thực hiện các giải pháp mang tính phòng ngừa, như đầu tư trang thiết bị, cơ giới hóa, tự động hóa khu vực sản xuất có nhiều nguy cơ mất an toàn cho người lao động; rà soát, bổ sung sửa đổi các quy trình, quy định về quản lý an toàn phù hợp với các quy định của pháp luật…
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, thời gian qua, các đơn vị trong ngành đã chú trọng lập kế hoạch, nội dung, kinh phí và tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ phù hợp với đặc thù sản xuất, kinh doanh của mỗi đơn vị; đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, sát với cơ sở trực tiếp sản xuất, thu hút được sự quan tâm và tham gia tích cực của đông đảo người lao động, người sử dụng lao động, các tổ chức đoàn thể.
Với vai trò đại diện cho người lao động, hàng năm các đơn vị thuộc công đoàn ngành Công Thương cũng đã phối hợp với chuyên môn triển khai, phát động phong trào, tổ chức đăng ký thi đua, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác ATVSLĐ.
Ông Quách Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam - cho biết, qua theo dõi, các đơn vị có kế hoạch tổ chức triển khai công tác ATVSLĐ, tập huấn nâng cao kiến thức cho người lao động, khám sức khỏe định kỳ, trang bị mới hoặc cải tiến máy móc thiết bị nhằm giảm sức lao động, trồng cây, hoa, vệ sinh nhà xưởng sạch đẹp, gọn gàng, tạo cảnh quang môi trường xanh sạch đẹp, xây dựng môi trường làm việc thân thiện, giảm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, đảm bảo sức khỏe cho NLĐ, đảm bảo tài sản của nhà nước và nhân dân.
Tiêu biểu như Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên, với mô hình nhà máy công viên “Xanh – sạch – đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động” được Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá cao và khen thưởng nhiều năm liền.
Một số công đoàn tổng Công ty và công đoàn cơ sở cũng phát động phong trào “Vì một môi trường lao động xanh - sạch - đẹp” trong các doanh nghiệp, trên địa bàn quản lý, tạo môi trường làm việc của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ngày càng sạch, đẹp, văn minh.
Tính riêng trong 5 năm qua, các đơn vị trong công đoàn ngành Công Thương đã phối hợp tổ chức hơn 100 lớp tập huấn về ATVSLĐ cho 1.200 lượt cán bộ làm công tác ATVSLĐ, an toàn vệ sinh viên; cấp phát sách tuyên truyền về công tác ATVSLĐ, trên 3.500 tờ tranh áp phích, 5.000 tờ gấp tới các công đoàn cơ sở có nhiều yếu tố nguy hiểm, độc hại dễ gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…
Thanh Tâm (nguồn: congthuong.vn)