banner2019
 
Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024
Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024
Quy định về chế độ ốm đau người lao động cần biết
Cập nhật lúc 04:53 ngày 22/09/2020
Đối tượng hưởng (Điều 24 Luật BHXH)
Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
- Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
- Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
- Cán bộ, công chức, viên chức;
- Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;
- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;
- Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;
Điều kiện hưởng chế độ ốm đau (Điều 3 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH)
Điều kiện hưởng chế độ ốm đau:
- Người lao động bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động hoặc điều trị thương tật, bệnh tật tái phát do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.
- Người lao động phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.
- Lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con mà thuộc một trong các trường hợp quy định trên.
Lưu ý: 
- Không giải quyết chế độ ốm đau đối với các trường hợp sau đây:
+ Người lao động bị ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo Danh mục được Chính phủ quy định.
+ Người lao động nghỉ việc điều trị lần đầu do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
+ Người lao động bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động trong thời gian đang nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật lao động; nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
- Trường hợp người lao động có thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau của năm nào tính vào thời gian hưởng chế độ ốm đau của năm đó.
Thời gian và mức hưởng chế độ ốm đau (Điều 26, 27, 28, 29 Luật BHXH và Điều 4, 5, 6, 7 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH)
1. Đối với bản thân hưởng chế độ ốm đau:
Thời gian hưởng
Thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm đối với người lao động tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần và được quy định:
- Người lao động làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng:
+ Tối đa 30 ngày/năm, nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm;
+ Tối đa 40 ngày/năm, nếu đã đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm;
+ Tối đa 60 ngày/năm, nếu đã đóng BHXH từ đủ 30 năm trở lên;
- Với ngành nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên: được thêm 10 ngày/năm so với điều kiện bình thường.
Mức hưởng:
Mức hưởng chế độ ốm đau = Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc /24 ngày x 75(%) x Số ngày nghỉ việc được hưởng chế độ ốm đau
2. Đối với trường hợp bản thân cần chữa trị dài ngày
Thời gian hưởng
+ Theo danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày của Bộ Y Tế ban hành.
+ 180 ngày bao gồm nghỉ lễ, tết, nghỉ hàng tuần (75%).
+ Nếu quá 180 ngày thì chỉ tối đa bằng thời gian đã đóng BHXH
Mức hưởng 
Tính theo tháng:
Mức hưởng chế độ ốm đau đối với bệnh cần chữa trị dài ngày = Tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc  Tỷ lệ hưởng chế độ ốm đau (%) x Số tháng nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau
Trường hợp có ngày lẻ không trọn tháng thì mức hưởng chế độ ốm đau cho những ngày này là:
Mức hưởng chế độ ốm đau đối với bệnh cần chữa trị dài ngày = Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc/24 ngày  x Tỷ lệ hưởng chế độ ốm đau (%) x Số ngày nghỉ việc được hưởng chế độ ốm đau
+ 180 ngày đầu được tính theo tỷ lệ 75%/1 ngày nghỉ hưởng chế độ
+ Ốm dài ngày >180 ngày. Những ngày sau tính theo công thức:
 * 65% nếu đóng BHXH ≥ 30 năm.
 * 55% nếu đóng BHXH 15 năm ≤ t < 30 năm (t: Thời gian đã đóng BHXH)
 * 50% nếu đóng BHXH < 15 năm.
3. Hưởng chế độ khi con ốm đau 
Thời gian hưởng khi con ốm đau trong một năm cho mỗi con:
+ Tối đa 20 ngày làm việc/năm nếu con < 3 tuổi
+ Tối đa 15 ngày làm việc/năm nếu con 3 tuổi ≤ x < 7 tuổi
Mức hưởng
Mức hưởng chế độ ốm đau = Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc/24 ngày x 75(%)  x  Số ngày nghỉ việc được hưởng chế độ ốm đau
Lưu ý:
+ Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội thì thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau của mỗi người cha hoặc người mẹ theo quy định.
+ Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi con ốm đau tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
4. Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau
Thời gian hưởng: Người lao động đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau đủ thời gian trong một năm trong khoảng thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 05 ngày đến 10 ngày trong một năm. Số ngày do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định:
+ Tối đa 10 ngày đối với người lao động sức khỏe chưa phục hồi sau thời gian ốm đau do mắc bệnh cần chữa trị dài ngày;
+ Tối đa 07 ngày đối với người lao động sức khỏe chưa phục hồi sau thời gian ốm đau do phải phẫu thuật;
+ Bằng 05 ngày đối với các trường hợp khác.
Mức hưởng
Mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau một ngày = 30(%) x Mức lương cơ sở
Lưu ý: Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Trường hợp có thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm trước.
Hồ sơ hưởng chế độ ốm đau
- Bản chính hoặc bản sao giấy ra viện đối với người lao động hoặc con của người lao động điều trị nội trú. Trường hợp người lao động hoặc con của người lao động điều trị ngoại trú phải có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.
- Trường hợp người lao động hoặc con của người lao động khám bệnh, chữa bệnh ở nước ngoài thì hồ sơ quy định trên được thay bằng bản dịch tiếng Việt của giấy khám bệnh, chữa bệnh do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ở nước ngoài cấp.
- Danh sách người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau do người sử dụng lao động lập.
- Bộ trưởng Bộ Y tế quy định mẫu, trình tự, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, giấy ra viện và các mẫu giấy khác.
Thanh Huyền tổng hợp