banner2019
 
Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024
Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024
Nhớ về 39 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2014)
Cập nhật lúc 03:43 ngày 29/04/2014

Cuối năm 1974 đầu năm 1975, trong tình hình so sánh lực lượng ở miền Nam thay đổi mau lẹ có lợi cho cách mạng, Hội nghị Bộ Chính trị (từ ngày 30 tháng 9 đến ngày 7-10- 1914) và Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng (từ ngày 18-12-1974 đến ngày 8-1-1975) đã bàn kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Chiến thắng Phước Long và tình hình chiến sự sau Phước Long giúp Bộ Chính trị củng cố thêm quyết tâm chiến lược, bổ sung và hoàn chỉnh kế hoạch hai năm (1975-1976) hoàn toàn giải phóng miền Nam.

Bộ Chính trị đề ra kế hoạch hai năm, nhưng lại nhấn mạnh "cả năm 1975 là thời cơ" và chỉ rõ "Nếu thời cơ đến vào đẩu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975". Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tranh thủ thời cơ thực hiện "Tổng công kích - Tổng khởi nghĩa", phải đánh thắng nhanh để đỡ thiệt hại về người và của cho nhân dân, giữ gìn tốt cơ sở kinh tế, công trình văn hoá..., giảm bớt sự tàn phá của chiến tranh.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta ở miền Nam đã diễn ra gần hai tháng mùa Xuân 1975 với ba chiến dịch lớn: Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Huế - Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh đánh vào Sài Gòn.

* Chiến dịch Tây Nguyên (từ ngày 4 tháng 3 đến ngày 24-3-1975).

Tây Nguyên là một địa bàn chiến lược hết sức quan trọng mà cả ta và địch đều chú ý và cố gắng nắm giữ.

Đầu tháng 3-1975, quân ta tiến công địch nhiều nơi ở Tây Nguyên, và ngày 4-3-1975 đánh nghi binh ở Plâycu, Kontum nhằm thu hút quân địch vào hướng đó. Ngày 10-3-1975, với lực lượng mạnh hơn địch, quân ta được lệnh tiến công thị xã Buôn Ma Thuộc, đánh các cơ quan đầu não của địch. Sau hai ngày chiến đấu, ta tiêu diệt toàn bộ quân địch ở đây và hoàn toàn làm chủ thị xã (ngày ll-3-1975).

Ngày 12-3-1975, quân địch tập trung lực lượng mở cuộc phản công nhằm chiếm lại Buôn Ma Thuộc, song tất cả các cuộc phản công của chúng đều bị đánh tan.

Ngày 14 tháng 3, Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh rút khỏi Plâycu, Kontum và toàn bộ Tây Nguyên về giữ vùng duyên hải Nam Trung Bộ, rồi tập trung lực lượng tái chiếm Buôn Ma Thuộc. Ngày 16 tháng 3, quân ta được lệnh đánh chặn và truy kích địch trên đường chúng rút khỏi Tây Nguyên. Đến ngày 24 tháng 3, toàn bộ quân địch rút chạy bị quân ta tiêu diệt. Chiến dịch Tây Nguyên kết thúc. Ta diệt toàn bộ quân đoàn 2 trấn giữ ở đây, giải phóng toàn bộ Tây Nguyên rộng lớn với 60 vạn dân. Chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi đã chuyển cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước sang giai đoạn mới: từ cuộc tiến công chiến lược phát triển thành cuộc tổng tiến công chiến lược trên toàn chiến trường miền Nam.

* Chiến dịch Huế - Đà Nẵng (ngày 25-3 và 29-3-1975).

10 giờ 30 phút ngày 25 tháng 3, quân ta tiến vào Huế đến ngày hôm sau (ngày 26 tháng 3) thì giải phóng hoàn toàn thành phố và toàn tỉnh Thừa Thiên. Trong cùng thời gian, quân ta tiến vào giải phóng thị xã Tam Kỳ (ngày 24 tháng 3), Quảng Ngãi (ngày 25 tháng 3), Chu Lai (ngày 26 tháng 3) tạo thêm một hướng uy hiếp Đà Nẵng từ phía Nam.

Đà Nẵng, thành phố lớn thứ hai ở miền Nam, một căn cứ quân sự liên hợp lớn nhất của Mỹ - Ngụy rơi vào thế cô lập. Quân ta từ ba phía Bắc, Tây, Nam tiến nhanh áp sát thành phố. Hơn 10 vạn địch bị dồn ứ về đây trở nên hỗn loạn, mất hết khả năng chiến đấu. Chúng phải dùng máy bay di tản cố vấn Mỹ và một phần lực lượng nguy. Sáng ngày 29 tháng 3, quân ta từ các hướng tiến thẳng vào thành phố, đến ba giờ chiều thì chiếm toàn bộ thành phố.

Ngày 2 tháng 4 tại Tổng hành dinh, sau khi nghe báo cáo về Chiến dịch giải phóng Đà Nẵng, Tổng hành dinh đã trực tiếp chỉ thị cho tướng Lê Trọng Tấn tổ chức tiến công giải phóng các đảo, đặc biệt là quần đảo Trường Sa. Ngày 28 tháng 4 chiến sĩ ta trên các đảo, trên các tàu chiến đã nhận được điện khen: "Quân ủy Trung ương rất phấn khởi được tin quân ta đã chiếm các đảo thuộc Trường Sa. Nhiệt liệt khen ngợi các đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược".

Trong cùng thời gian với chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Huế - Đà Nẵng từ cuối tháng 3 đầu tháng 4-1975, nhân dân các tỉnh còn lại ven biển miền Trung, phía Nam Tây Nguyên và một số tỉnh ở Nam Bộ, có sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang địa phương và của quân chủ lực, đã nổi dậy đánh địch giành quyền làm chủ.

Ngày 30-4-1975, xe tăng của Lữ đoàn 203 húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập

* Chiến dịch Hồ Chí Minh (từ ngày 26 tháng 4 đến ngày 30-4-1975).

Sau một tháng tiến công và nổi dậy, quân dân ta đã giành toàn thắng trong hai chiến dịch Tây Nguyên và Huế - Đà Nẵng, giải phóng hơn nửa đất đai và nửa số dân toàn miền Nam, chiếm giữ một khối lượng lớn vật chất, trang bị, phương tiện chiến tranh. Các lực lượng vũ trang của ta đã trưởng thành nhanh chóng.

Trong khi đó, lực lượng mọi mặt của địch giảm sút nghiêm trọng, chúng phải lùi về phòng thủ từ Phan Rang trở vào. Mỹ cũng đã hết sức giúp Ngụy kéo dài cơn hấp hối bằng cách lập cầu hàng không viện trợ khẩn cấp cho chúng.

Về phía ta, như Nghị quyết của Bộ Chính Trị ngày 25-3-1975 đã nêu rõ: “Thời cơ chiến lược mới đã đến, ta có điều kiện hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng miền Nam…Phải tập trung nhanh nhất lực lượng, binh khí kỹ thuật và vật chất giải phóng miền Nam trước mùa mưa” (trước tháng 5-1975). Chiến dịch giải phóng Sài Gòn cũng được Bộ Chính trị quyết định mang tên “Chiến dịch Hồ CHí Minh”.

Từ đầu tháng 4, trên mọi miền đất nước, nhân dân sống những ngày giờ hết sức sôi động và hào hứng. Cả dân tộc ta ra quân trong mùa Xuân lịch sử với tinh thần “đi nhanh đến, đánh nhanh thắng” và với khí thế “thần tốc, bất ngờ, táo bạo, chắc thắng”.

Ngày 9 tháng 4, quân ta tiến công Xuân Lộc, một căn cứ phòng thủ trọng yếu của địch bảo vệ Sài Gòn từ phía đông. Tại đây diễn ra những trận chiến ác liệt. Ngày 16 tháng 4, toàn bộ quân dịch ở Xuân Lộc tháo chạy.

Ngày 18 tháng 4, tổng thống Mỹ ra lệnh di tản hết người Mỹ khỏi Sài Gòn. Ngày 21 tháng 4, Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố từ chức tổng thống.

17 ngày 26 tháng 4, quân ta được lệnh nổ súng mở đầu chiến dịch. Tất cả năm cánh quân ta từ các hướng vượt qua tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch tiến vào Sài Gòn.

Ngày 28 tháng 4, các trận địa pháo của ta đồng loạt nã đạn vào sân bay Tân Sơn Nhất, và chiều hôm đó phi công ta dùng năm máy bay chiến đấu phản lực A37 thu được của địch mở đợt tập kích của địch vào khu vực chứa máy bay của chúng,

Đêm 28 rạng sáng 29 tháng 4, tất cả các cánh quân của ta được lệnh đồng loạt tổng công kích vào trung tâm thành phố, đánh chiếm tất cả các cơ quan đầu não của địch.

9 giờ 30 phút, ngày 30 tháng 4, Tổng thống ngụy Dương Văn Minh vừa nhậm chức hôm 28 tháng 4, kêu gọi "ngừng bắn để điều đình giao chính quyền" nhằm cứu quân nguỵ khỏi sụp đổ.

10 giờ 45 phút ngày 30 tháng 4, xe tăng của ta tiến thẳng vào dinh "Độc lập", bắt toàn bộ chính quyền Sài Gòn, tổng thống Dưng Văn Minh tuyên bố đầu hàng, 11 giờ 30 phút cùng ngày, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc "dinh độc lập" báo hiệu sự toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Thừa thắng, sau giải phóng Sài Gòn, lực lượng vũ trang và nhân dân các tỉnh còn lại ở Nam Bộ nhất tề đứng lên tiến công và nổi dậy theo phương thức "xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh". Đến ngày 2-5-1975, Nam Bộ và miền Nam nước ta hoàn toàn giải phóng.

 

TH (st)