banner2019
 
Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024
Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024
Đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội, người lao động nên làm gì?
Cập nhật lúc 09:29 ngày 26/08/2020
1. Trước hết người lao động nên hiểu thế nào là điều kiện nghỉ hưu và mức hưởng lương hưu hàng tháng theo quy định
Điều kiện hưởng lương hưu 
Điều 219 Bộ luật Lao động 2019 (áp dụng từ 01/01/2021) quy định:
Người lao động hưởng lương hưu khi có đủ các điều kiện sau đây:
* Điều kiện 1: 
- Bảo đảm khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên. 
- Riêng trường hợp Lao động nữ là cán bộ, công chức cấp xã hoặc là người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) khi nghỉ việc mà có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội.
* Điều kiện 2: Bảo đảm điều kiện về độ tuổi nghỉ hưu:
Trong điều kiện lao động bình thường:
- Đối với lao động nam: Kể từ năm 2021, đủ 60 tuổi 03 tháng; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng; cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028.
- Đối với lao động nữ: Kể từ năm 2021, 55 tuổi 04 tháng; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 04 tháng; cho đến khi đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Mức lương hưu hàng tháng (Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014):
Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định được tính:
Mức lương hưu = [45% + (Số năm đóng BHXH - N) x 2%] x Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội
Trong đó:
- Đối với nữ: N = 15
- Đối với nam:
NLĐ nghỉ hưu từ năm 2018 thì N = 16;
NLĐ nghỉ hưu từ năm 2019 thì N = 17;
NLĐ nghỉ hưu từ năm 2020 thì N = 18;
NLĐ nghỉ hưu từ năm 2021 thì N = 19;
NLĐ nghỉ hưu từ năm 2022 trở đi thì N = 20.
Lưu ý: Mức lương hưu mà người lao động được hưởng không vượt quá 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
2. Người lao động nên chọn những hình thức sau:
Tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện bảo đảm khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên (Thông tư 01/2016/TT-BLĐTBXH):
- Người lao động đã đủ điều kiện về tuổi đời nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về BHXH là đối tượng áp dụng BHXH tự nguyện.
- Người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng quyền lợi về hưu trí, tử tuất, BHXH một lần như nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
- Mức lương hưu được tính bao gồm số năm tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện.
Lưu ý: Người lao động có thể đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu (mục e khoản 1 Điều 9 Nghị định 134/2015/NĐ-CP).
Hưởng chế độ BHXH một lần (Điều 60 Luật BHXH 2014):
- Người lao động đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện là một trong những trường hợp được hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
- Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính như sau:
+ 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014;
+ 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;
+ Trường hợp thời gian đóng BHXH chưa đủ một năm thì mức hưởng BHXH bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Lưu ý: Mức hưởng BHXH một lần không bao gồm số tiền Nhà nước hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện; Thời điểm tính hưởng BHXH một lần là thời điểm ghi trong quyết định của cơ quan BHXH.
Tiếp tục tham gia hợp đồng lao động để có thể tiếp tục tham gia BHXH cho đến khi đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH Cụ thể:
Tại Điều 148, 149 Bộ luật Lao động 2019 (áp dụng từ ngày 01/01/2021) quy định lao động là người cao tuổi như sau: 
- Người lao động cao tuổi là người tiếp tục lao động sau độ tuổi nghỉ hưu theo quy định.
- Người lao động cao tuổi có quyền thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc rút ngắn thời giờ làm việc hằng ngày hoặc áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian.
- Nhà nước khuyến khích sử dụng người lao động cao tuổi làm việc phù hợp với sức khỏe để bảo đảm quyền lao động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực.
- Khi sử dụng người lao động cao tuổi, hai bên có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn.
Thanh Huyền tổng hợp