banner2019
 
Thứ năm, ngày 19 tháng 12 năm 2024
Thứ năm, ngày 19 tháng 12 năm 2024
Hoàn thiện cơ chế tài chính công đoàn trong bối cảnh mới
Cập nhật lúc 11:01 ngày 18/08/2020
Hoàn thiện cơ chế tài chính công đoàn trong bối cảnh mới là một trong những nội dung cơ bản của Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn. 
Toàn cảnh hội nghị
Sáng 17.8, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ mười bốn (khoá XII) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Đình Khang – Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. 
Tham dự có đồng chí: Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; các Phó Chủ tịch: Trần Văn Thuật, Phan Văn Anh; đại diện các ban Đảng Trung ương.
Tại hội nghị, các uỷ viên Đoàn Chủ tịch đã nghe đồng chí Lê Đình Quảng – Phó Ban Quan hệ Lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) thông tin về tiến trình, nội dung dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn. Theo đó, cho đến thời điểm này, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung nội dung tại 13 điều của Luật Công đoàn; sửa kỹ thuật 5/33 điều của Luật Công đoàn. Các nội dung được sửa đổi, bổ sung liên quan đến: Hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy công đoàn và cơ chế quản lý cán bộ công đoàn; hoàn thiện cơ chế tài chính công đoàn trong bối cảnh mới; sửa để đồng bộ, thống nhất với Hiến pháp và hệ thống pháp luật, đặc biệt là Bộ luật Lao động 2019.  
Về vấn đề tài chính công đoàn, dự thảo Tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn cho rằng, trong bối cảnh cần phải tiếp tục “tạo điều kiện về nguồn lực đủ mạnh để bảo đảm hiệu quả các hoạt động đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, thu hút người lao động và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp tham gia Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 06-NQ/TW thì việc tiếp tục tiếp tục bảo đảm nguồn kinh phí công đoàn trong Luật Công đoàn là hết sức cần thiết. 
Đồng chí Nguyễn Đình Khang – Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - chủ trì hội nghị
Cùng với đó, để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa sự công khai, minh bạch trong việc sử dụng tài chính công đoàn, dự án Luật cần bổ sung quy định về tỷ lệ trích kinh phí cho công đoàn cơ sở theo hướng công đoàn cấp trên phục vụ công đoàn cấp dưới, công đoàn cơ sở phục vụ cho đoàn viên công đoàn, người lao động. Ngoài ra, vấn đề chia sẻ nguồn kinh phí công đoàn với tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp cần được xem xét, vì vậy, dự thảo Luật xây dựng 2 phương án về phân phối kinh phí công đoàn tại Khoản 2 Điều 27 về Quản lý, sử dụng tài chính công đoàn.  
Đồng chí Nguyễn Đình Khang – Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn nhằm mục tiêu vì người lao động, xây dựng tổ chức công đoàn ngày càng lớn mạnh, đáp ứng được yêu cầu của một tổ chức chính trị - xã hội đã được hiến định.  
Đồng chí Nguyễn Đình Khang cho biết, trong một số điều sửa đổi, bổ sung, nội dung về tài chính công đoàn thu hút nhiều sự chú ý của dư luận và các đại biểu Quốc hội. Đồng chí khẳng định, tài chính công đoàn nhằm xây dựng nguồn lực tài chính đủ mạnh cho tổ chức công đoàn với vai trò là một tổ chức chính trị - xã hội đã được hiến định.  
Đồng chí đề nghị các uỷ viên Đoàn Chủ tịch, từ kinh nghiệm thực tế của mình, gửi ý kiến, đề xuất về Ban Quan hệ Lao động đối với những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, đặc biệt là về vấn đề tài chính công đoàn. Trên cơ sở đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ hoàn thiện dự thảo luật để báo cáo với Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội vào cuối tháng 8.2020.
Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn dự kiến được đưa ra thảo luận vào kỳ họp Quốc hội thứ 10, thông qua vào kỳ họp thứ 11.
Bảo Hân (nguồn: laodong.vn)