banner2019
 
Thứ năm, ngày 19 tháng 12 năm 2024
Thứ năm, ngày 19 tháng 12 năm 2024
Phải giúp tổ chức Công đoàn mạnh lên trong tình hình mới
Cập nhật lúc 10:35 ngày 12/08/2020
Chiều 11.8, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) tổ chức cuộc họp các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn. Đồng chí Nguyễn Đình Khang - Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - chủ trì.
Công nhân lao động là đối tượng kết nạp đoàn viên của Tổ chức Công đoàn
Kinh phí Công đoàn để chăm lo tốt hơn cho người lao động
Đánh giá về nguồn thu kinh phí Công đoàn (CĐ) 2%, báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CĐ do Tổng LĐLĐVN xây dựng cho biết: Thực tiễn tổ chức và hoạt động CĐ Việt Nam nhiều thập kỷ qua cho thấy, nguồn kinh phí CĐ cùng với các nguồn thu khác là cơ sở quan trọng để tổ chức CĐ xây dựng được nguồn lực đủ mạnh thực hiện chức năng, nhiệm vụ được Đảng giao phó, góp phần nâng cao trách nhiệm của người sử dụng lao động (NSDLĐ), giảm gánh nặng cho Nhà nước trong bối cảnh nguồn lực của Nhà nước còn hạn chế, chăm lo tốt hơn cho người lao động (NLĐ), tạo sự gắn kết lâu dài giữa NLĐ với tổ chức CĐ và doanh nghiệp (DN). 
Cùng với đó, xét về bản chất và mục đích chi, trong phân phối các nội dung chi theo quy định, nguồn kinh phí CĐ cơ bản dành cho phúc lợi, chăm lo, bảo vệ đào tạo đoàn viên (ĐV) và NLĐ (chiếm 84,14% trong tổng chi hoạt động tại 4 cấp). Thực chất, nguồn thu - chi kinh phí CĐ thể hiện rõ bản chất tốt đẹp của Đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ ta trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện chăm lo phúc lợi và an sinh cho NLĐ thông qua tổ chức CĐ - cầu nối giữa Đảng với NLĐ (đặc biệt là những DN FDI sử dụng đông LĐ nhưng nhiều nơi chưa có tổ chức cơ sở Đảng). Chăm lo tốt cho NLĐ thông qua tổ chức CĐ cũng chính là hướng tới chăm lo, xây dựng giai cấp công nhân (CN) vững mạnh theo tinh thần Nghị quyết 20 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII. 
Cùng với đó, đối với công đoàn cơ sở (CĐCS), phần kinh phí này giữ vai trò quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong việc đảm bảo nguồn tài chính để CĐCS hoạt động, thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình, đặc biệt là chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của ĐV, NLĐ... 
Các đại biểu đã bày tỏ ý kiến về các phương án liên quan đến quy định về kinh phí CĐ trong dự thảo. 
Sửa đổi để hoạt động Công đoàn phải thực chất
Các đại biểu còn đóng góp vào nhiều nội dung khác liên quan đến dự thảo sửa đổi. Các ý kiến đều ủng hộ chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CĐ, không phải sửa đổi toàn diện. Đồng chí Ngô Sách Thực - Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - đề nghị việc sửa đổi cần làm rõ quan hệ giữa CĐCS và CĐ cấp trên cơ sở trong bối cảnh xuất hiện các tổ chức đại diện NLĐ…
Đồng chí Lê Thị Châu - nguyên phụ trách Khoa Luật, Đại học Công đoàn - góp ý, việc sửa đổi phải làm sao để hoạt động CĐ phải thực chất; phải đảm bảo độ bao phủ của tổ chức CĐ trong bối cảnh tổ chức CĐ không còn là tổ chức duy nhất, mà có sự cạnh tranh của các tổ chức đại diện NLĐ. Cùng với đó, cần chú trọng vấn đề quyền CĐ (của cá nhân NLĐ và của tổ chức CĐ) - nền tảng để xây dựng các thiết chế khác… 
Đồng chí Nguyễn Đình Khang khẳng định sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CĐ. Việc sửa đổi, bổ sung này nhằm đồng bộ với hệ thống pháp luật của Việt Nam; phù hợp với hoạt động CĐ trong tình hình mới, nhưng phải thực chất.
Nhấn mạnh tổ chức CĐ là một tổ chức chính trị - xã hội, đồng chí Nguyễn Đình Khang cho rằng, việc sửa đổi phải làm sao tổ chức CĐ phải mạnh lên trong bối cảnh tình hình mới. Những ý kiến đóng góp của cuộc họp sẽ được Tổng LĐLĐVN bổ sung, hoàn thiện, làm đầy đủ, sâu sắc hơn các nội dung của dự án luật, đảm bảo chất lượng.
Luật Công đoàn 2012 được Quốc hội khoá XIII thông qua ngày 20.6.2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2013. Sau hơn 7 năm triển khai thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, đã xuất hiện các yêu cầu mới đòi hỏi Luật CĐ cần phải được tiếp tục sửa đổi.
Tại kỳ họp lần thứ 9 (tháng 5.2020), Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CĐ đã được Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 và thông qua tại kỳ họp thứ 11. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết phân công Tổng LĐLĐVN là cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CĐ. Trên cơ sở đó, Tổng LĐLĐVN đã chủ động tiến hành một số nội dung công việc: Xây dựng dự án luật, thành lập ban soạn thảo, tổ biên tập; tổ chức lấy ý kiến của của Chính phủ, các ban, bộ, ngành có liên quan, các cấp CĐ, các chuyên gia, đã thực hiện đăng tải trên website của Tổng Liên đoàn để lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân.
Quế Chi
Bảo Hân (nguồn: laodong.vn)