banner2019
 
Thứ năm, ngày 19 tháng 12 năm 2024
Thứ năm, ngày 19 tháng 12 năm 2024
Quốc hội dành thời gian thỏa đáng cho phê chuẩn hiệp định EVFTA
Cập nhật lúc 09:44 ngày 19/05/2020
Việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA là một nội dung quan trọng của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV và Quốc hội sẽ dành nhiều thời gian cho công tác này. Dự kiến Hiệp định sẽ được bỏ phiếu thông qua vào ngày 28/5/2020.
Đây là thông tin được Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến đưa ra tại cuộc họp báo  về nội dung Kỳ họp tổ chức ngày 18/5/2020 tại Hà Nội.
Cùng với việc thông qua Hiệp định EVFTA, Quốc hội còn biểu quyết phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU, Công ước Công ước số 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức.
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV sẽ diễn ra trong 19 ngày
Theo ông Nguyễn Mạnh Tiến, Hiệp định EVFTA gồm 17 chương, 8 phụ lục và 2 bản ghi nhớ và 4 bản tuyên bố chung. Theo đánh giá của Chính phủ, EVFTA sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng từ 2,18 - 3,25%/năm, tiếp cận một thị trường gồm 500 triệu dân với GDP khoảng 15.000 tỷ USD, chiếm 22,4% toàn cầu.
Nền kinh tế Việt Nam và EU theo đánh giá của ông Nguyễn Mạnh Tiến mang tính bổ trợ cao với những cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, giúp xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng khoảng 42,7% vào năm 2025, nhập khẩu tăng 33,06% vào năm 2025.
Cùng với hiệp định CPTPP, hiệp định EVFTA được phê chuẩn đánh dấu bước hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng của Việt Nam. Việc phê chuẩn EVFTA gửi đi thông điệp quan trọng của Việt Nam về quyết tâm ủng hộ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy và bảo hộ thương mại diễn biến phức tạp, giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường để không bị phụ thuộc vào một thị trường, góp phần bảo đảm an ninh kinh tế.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng thông tin về nội dung kỳ họp 
“Việc Việt Nam phê chuẩn EVFTA vào lúc này là phù hợp và đúng thời điểm, tạo đà cho việc phục hồi kinh tế trong nước sau đại dịch Covid-19., góp phần khẳng định trách nhiệm của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế”- ông Tiến khẳng định.
Có thể nói Quốc hội đã tạo điều kiện cho việc phê chuẩn EVFTA ngay tại kỳ họp này. Ông Nguyễn Hạnh Phúc- Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khẳng định điều này khi Quốc hội bố trí việc thảo luận về EVFTA ngay ngày đầu của kỳ họp và bố trí biểu quyết thông qua vào cuối đợt họp đầu tiên của Kỳ họp.
Công tác thẩm tra trước đó đã được tiến hành kỹ trên cơ sở Chính phủ trình sang, cùng đó bố trí thời gian thỏa đáng cho các đại biểu Quốc hội thảo luận cũng như cung cấp đầy đủ các tài liệu liên quan đến hiệp định cho các đại biểu Quốc hội. Thậm chí nếu trong quá trình thảo luận vẫn còn nhiều ý kiến thì sẽ bố trí việc phê chuẩn vào đợt hai của Kỳ họp.
“Việt Nam đã có kinh nghiệm trong việc thảo luận và thông qua hiệp định CPTPP, nên ngay sau khi Chính phủ ký hiệp định, các cơ quan chức năng của Quốc hội cũng đã gửi các tài liệu cho đại biểu Quốc hội. Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cũng đã xây dựng tập tài liệu dưới dạng hỏi đáp về hiệp định EVFTA dày 21 trang”- ông Nguyễn Mạnh Tiến thông tin thêm.
Cũng tại buổi họp báo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc vào ngày 20/5/2020 và bế mạc vào 18/6/2020. Kỳ họp được tiến hành làm 2 đợt: đợt một từ 20/5 đến 29/5 họp trực tuyến; đợt hai 20/5 đến 29/5 họp trực tuyến; đợt hai họp 8/6/2020 đến 18/6/2020 họp tập trung tại hội trường. Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, tuy Kỳ họp có thời gian họp trực tuyến song vẫn bảo đảm các yêu cầu đề ra cho nội dung một kỳ họp.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến thông tin về phê chuẩn hiệp định EVFTA
Quốc hội dành khoảng 10 ngày cho công tác xây dựng pháp luật (chiếm tỷ lệ hơn 50% tổng thời gian của kỳ họp). Bên cạnh đó, Quốc hội cũng dành thời gian cho việc xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác. Quốc hội sẽ dành xem xét, thông qua 10 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến đối với 6 dự án luật khác.
Đặc biệt tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ không tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn; quyền chất vấn của các đại biểu Quốc hội vẫn được thực hiện bằng cách gửi văn bản; các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ sẽ trả lời theo quy định.
Quang Lộc (nguồn: congthuong.vn)