banner2019
 
Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024
Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024
Quyền lợi người lao động làm việc ngoài giờ, tham gia phòng chống dịch Covid 19
Cập nhật lúc 12:26 ngày 09/04/2020
Trước đại dịch Covid-19, nhiều lao động bị mất việc làm, giảm việc làm, ngừng việc, nhưng nhiều người lao động lại miệt mài làm việc, không được về với gia đình, không có cả thời gian nghỉ. Vậy quyền lợi của họ được hưởng là gì?
1.Người lao động được hưởng lương làm thêm giờ, lương làm việc vào ban đêm:
Bộ luật Lao động 2012 (áp dụng đến 31/12/2020) quy định:
Thời gian làm thêm giờ (Điều 106, 107 Bộ luật Lao động 2012)
- Làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường được quy định trong pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc theo nội quy lao động.
- Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi: Được sự đồng ý của người lao động;  Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 30 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm;
- Sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động được nghỉ bù cho số thời gian đã không được nghỉ.
- Đặc biệt hơn người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lao động làm thêm giờ vào bất kỳ ngày nào và người lao động không được từ chối trong các trường hợp sau đây:
+ Thực hiện lệnh động viên, huy động bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật;
+ Thực hiện các công việc nhằm bảo vệ tính mạng con người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng ngừa và khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh và thảm họa.
Thời giờ làm việc ban đêm (Điều 105 Bộ luật Lao động 2012): Giờ làm việc ban đêm được tính từ 22 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.
Cách tính lương làm thêm giờ 
- Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm như sau(khoản 1 Điều 97 Bộ luật Lao động 2012):
+ Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
+ Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;
+ Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
- Đối với người lao động hưởng lương theo thời gian, được trả lương làm thêm giờ khi làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường do người sử dụng lao động được tính như sau (Khoản 1 Điều 6 Thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH) :
Tiền lương làm thêm giờ = Tiền lương giờ thực trả của ngày làm việc bình thường x Mức ít nhất 150% hoặc 200% hoặc 300% x Số giờ làm thêm
- Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm, được trả lương làm thêm giờ khi người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường để làm thêm số lượng, khối lượng sản phẩm, công việc ngoài số lượng, khối lượng sản phẩm, công việc theo định mức lao động đã thỏa thuận và được tính như sau (Khoản 2 Điều 6 Thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH):
Tiền lương làm thêm giờ = Đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường x Mức ít nhất 150% hoặc 200% hoặc 300% x Số sản phẩm làm thêm
Cách tính lương làm việc vào ban đêm 
- Người lao động làm việc vào ban đêm, thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày làm việc bình thường (khoản 2 Điều 97 Bộ luật Lao động 2012):.
- Đối với người lao động hưởng lương theo thời gian, tiền lương làm việc vào ban đêm được tính như sau (Khoản 1 Điều 7 Thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH):
Tiền lương làm việc vào ban đêm = Tiền lương giờ thực trả của ngày làm việc bình thường + Tiền lương giờ thực trả của ngày làm việc bình thường x Mức ít nhất 30% x Số giờ làm việc vào ban đêm
- Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm, tiền lương làm việc vào ban đêm được tính như sau (Khoản 2 Điều 7 Thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH):
Tiền lương làm việc vào ban đêm = Đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường + Đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường x Mức ít nhất 30% x Số sản phẩm làm vào ban đêm
Cách tính tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm 
- Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày (khoản 3 Điều 97 Bộ luật Lao động 2012):
- Đối với người lao động hưởng lương theo thời gian, tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm được tính như sau (Khoản 1 Điều 8 Thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH):
Tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm = Tiền lương giờ thực trả của ngày làm việc bình thường x Mức ít nhất 150% hoặc 200% hoặc 300% + Tiền lương giờ thực trả của ngày làm việc bình thường x Mức ít  nhất 30% + 20% x Tiền lương giờ vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương x Số giờ làm thêm vào ban đêm
- Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm, tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm được tính như sau (Khoản 1 Điều 8 Thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH):
Tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm = Đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường x Mức ít nhất 150% hoặc 200% hoặc 300% + Đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường x Mức ít  nhất 30% + 20% x Đơn giá tiền lương sản phẩm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương x Số sản phẩm làm thêm vào ban đêm
2. Người lao động hưởng các khoản chế độ, phụ cấp:
Ngoài việc hưởng chế độ, trợ cấp, phụ cấp, thưởng theo ngành nghề, đơn vị, người lao động tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19 còn được hưởng  một số chế độ đặc thù đối với người tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19 quy định tại Nghị quyết 37/NQ-CP của Chính phủ ngày 29 tháng 3 năm 2020 như sau:
Chế độ phụ cấp chống dịch cho cán bộ y tế, người lao động tham gia phòng, chống dịch
- Chế độ phụ cấp chống dịch mức 300.000 đồng/ngày, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, đối với: 
+ Người đi giám sát, điều tra, xác minh dịch; 
+ Người trực tiếp khám, chẩn đoán, điều trị người mắc bệnh dịch tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
- Chế độ phụ cấp chống dịch mức 200.000 đồng/ngày, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, đối với:
+ Người vận chuyển người bệnh, bệnh phẩm; bảo quản tử thi người bệnh; người giặt đồ vải, quần áo bác sĩ, bệnh nhân; thu gom vỏ chai, lọ, hộp hóa chất; bảo vệ khu điều trị cách ly; vệ sinh, tẩy uế, diệt tác nhân gây bệnh trong khu cách ly tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
+ Cán bộ y tế thực hiện giám sát dịch tễ, theo dõi y tế tại cơ sở cách ly y tế tại nhà và cơ sở cách ly y tế theo chỉ định của cơ quan quản lý nhà nước.
- Chế độ phụ cấp chống dịch mức 150.000 đồng/ngày, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, đối với:
+ Người thực hiện nhiệm vụ (không phải là chuyên môn y tế) tại cơ sở cách ly tập trung (không áp dụng đối với hình thức cách ly tại nhà, nơi lưu trú, khách sạn, resort, doanh nghiệp).
+ Người tham gia cưỡng chế cách ly y tế đối với trường hợp phải áp dụng biện pháp cách ly nhưng không chấp hành biện pháp cách ly y tế.
+ Người phiên dịch, đội cấp cứu 115, kíp vận chuyển người bị cách ly.
Chế độ đối với người tham gia thường trực chống dịch 24/24 giờ:
- Mức phụ cấp thường trực chống dịch 24/24 giờ là 130.000 đồng/ngày, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ.
- Người lao động tham gia thường trực chống dịch 24/24 giờ được hỗ trợ tiền ăn mức 80.000 đồng/phiên trực.
Cán bộ y tế, quân đội, công an thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở cách ly y tế tập trung (không áp dụng đối với hình thức cách ly tại nhà, nơi lưu trú, khách sạn, resort, doanh nghiệp); người tham gia thực hiện nhiệm vụ phân luồng, làm thủ tục cho người nhập cảnh; người bảo vệ khu vực cách ly tại các địa bàn dân cư theo chỉ định của cơ quan quản lý nhà nước; cán bộ y tế thường trực 24/24 giờ tại cơ sở điều trị cách ly y tế để chăm sóc, điều trị người mắc, nghi mắc COVID-19 được hỗ trợ tiền ăn là 80.000 đồng/ngày.
Chế độ bồi dưỡng đối với cộng tác viên, tình nguyện viên tham tham gia chống dịch trong thời gian có dịch COVID-19:
- Mức 130.000 đồng/ngày đối với cộng tác viên, tình nguyện viên trực tiếp hoặc phối hợp tham gia các hoạt động chống dịch.
- Mức 80.000 đồng/ngày đối với cộng tác viên, tình nguyện viên trực tiếp tuyên truyền, vận động nhân dân, phát tờ rơi hoặc tham gia diễn tập.
Thanh Huyền tổng hợp