banner2019
 
Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024
Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024
Chính sách mới có hiệu lực từ đầu tháng 4-2020 mà NLĐ nên biết
Cập nhật lúc 05:09 ngày 07/04/2020
Doanh nghiệp sẽ bị phạt tối đa 100 triệu đồng nếu chậm trả lương cho người lao động
Ngày 1-3-2020, Chính phủ ban hành Nghị định 28/2020/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 15-4-2020), quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, thay thế Nghị định 95/2013/NĐ-CP và Nghị định 88/2015/NĐ-CP trước đó.
Bị phạt đến 100 triệu đồng nếu trả lương không đúng hạn
Theo đó, người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền:
- Từ 05 - 10 triệu đồng nếu vi phạm từ 01 - 10 NLĐ.
- Từ 10 - 20 triệu đồng nếu vi phạm từ 11 - 50 NLĐ.
- Từ 20 - 30 triệu đồng nếu vi phạm từ 51 - 100 NLĐ.
- Từ 30 - 40 triệu đồng nếu vi phạm từ 101 - 300 NLĐ.
- Từ 40 - 50 triệu đồng nếu vi phạm từ 301 NLĐ trở lên.
Mức phạt này được áp dụng với người sử dụng lao động là cá nhân. Trường hợp người sử dụng lao động (NSDLĐ) là tổ chức thì mức phạt gấp 02 lần. Và như vậy, doanh nghiệp sẽ bị phạt tối đa 100 triệu đồng nếu chậm trả lương cho NLĐ.
Bị phạt 10-15 triệu đồng nếu không đóng BHXH cho giúp việc
Điểm b Khoản 2 Điều 29 Nghị định 28 quy định, phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với NSDLĐ có một trong các hành vi: Không trả cho người giúp việc gia đình khoản tiền BHXH, BHYT theo quy định của pháp luật để NLĐ tự lo bảo hiểm.
Mức phạt tiền từ 10-15 triệu đồng cũng áp dụng đối với NSDLĐ có hành vi giữ bản chính giấy tờ tùy thân của người giúp việc gia đình (theo Điểm a Khoản 2 Điều 29 Nghị định 28/2020/NĐ-CP).
Mức phạt nêu trên cũng áp dụng đối với NSDLĐ có hành vi thuê NLĐ cao tuổi làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe NLĐ cao tuổi theo quy định.
Bên cạnh đó, Khoản 2 Điều 29 Nghị định 28/2020/NĐ-CP cũng quy định, sẽ phạt cảnh cáo đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
- Không ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người giúp việc gia đình;
- Không trả tiền tàu xe đi đường khi người giúp việc gia đình thôi việc về nơi cư trú, trừ trường hợp người giúp việc gia đình chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn.
Ngoài việc bị phạt cảnh cáo, NSDLĐ còn buộc phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người giúp việc gia đình đối với hành vi không ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người giúp việc gia đình và buộc trả đủ tiền tàu xe đi đường cho người giúp việc gia đình khi người giúp việc thôi việc về nơi cư trú.
(Nguồn: nld.com.vn)