banner2019
 
Thứ năm, ngày 19 tháng 12 năm 2024
Thứ năm, ngày 19 tháng 12 năm 2024
Đề xuất giảm giá điện của Bộ Công Thương: Người dùng được lợi thế nào?
Cập nhật lúc 02:07 ngày 03/04/2020
Theo đề xuất giảm giá điện được Bộ Công Thương mới trình Thủ tướng Chính phủ, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh do tác động của dịch Covid-19, các nhóm đối tượng sử dụng điện sẽ được hưởng mức ưu đãi giảm khác nhau, từ kỳ ghi hóa đơn điện tháng 4/2020 sắp tới.
Ngày 1/4/2020, Bộ Công Thương đã có báo cáo số 22/BC-BCT gửi Thủ tướng Chính phủ về đề xuất giảm giá điện cho các khách hàng sử dụng điện để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19. Đề xuất này của Bộ Công Thương được Thủ tướng hoan nghênh tại  họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020 vừa qua.
Theo đề xuất giảm giá điện mà Bộ Công Thương mới trình Thủ tướng Chính phủ, các nhóm đối tượng sử dụng điện sẽ được hưởng mức ưu đãi giảm khác nhau, từ kỳ ghi hóa đơn điện tháng 4/2020 sắp tới.
Trước đó, tại Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ do Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi ngày 29/1/2020 về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất "bãi bỏ, quy định khung giờ cao điểm bán điện (9h30-11h30), thu hẹp bậc thang biểu tính giá điện, trước mắt nghiên cứu giảm 50% giá điện giờ cao điểm từ tháng 03 đến tháng 10 năm 2020; áp dụng giá điện của các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, du lịch bằng với mức giá điện áp dụng cho các cơ sở kinh doanh khác".
Tuy nhiên, theo số liệu sản lượng điện năm 2019, sản lượng điện thương phẩm theo giờ cao điểm, thấp điểm của khách hàng sản xuất và kinh doanh dịch vụ là 135,624 tỷ kWh so với tổng sản lượng điện thương phẩm cả năm là 207,961 tỷ kWh.
Là đơn vị phụ trách lĩnh vực điện lực, Bộ Công Thương nhận định, kiến nghị này, bên cạnh gây khó khăn cho doanh nghiệp ngành điện, cũng có thể dẫn đến việc không khuyến khích tiết kiệm điện vào giờ cao điểm trong khi hệ thống đang có nguy cơ thiếu công suất vào giờ cao điểm.
Quan trọng hơn, trong số 1,6 triệu khách hàng là các hộ sản xuất, có tới 1 triệu khách hàng là các doanh nghiệp nhỏ chỉ sản xuất 1 ca trong giờ hành chính. Vậy nên “nếu chỉ giảm giá vào giờ cao điểm thì các doanh nghiệp nhỏ này cũng không được hưởng sự hỗ trợ của việc điều chỉnh”, Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Do đó, trên cơ sở số liệu sản lượng điện thương phẩm do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) báo cáo, giá bán điện tại Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20/3/2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ Công Thương đã tính toán đề xuất phương án giảm giá điện hợp lý cho các đối tượng khách hàng sử dụng điện trong vòng 3 tháng (từ kỳ hóa đơn điện tháng 4/2020 đến kỳ hóa đơn điện tháng 6/2020).
Phương án giảm giá điện của Bộ Công Thương hướng đến số đông người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19
Các cơ sở và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh
Đối với khách hàng sản xuất, Bộ Công Thương đề xuất giảm giá điện cho các khách hàng sản xuất ở tất cả các khung giá: cao điểm, bình thường và thấp điểm với mức giảm 10% so với biểu giá tại Quyết định số 648/QĐ-BCT.
Theo Bộ Công Thương, có thể thấy rõ ưu điểm của phương án này là tất cả các khách hàng sản xuất bao gồm cả các doanh nghiệp lớn sản xuất 3 ca hay các doanh nghiệp nhỏ chỉ sản xuất 1 ca đều được hỗ trợ tiền điện.
Việc duy trì giá giờ cao thấp điểm cũng sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp sử dụng điện tiết kiệm vào giờ cao điểm, khuyến khích sử dụng điện vào giờ bình thường và giờ thấp điểm.
Ước tính, tổng số tiền hỗ trợ các hộ sản xuất và kinh doanh theo phương án giảm giá điện này trong 3 tháng là 6.104 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ hộ sản xuất 5.117,82 tỷ đồng và hỗ trợ hộ kinh doanh 986,19 tỷ đồng.
Biểu giá bán lẻ điện cho khách hàng sản xuất và kinh doanh
Các hộ sinh hoạt
Đối với khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, Bộ Công Thương đề xuất giảm giá điện cho các bậc thang sinh hoạt từ bậc 1 đến bậc 4.
Đối với các bậc thang cao trên 300 kWh, Bộ Công Thương đề xuất giữ nguyên và các khách hàng tiêu thụ ở bậc thang này là những hộ có thu nhập cao, ít bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Với 50kWh đầu tiên, đề xuất giảm còn 1.510 đồng/kWh (thay vì 1.678 đồng/kWh hiện hành, tức giảm 10%).
Với kWh từ 51-100, đề xuất giảm còn 1.561 đồng/kWh (thay vì 1.734 đồng/kWh hiện hành, tức giảm 10%).
Với kWh từ 101-200, đề xuất giảm còn 1.813 đồng/kWh (thay vì 2.014 đồng/kWh hiện hành, tức giảm 10%).
Với kWh từ 201-300, đề xuất giảm còn 2.282 đồng/kWh (thay vì 2.536 đồng/kWh hiện hành, tức giảm trên 10%).
Với kWh từ 301-400kWh và từ kWh 401 trở lên, đề xuất giữ nguyên mức giá hiện hành lần lượt là 2.834 đồng/kWh và 2.927 đồng/kWh.
Như vậy, ví dụ, khách hàng sử dụng 290kWh trong tháng 4, thay vì phải trả 499.540 đồng, sẽ chỉ phải trả 449.580 đồng, tức giảm trên 10%.
“Đây (các khách hàng sinh hoạt dưới 300kWh/tháng) là các đối tượng chủ yếu là người lao động, công chức, viên chức, công nhân bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19”, do đó sẽ là phương án hợp lý cho số đông người dùng, Bộ Công Thương đánh giá.
Ước tính, tổng số tiền hỗ trợ các hộ sinh hoạt theo phương án giảm giá điện này trong 3 tháng là 2.930 tỷ đồng.
Biểu giá bán lẻ điện cho khách hàng sinh hoạt sinh hoạt đề xuất giảm 10% từ bậc 1 (dưới 50 kWh) đến bậc 4 (từ 200 đến 300 kWh)
Các cơ sở lưu trú du lịch
Giá điện cho cơ sở lưu trú du lịch (khách sạn, nhà nghỉ du lịch, biệt thự du lịch, căn hộ du lịch, bãi cắm trại du lịch,…) hiện đang thuộc nhóm đối tượng “kinh doanh dịch vụ” theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 07 tháng 4 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.
Theo số liệu thống kê của EVN, tỷ trọng sản lượng điện hiện nay tại các cơ sở lưu trú du lịch ước chiếm khoảng 1,53% - 1,8% tổng sản lượng điện thương phẩm.
Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, với mục đích hỗ trợ các cơ sở lưu trú du lịch giảm thiểu thiệt hại do dịch Covid-19, đồng thời tạo điều kiện cho ngành du lịch sớm khôi phục sau khi hết dịch, Bộ Công Thương đề xuất điều chỉnh giá điện cho cơ sở lưu trú du lịch giảm từ mức giá áp cho khách hàng kinh doanh dịch vụ xuống bằng giá áp cho các hộ sản xuất và đề xuất áp dụng từ kỳ hóa đơn điện tháng 4/2020.
Theo đó, các cơ sở lưu trú du lịch sẽ được hưởng hỗ trợ lớn hơn nhiều so với thông thường, thay vì mức giảm 10% như các cơ sở kinh doanh khác.
Ước tính, tổng số tiền hỗ trợ các cơ sở lưu trú du lịch theo phương án giảm giá điện này từ kỳ hóa đơn điện tháng 4/2020 là 1.840 tỷ đồng.
Các cơ sở phục vụ chống dịch Covid-19
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ thực hiện hỗ trợ tiền điện từ tháng 4/2020 đến tháng 6/2020 cho các cơ sở trực tiếp chống dịch Covid với tổng số tiền ước khoảng 100 tỷ đồng. Trong đó:
* Miễn tiền điện cho khách hàng sử dụng điện là cơ sở cách ly, khám chữa tập trung chỉ liên quan đến dịch Covid-19;
* Giảm 20% giá bán điện cho cơ sở khám, chữa bệnh có thực hiện khám, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm Covid-19;
* Giảm 20% giá bán điện cho các khách sạn được sử dụng để cách ly.
Theo phương án giảm giá do Bộ Công Thương đề xuất, ước tổng số tiền điện hỗ trợ cho các khách hàng sử dụng điện sẽ lên đến 10.974 tỷ đồng.
Ngay sau khi Nghị quyết của Chính phủ được ban hành, Bộ Công Thương sẽ khẩn trương ban hành Quyết định thực hiện việc giảm giá điện để người dân và doanh nghiệp sớm được hưởng ưu đãi.
Đồng thời, Bộ Công Thương khẳng định sẽ tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc EVN thực hiện đồng bộ các giải pháp bao gồm tiết kiệm chi phí thường xuyên, các khoản chi không cấp thiết khác tại các Tổng Công ty Điện lực, các Công ty thủy điện hạch toán phụ thuộc EVN và tại Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia.
Mặt khác, Bộ Công Thương cũng sẽ chỉ đạo EVN tính toán lại chi phí mua điện năm 2020 đặc biệt chi phí mua điện 10 tháng cuối năm 2020 với các thông số đầu vào cập nhật như giá than, dầu, khí, tỷ giá, sản lượng các nhà máy thuỷ điện, nhiệt điện than, tua bin khí, nhiệt điện dầu, các nhà máy điện sử dụng năng lượng tái tạo...
Thy Thảo (nguồn: tapchicongthuong.vn)