banner2019
 
Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024
Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024
Năm 2020, do tác động của đại dịch Covid-19 nhiều Doanh nghiệp buộc phải thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động
Cập nhật lúc 10:34 ngày 31/03/2020
Vậy người sử dụng lao động phải làm gì và quyền lợi của người lao động được hưởng như thế nào?
Bộ Bộ luật Lao động 2012 (áp dụng đến 31/12/2020) quy định:
Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc (mục c khoản 3 Điều 38 Bộ luật Lao động 2012). Khi đó người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động.
Trách nhiệm của người sử dụng lao động:
Trách nhiệm về thời gian báo trước (khoản 2 Điều 38 Bộ luật Lao động 2012):
Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước:
- Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
- Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn;
- Ít nhất 03 ngày làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này và đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.
Trách nhiệm đảm bảo vệ quyền lợi người lao động (Điều 47 Bộ luật Lao động 2012):
- Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.
- Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.
- Trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản thì tiền lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các quyền lợi khác của người lao động theo thoả ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết được ưu tiên thanh toán.
Lưu ý:
 - Các trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (Điều 39 Bộ luật Lao động 2012):
+ Người lao động ốm đau hoặc bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đang điều trị, điều dưỡng theo quyết định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 38 của Bộ luật này.
+ Người lao động đang nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng và những trường hợp nghỉ khác được người sử dụng lao động đồng ý.
+ Lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.
+ Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
- Khi người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách thì phải thỏa thuận bằng văn bản với Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành cấp trên trực tiếp cơ sở (khoản 7 Điều 192 Bộ Lao động 2012).
Quyền lợi của người lao động được hưởng khi chấm dứt hợp đồng lao động: 
Người lao động được hưởng trợ cấp thôi việc (Điều 48 Bộ luật Lao động 2012) 
- Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.
- Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.
- Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc.
Người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp (Luật việc làm 2013)
- Trợ cấp thất nghiệp là một khoản trợ cấp nằm trong các chế độ bảo hiểm thất nghiệp và là khoản bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm. Trợ cấp thất nghiệp do cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả.
- Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp (Điều 50 Luật Việc làm 2013) hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
- Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.
Doanh nghiệp sẽ bị xử phạt hành chính khi vi phạm quy định về chấm dứt hợp đồng lao động (Điều 11 Nghị định 28/2020/NĐ-CP):
- Phạt tiền đối với người sử dụng lao động từ 1.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng khi có một trong các hành vi: không thực hiện đúng quy định về thời hạn thanh toán các khoản về quyền lợi của người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động; không trả hoặc trả không đủ tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định của pháp luật... và buộc phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.
Thanh Huyền tổng hợp