banner2019
 
Thứ năm, ngày 19 tháng 12 năm 2024
Thứ năm, ngày 19 tháng 12 năm 2024
Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất trước diễn biến dịch Covid-19: Cần xây dựng các đối sách đúng và trúng
Cập nhật lúc 11:05 ngày 27/02/2020
Dịch Covid 19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và lan rộng ở nhiều nước đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Trước tình hình trên Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã yêu cầu các đơn vị phải làm tốt công tác dự báo tình hình, để từ đó đưa ra các giải pháp ứng phó phù hợp, giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực của dịch bệnh.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh làm việc với Cục Công nghiệp nhằm tìm giải pháp ứng phó với dịch Covid 19
Yêu cầu này được Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đưa ra tại buổi làm việc với Cục Công nghiệp vào chiều nay 26/2/2020. 
Báo cáo của Cục Công nghiệp do ông Trương Thanh Hoài tại buổi làm việc cho thấy hiện vướng mắc lớn nhất đối với ngành sản xuất Việt Nam là nguồn cung nguyên phụ liệu, linh phụ kiện đầu vào.
Riêng đối với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam hiện phụ thuộc rất lớn vào các nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc và quốc gia khác đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh (Hàn Quốc, Nhật Bản) để phục vụ sản xuất. Trong đó, một trong số những ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất là ngành điện - điện tử. “Hiện nay, các doanh nghiệp điện tử chỉ còn đủ lượng linh kiện phụ kiện phục vụ cho sản xuất trong khoảng đến giữa hoặc cuối tháng 3/2020”- Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết.
Cùng với đó, tác động của dịch Covid 19 còn thể hiện ở vướng mắc nguồn lao động, khó khăn về tài chính và thị trường tiêu thụ.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, cần làm tốt công tác phân tích và dự báo
Số liệu đưa ra tại buổi làm việc cho thấy tác động của dịch Covid 19 đến sản xuất công nghiệp của Việt Nam đã trở nên rõ ràng. Qua 2 tháng chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng tăng 6,2% giảm 3 điểm phần trăm, nhóm công nghiệp chế tạo chỉ tăng 7,4%, giảm đến 4 điểm phần trăm. Đặc biệt, tổng mức bán lẻ chỉ tăng 8,3%, thấp nhất so với cùng kỳ tính từ năm 2014 trở lại đây.
Trước các khó khăn trên, Cục Công nghiệp đã trực tiếp làm việc với các hiệp hội, ngành hàng và doanh nghiệp lớn trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo để đánh giá và tìm hiểu thực tế những khó khăn vướng mắc, từ đó tổng hợp báo cáo Bộ Công Thương và Chính phủ.
Cục Công nghiệp đề xuất Chính phủ có các biện pháp khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc chủ động tìm nguồn cung thay thế, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tăng cường sản xuất để đáp ứng một phần nhu cầu nội địa.
Cùng đó, các bộ, ngành xem xét các chính sách về ưu đãi thuế, giảm, giãn nợ các khoản vay ngắn hạn phục vụ sản xuất kinh doanh cũng như hỗ trợ doanh nghiệp trả chi phí bảo hiểm xã hội cho người lao động trong trường hợp phải tạm ngừng sản xuất kinh doanh do dịch bệnh.
Cục trưởng Cục Công nghiệp Trương Thanh Hoài báo cáo tại buổi làm việc
Sau khi nghe ý kiến của các vụ chức năng và các ý kiến của các Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải và Cao Quốc Hưng, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ rõ, hiện nhiều hàng hóa và sản phẩm của các quốc gia đã gắn bó chặt chẽ trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Chính vì vậy khi dịch bệnh lan rộng, tính tương tác phụ thuộc giữa các nền kinh tế cũng bộc lộ một cách rõ rệt.
Bộ trưởng yêu cầu phải làm tốt công tác phân tích, dự báo đồng thời xây dựng các đối sách để ứng phó kịp thời và hiệu quả. Cụ thể hơn, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, cần đánh giá có bao nhiêu doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng để đo lường mức độ tác động trong từng quý, thậm chí khi dịch bệnh có thể diễn biến phức tạp, kéo dài thì khả năng chống đỡ với khó khăn sẽ ra sao?
Cùng đó, phải có những đánh giá đối với từng nhóm hàng và khu vực thị trường qua đó xây dựng các đề án báo cáo Bộ và Chính phủ để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, cũng như tính đến năng lực sản xuất của ngành công nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài phức tạp sẽ có những giải pháp để bảo đảm bình ổn thị trường trong nước.
Bộ Công Thương luôn đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và tìm thị trường
Bộ trưởng nhấn mạnh, tình hình đòi hỏi phải có những giải pháp lớn từ phía Bộ Công Thương để tham mưu cho Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho các ngành sản xuất. Bên cạnh đó ,cần phải làm tốt hơn việc đánh giá các khó khăn của từng khu vực doanh nghiệp, cũng như các đặc thù và phối hợp cùng các Bộ, ngành để cùng đưa ra các giải pháp đúng và trúng hỗ trợ doanh nghiệp.
Bộ trưởng cũng yêu cầu các giải pháp đưa ra phải mang tính tổng thể, có tính đến vị trí, vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng. Đặc biệt cần coi khâu khơi thông thị trường là then chốt trong lúc này với việc tập trung đánh giá tìm ra các dư địa, các nhân tố mới.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho biết, sắp tới trên cơ sở các buổi làm việc với các hiệp hội ngành hàng, Bộ Công Thương sẽ tổ chức một hội nghị quy mô với các doanh nghiệp để tháo gỡ các khó khăn. Tinh thần như Bộ trưởng nhấn mạnh, là không trầm trọng hóa vấn đề song vẫn phải chủ động. Đặc biệt, Bộ trưởng lưu ý cần tiếp tục chấp hành nghiêm chỉnh sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Quang Lộc- Cấn Dũng (nguồn: congthuong.vn)