banner2019
 
Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024
Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024
Quyền lợi người lao động khi tham gia Bảo hiểm
Cập nhật lúc 02:34 ngày 04/12/2019
Người sử dụng lao động, người lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật. Đối với Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp do người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng đủ cho người lao động. 
(Ảnh minh họa)
Người lao động tham gia bảo hiểm sẽ được hưởng nhiều quyền lợi:
1. Người lao động được hưởng Bảo hiểm y tế:
Bảo hiểm y tế (BHYT) là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện (Điều 2, Luật BHYT).
BHYT là 1 trong những chính sách an sinh xã hội tốt nhất hiện nay cho người lao động khi thăm, khám chữa bệnh. Người lao động tham gia Bảo hiểm Y tế được quỹ BHYT chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con theo mức quy định.
2. Người lao động hưởng chế độ ốm đau từ Bảo hiểm xã hội:
Căn cứ Khoản 1, Điều 3, Mục I Thông tư 59/2015/TT-BLDTBXH quy định chi tiết về điều kiện được hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội như sau:
- Người lao động bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động hoặc điều trị thương tật, bệnh tật tái phát do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.
- Người lao động phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.
- Lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con mà thuộc một trong các trường hợp quy định trên.
3. Người lao động hưởng chế độ thai sản từ quỹ Bảo hiểm xã hội:
Người lao động tham gia BHXH bắt buộc được hưởng chế độ thai sản (Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014):
- Lao động nữ mang thai; Lao động nữ sinh con; Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ; Người lao động nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi; Lao động nữ đặt vòng tránh thai, triệt sản; Lao động nam đang đóng BHXH có vợ sinh con.
- Lưu ý về thời gian tham gia để được hưởng chế độ này của một số đối tượng:
+ Lao động nữ sinh con, nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi hay người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh hoặc nhận nuôi con nuôi.
+ Lao động nữ sinh con đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của bác sĩ thì phải đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh.
+ Ngoài ra, người lao động đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên mà chấm dứt hợp đồng lao động hoặc thôi việc trước khi sinh hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ này.
4. Người lao động hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp:
- Người sử dụng lao động hằng tháng đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định (Điều 3 Nghị định 44/2017/NĐ-CP)
- Người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện (Điều 45, 46 Luật ATVSLĐ 2015)
+ Bị bệnh nghề nghiệp thuộc Danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành. 
+ Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị bệnh quy định tại điểm a khoản này. 
+ Người lao động khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp thuộc Danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành mà phát hiện bị bệnh nghề nghiệp trong thời gian quy định thì được giám định để xem xét, giải quyết chế độ theo quy định của Chính phủ.
5. Người lao động hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau, thai sản:
-Người lao động đã hưởng chế độ ốm đau từ đủ 30 ngày trở lên trong năm, kể cả người lao động mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành; Lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe theo quy định (mục 1 Điều 7 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH; Điều 41, Luật BHXH 2013)
6. Người lao động hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp:
Người lao động sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động hoặc bệnh tật do bệnh nghề nghiệp, trong thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 05 ngày đến 10 ngày cho một lần bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. (Điều 54 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015).
7. Người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp:
Sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động có thể được hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu đáp ứng một số điều kiện quy định (Quy định chi tiết tại điều 49 Luật Việc làm 2013). Khoản trợ cấp này là một trong các chế độ bảo hiểm thất nghiệp và là khoản bù đắp nhằm hỗ trợ người lao động trong thời gian không có việc làm.
8. Người lao động hưởng chế độ hưu trí:
Người lao động đủ điều kiện nghỉ hưởng lương hưu: tức là đảm bảo điều kiện về thời gian đóng BHXH, về độ tuổi nghỉ hưu, thủ tục nghỉ hưu theo quy định thì sẽ được hưởng lương hưu.
9. Thân nhân người lao động được hưởng chế đệ tử tuất:
Người lao động đang tham gia BHXH, đang hưởng lương hưu, hưởng trợ cấp BHXH hàng tháng, v.v mà bị chết thì thân nhân người lao động đáp ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật sẽ được hưởng chế độ tử tuất (quy định tại điều 66, 67, 68, 69, 70, 71 Luật BHXH 2014).
Thanh Huyền (Tổng hợp)