banner2019
 
Thứ sáu, ngày 20 tháng 12 năm 2024
Thứ sáu, ngày 20 tháng 12 năm 2024
Thủ tướng Chính phủ: Ưu tiên vấn đề nhà ở cho công nhân, quyền lợi NLĐ
Cập nhật lúc 08:19 ngày 26/09/2019
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc xây dựng thiết chế công đoàn không phải là trách nhiệm riêng của tổ chức Công đoàn, mà cần phân rõ trách nhiệm đối với mỗi bộ, ngành, nhất là các địa phương. Các địa phương phải giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân.
Đất nước phát triển có công rất lớn của người lao động
Ngày 25.9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì buổi làm việc với Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để đánh giá việc thực hiện quy chế phối hợp công tác thời gian qua và phương hướng thực hiện thời gian tới.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng đã có những chỉ đạo và xử lý một số kiến nghị về những vấn đề nổi cộm đối với công nhân, người lao động.
Trước hết, Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp của đồng chí Bùi Văn Cường - Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk - nguyên Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong thời gian qua và tin tưởng rằng đồng chí Nguyễn Đình Khang trong vai trò Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam, cùng các đồng chí Đoàn Chủ tịch sẽ phát huy vai trò lãnh đạo, tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổng Liên đoàn, cũng như công tác phối hợp giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam trong việc chăm lo tốt hơn cho người dân, đảm bảo quyền lợi người lao động.
 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, với sự nỗ lực của hệ thống chính trị, sự quyết liệt chỉ đạo điều hành của Chính phủ, 9 tháng đầu năm 2019 kinh tế - xã hội tiếp tục có chuyển biến tích cực, kinh tế tăng trưởng trên tất cả lĩnh vực, dự kiến 12/12 chỉ tiêu năm nay đều đạt và vượt.
Chính phủ đã nỗ lực giữ ổn định kinh tế vĩ mô để bảo đảm đời sống ổn định cho người dân, giải quyết việc làm cho hàng triệu người lao động. Môi trường kinh doanh được cải thiện rõ nét, được quốc tế, doanh nghiệp người dân đánh giá cao. Cải cách hành chính được đẩy mạnh, nhiều vụ tham nhũng lớn được thanh tra, điều tra, xử lý; an toàn, an ninh quốc gia được giữ vững, hoạt động đối ngoại tăng cường…
Thủ tướng khẳng định, kết quả này có sự đóng góp của toàn Đảng, toàn dân, trong đó có sự đóng góp của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, của người lao động cả nước, của giai cấp công nhân Việt Nam không ngừng đổi mới, sáng tạo.
Đánh giá công tác phối hợp giữa Chính phủ và Công đoàn ngày càng được tăng cường, giúp mỗi bên hoàn thành tốt nhiệm vụ, Thủ tướng cho rằng Tổng Liên đoàn đã tích cực tham gia xây dựng thể chế, phản biện chính sách, kịp thời phản ánh, kiến nghị nhiều vấn đề lớn với Đảng, Nhà nước.
Bên cạnh đó, cơ chế phối hợp giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật giữa Tổng Liên đoàn và các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục được kết quả tốt, trong đó có việc giải quyết những vấn đề bức xúc liên quan trực tiếp đến người lao động.
Tuy nhiên, ngoài những thành tựu đạt được, Thủ tướng cho rằng khó khăn vẫn còn, như thu nhập người lao động chưa cao, tình trạng trốn đóng bảo hiểm của doanh nghiệp vẫn diễn ra. Đặc biệt, hiện nay vẫn còn vướng mắc trong huy động vốn thực hiện dự án nhà ở xã hội, luật pháp chưa đồng bộ trong việc xây dựng thiết chế công đoàn cho người lao động.
Ưu tiên xây dựng thiết chế công đoàn
Cũng tại buổi làm việc, Thủ tướng thống nhất với báo cáo kết quả thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2018, trọng tâm phối hợp công tác năm 2019 - 2020. Đồng thời, đề nghị các bộ ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tháo gỡ các vướng mắc, để thực hiện tốt hơn mục tiêu chăm lo cho người lao động, đặc biệt các chương trình phúc lợi.
Về cơ chế chính sách liên quan đến dự án đầu tư xây dựng thiết chế của Công đoàn, thời gian qua, Tổng Liên đoàn tập trung triển khai đầu tư thí điểm 1 dự án thiết chế Công đoàn tại tỉnh Hà Nam, để tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm.
Trong quá trình triển khai thực hiện dự án tại Hà Nam, đến nay gặp một số vướng mắc, khó khăn liên quan đến cơ chế chính sách, như về cơ chế giao đất; chủ thể ký hợp đồng cho thuê, bán căn hộ; nguồn vốn…
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu hỗ trợ Tổng Liên đoàn từ 1.000 - 2.000 tỉ đồng để tập trung triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và các công trình hạ tầng xã hội tại 50 thiết chế của công đoàn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh lưu niệm cùng các đồng chí trong Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
Sau khi nghe những phản ánh từ Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các bộ, ngành về vấn đề này, Thủ tướng cho rằng, địa phương cần quan tâm đến vấn đề nhà ở công nhân, trong đó có việc bố trí quỹ đất, coi đây là nhiệm vụ quan trọng của địa phương.
Thủ tướng đồng ý chủ trương hỗ trợ Tổng Liên đoàn để tập trung triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và các công trình hạ tầng xã hội; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, rà soát, tổng hợp phương án phân bổ để ghi vốn trung hạn 2021-2025 một khoản kinh phí để hỗ trợ cho những thiết chế công đoàn.
“Bây giờ tôi nói ví dụ như những siêu thị bán lẻ cho công nhân làm ngoài giờ thì buổi khuya họ mới về thì anh phải trực để bán hàng. Người có thẻ đoàn viên Công đoàn thì anh miễn giảm 3-5% để ưu tiên chuyện này, từ mớ rau đến thực phẩm khác. Những việc rất cụ thể như vậy chứ không phải chúng ta nói việc trên trời về thiết chế công đoàn. Quyền lợi của người lao động trong chuyện này rất quan trọng mà chúng ta là người xử lý giải quyết, để đưa thiết chế công đoàn vào cuộc sống” - Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng nhắc lại chuyến thị sát chiều 19.5.2018 khi đến kiểm tra việc xây dựng Khu thiết chế công đoàn tại Khu công nghiệp Đồng Văn 2, Hà Nam, dự án đầu tiên trong chuỗi 50 dự án thiết chế của công đoàn tại các địa phương. Thủ tướng đề nghị Tổng Liên đoàn làm việc với 33 tỉnh, thành phố thống nhất quỹ đất, thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư thiết chế công đoàn…
Về định hướng phối hợp thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tác động của cuộc Cách mạng 4.0 đặt ra cho đất nước, tổ chức Công đoàn nhiều vấn đề, phải suy nghĩ phối hợp giải quyết tốt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa để giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam, giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến, hiện đại, đi tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, là lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.
Muốn làm được, giai cấp công nhân phải tiên phong trong việc tiếp thu tri thức, nâng cao tay nghề, nâng cao năng suất lao động, làm chủ khoa học công nghệ. Chính phủ sẽ tiếp tục đồng hành, cùng tổ chức Công đoàn Việt Nam phối hợp để thực hiện tốt hơn nữa vấn đề nâng cao đời sống và bảo vệ quyền lợi chính đáng của giai cấp công nhân, người lao động cả nước. 
Thủ tướng cũng đề nghị Tổng Liên đoàn cần tiếp tục tham gia hiệu quả tích cực hơn nữa công tác xây dựng thể chế, thực hiện phản biện xã hội, nhất là đối với các chính sách liên quan đến người lao động và tổ chức công đoàn. 
“Tôi cũng đề nghị các bộ có mặt hôm nay tiếp thu đầy đủ, phối hợp tốt hơn với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để nghiên cứu, xem xét, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách lao động và việc làm, tạo động lực mạnh mẽ nâng cao năng suất lao động, đời sống người lao động ngày càng đầy đủ, sung túc hơn” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Đặng Chung (nguồn: laodong.vn)