banner2019
 
Thứ năm, ngày 23 tháng 01 năm 2025
Thứ năm, ngày 23 tháng 01 năm 2025
Được làm việc cũng đã là một hạnh phúc!
Cập nhật lúc 02:43 ngày 17/03/2014

Lâu nay tôi thường nghĩ, trong cuộc đời của mỗi con người cho dù là bình thường nhất, cũng có thể ẩn chứa những hành động, việc làm, suy nghĩ đáng trân trọng, có tác động tích cực tới họ, gia đình họ, nơi họ công tác và sinh sống. Chỉ có điều, những việc làm này không to tát, kêu như chuông, mà lặng lẽ, giản dị đến nỗi bản thân họ cũng không hề ý thức. Người ta gọi họ là những bông hoa của đời thường.

 Nghề ăn vào máu

 “Bông hoa” tôi đang nói tới chính là chị Lê Thị Thu Hương, Tr­ưởng Phòng Tài chính Kế toán của Trường Cao đẳng nghề Cơ điện - Luyện kim Thái Nguyên, người vinh dự được Công đoàn Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP trao tặng danh hiệu Phụ nữ Hai giỏi.

Chị Lê Thị Thu Hương - Tr­ưởng Phòng Tài chính Kế toán của Trường Cao đẳng nghề Cơ điện - Luyện kim Thái Nguyên

Tốt nghiệp khoa Kế toán Trường Đại học Thương mại, cô cử nhân sinh năm 1970 vội vã quay về quê hương Thái Nguyên để lập nghiệp. Bố mẹ Hương đều là giáo viên của Trường Cao đẳng nghề Cơ điện  - Luyện kim Thái Nguyên, chính vì vậy, con đường của Hương dường như đã được định sẵn. Nhưng không làm giáo viên, với chuyên ngành đã học, Hương được phân công làm phụ trách công tác tài chính kế toán, theo dõi kinh phí, cân đối thu chi cho mọi hoạt động tài chính của Nhà tr­ường. Mặc dù đã đồng ý cho con theo học ngành kế toán, nhưng xót con gái vất vả, bố Hương luôn gợi ý chị chuyển ngành khác, chứ suốt ngày vật lộn với những con số và các phép tính, đối với phụ nữ thật chẳng hay ho gì - ông luôn nghĩ vậy. Nhưng cô con gái rượu của ông, tuy có vẻ bề ngoài khá dịu dàng, nhẹ nhàng, nhưng lại mạnh mẽ và quyết đoán, đã không thay đổi. Những ngày tháng mới mẻ thấm thoắt trôi nhanh, Hương cũng lấy chồng, sinh con như những người phụ nữ khác. Chị miệt mài làm chuyên môn và đã có nhiều sáng kiến cải tiến và nghiên cứu khoa học. Đáng chú ý là chủ trì đề tài Hoàn chỉnh các văn bản nội bộ về quản lý, thu chi tài chính và cơ chế chính sách trong năm học và đ­ược áp dụng đạt hiệu quả cao; rồi chủ trì đề tài Quy chế tài chính nội bộ về đào tạo liên doanh liên kết và sản xuất đạt hiệu quả cao; tiếp theo là Đề án tự chủ tài chính của Trường... Bên cạnh đó, chị Hương còn rất tích cực tích cực tham gia và vận động các thành viên trong đơn vị tham gia mọi hoạt động phong trào thi đua của đơn vị, phong trào thi đua do công đoàn trường phát động...

Số phận may mắn đã cho chị một người chồng hơn chị 2 tuổi và cùng nghề - anh là giáo viên của Trường Đại học Công nghiệp Thái Nguyên. Đến bây giờ, dù cậu con trai duy nhất của họ đã là sinh viên năm thứ 4 của Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, thì tình cảm “hai trong một” của anh chị vẫn mặn mà, đậm đà như ngày nào, thậm chí có phần hơn vì còn chung một nỗi niềm nhớ con... 

Mắt sáng lòng trong

Những năm gần đây, ngành Thép đang rơi vào những khó khăn liên miên chưa tìm ra lối thoát. Trường Cao đẳng nghề Cơ điện - Luyện kim Thái Nguyên với nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành công nghiệp nói chung và ngành Thép nói riêng theo hướng nghề nghiệp ứng dụng, tạo ra nhiều “kỹ sư thực hành” có chất lượng chuyên môn cao và khả năng làm việc độc lập… vì thế cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Học sinh tuyển sinh ít hơn, công việc ít hơn và vì vậy thu nhập của giáo viên cũng bị giảm đi. Đứng trước tình hình này, Nhà trường buộc phải tìm cách tự cứu. Hơn lúc nào hết, công tác tuyển sinh được chú trọng và xem là giải pháp duy nhất để Trường cùng toàn thể cán bộ giáo viên tồn tại.

Chị Lê Thị Thu Hương tại Lễ bảo vệ Luận văn Thạc sỹ kinh tế

Năng động, quyết đoán, từ lúc nào không rõ, chị Lê Thị Thu Hương, Trưởng phòng Tài chính đã trở thành một hạt nhân, có mặt trên mọi tuyến đầu của chặng đường tuyển sinh vất vả và gian nan. Nơi chị đến là những huyện xa nhất, nghèo nhất của các tỉnh khó khăn nhất. Ở Hà Giang là Vỵ Xuyên, Quang Bình, Bắc Quang. Ở Hà Tĩnh là Cẩm Xuyên, Hương Sơn… Học viên chị tuyển là những người ít điều kiện học hành nhất. Nhọc nhằn và gian khó là thế, nhưng thông qua Liên đoàn lao động các tỉnh, qua các trung tâm hướng nghiệp dạy nghề thường xuyên, các mối quan hệ, mọi nguồn thông tin… cứ ở đâu có nhu cầu tuyển sinh các ngành được xem là “sở trường” của Trường như ngành luyện thép, cán thép, hàn, điện… các anh, các chị lại lên đường.

Thành công chen lẫn thất bại. Những kinh nghiệm sống của chị Hương dần đầy theo năm tháng. Công việc chị và các đồng nghiệp đang làm thực ra không khác gì công việc của một người đi phát triển thị trường. Đứng trước sự chuyển đổi của xu hướng chọn nghề của xã hội, các trường đào tạo nghề ngày càng phải năng động, linh họat mới đủ khả năng thích ứng. Thay vì các học sinh cơm đùm cơm nắm tới trường “tầm sư học đạo”, thì với mô hình mới là dạy học lưu động, những người thầy lại vượt ngàn dặm xa đến dạy nghề cho học trò. Uy tín và tiếng tăm của Trường Cao đẳng nghề Cơ điện và Luyện kim Thái Nguyên không chỉ được các học viên ở các tỉnh biết đến mà còn được các doanh nghiệp ngành Thép hết sức quan tâm. Hầu hết các đơn vị sản xuất kinh doanh thép có kế hoạch mở rộng sản xuất hay phát triển cơ sở mới đều đến Trường để đề đạt nhu cầu tuyển dụng lao động. Vì vậy, ngoài việc được dạy nghề, các học viên của Trường còn có thể có một công ăn việc làm đàng hoàng, đúng với ngành mình đã học. Lớp lớp học viên ra trường, bước chân của các cán bộ đi “khơi nguồn đào tạo” vẫn mải miết không ngừng… Lào Cai có Công ty Khoáng sản Việt Trung. Hà Tĩnh có Công ty kKhoáng sản Hà Tĩnh. Và rất nhiều địa điểm nữa trên khắp đất nước ta. Chị Hương chia sẻ: “Nhiều lúc đi đường xa mệt và say xe tưởng ngất đến nơi, nhưng thấy có tín hiệu tốt là bọn chị lại tiếp tục đi vào xã, vào huyện để thuyết phục. Tuyển nghề không giống như tuyển sinh đại học. Đối tượng bọn chị tiếp xúc toàn là người nghèo, trình độ nhận thức khá hạn chế. Vì vậy, các giáo viên phải vừa dạy, vừa dỗ. Vất vả nhưng mà so với nhiều người, nhiều ngành, sự vất vả này chưa ăn thua. Hoàn cảnh của mình cũng khó khăn nhưng vẫn còn hơn khối người không có công ăn việc làm hoặc thu nhập thấp hơn. Được làm việc, đó cũng đã là một hạnh phúc!”

Tôi nhìn vào bảng thành tích của chị Lê Thị Thu Hương trong lòng chợt cảm thấy vui vui: Liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở năm học từ 2010 -2013;Bằng khen Bộ Công Thương  năm 2011 và 2013; Bằng khen của Tổng công ty Thép Việt Nam năm 2011; Chiến sĩ thi đua Bộ Công Thương giai đoạn 2010-2012; Bằng khen của Tổng LĐLĐVN năm 2012; Bằng khen của Công đoàn Công Thương Việt Nam năm 2012 và 2013, gần đây nhất là Bằng khen của Tổng công ty Thép Việt Nam trong phong trào thi đua “Giỏi việc nước đảm việc nhà” giai đoạn 2010 -2012. Quả thật, những danh hiệu này chứng tỏ sự quan tâm, sâu sát của Công đoàn Nhà trường, của Công đoàn Tổng công ty Thép Việt Nam đối với mỗi sự cố gắng, nỗ lực của mỗi CBCNVC-LĐ trong hệ thống của mình. Tự nói về mình, về những công việc lặng thầm của mình là một điều rất khó, nhất là khi bản thân thấy rằng việc mình làm không có gì lớn lao, chỉ bình thường như biết bao người khác. Nhưng, cuộc sống còn gì tuyệt vời hơn khi mỗi người tự làm tốt phần việc của mình với một suy nghĩ theo hướng tích cực và xây dựng? Bác Hồ đã từng nói: “Mỗi người tốt, việc tốt là một bông hoa đẹp. Cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp". Vâng, thật đáng tự hào vì chị Lê Thị Thu Hương là một bông hoa trong rừng hoa đẹp đó.

Hoàng Quân