banner2019
 
Thứ sáu, ngày 20 tháng 12 năm 2024
Thứ sáu, ngày 20 tháng 12 năm 2024
Hội thảo khoa học cấp quốc gia Công đoàn VN - 90 năm xây dựng và phát triển
Cập nhật lúc 02:32 ngày 29/07/2019
Vừa qua, Tổng LĐLĐVN phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Công đoàn Việt Nam - 90 năm xây dựng và phát triển”. Các tham luận đã khẳng định những cống hiến xuất sắc của Công đoàn Việt Nam trong 90 năm đấu tranh, lao động sáng tạo; khẳng định những đột phá chiến lược trong những năm đổi mới; chỉ ra những thách thức, vấn đề mới cả lý luận, thực tiễn, đòi hỏi phải sáng tạo để giữ vững vai trò, sứ mệnh của mình trong thời gian tới. 
Toàn cảnh Hội nghị 
Tham dự hội thảo có các đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư; Phạm Thế Duyệt - nguyên Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Tổng CĐVN. Các đồng chí: GS TS Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; GS TS Phùng Hữu Phú - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận T.Ư; TS Bùi Văn Cường - Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Phó Chủ tịch LHCĐ thế giới; Ths Nguyễn Đình Khang - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí Thư Đảng đoàn Tổng LĐLĐVN; Lê Mạnh Hùng - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì hội thảo.
Hội thảo đã nêu bật những đóng góp quan trọng của tổ chức công đoàn trong sự nghiệp cách mạng của đất nước trong từng giai đoạn cách mạng, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đến giai đoạn hiện nay.
Đ.c Bùi Văn Cường - Chủ tịch Tổng LĐLĐVN phát biểu tại Hội nghị 
TS. Bùi Văn Cường - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Phó Chủ tịch Liên hiệp Công đoàn thế giới - khẳng định, từ khi thành lập đến nay, với những tên gọi phù hợp hoàn cảnh của mỗi giai đoạn cách mạng, dù ở ở bất kỳ hoàn cảnh nào, Công đoàn Việt Nam luôn phát huy vai trò, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của cách mạng Việt Nam.
Đồng chí Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn Tổng LĐLĐVN cho rằng: Công đoàn là tổ chức của người lao động, có trách nhiệm bênh vực lợi quyền cho những người lập ra tổ chức Công đoàn, đồng thời đại diện cho số đông người lao động, đàm phán, thương lượng với chủ sử dụng lao động, trước hết là các điều khoản của hợp đồng lao động: làm việc và nhận lương. Vì vậy, có thể nói tiền lương là kết quả của đàm phán, thương lượng giữa người lao động mà đại diện đương nhiên của nó là tổ chức Công đoàn”.
Để xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Đoàn Minh Huấn cho rằng, thời gian tới, tổ chức Công đoàn cần tiếp tục nâng cao công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động công nhân; tạo động lực cho công nhân phát huy đầy đủ vai trò nòng cốt của khối liên minh giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức; đổi mới hình thức tổ chức và phương thức hoạt động của Công đoàn để nâng cao sức hấp dẫn đoàn kết, vận động, tập hợp công nhân, mở rộng đối tượng lao động thuộc mọi thành phần kinh tế, cả khu vực kinh tế chính thức và phi chính thức... 
Còn theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu, trước yêu cầu của tình hình mới, Công đoàn Việt Nam cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động theo hướng hiệu quả, thiết thực nhằm đáp ứng tốt hơn nguyện vọng của người lao động. Theo đó, cần đổi mới và nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức công đoàn; đổi mới nhận thức về hoạt động chăm lo lợi ích theo hướng thường xuyên, toàn diện, kịp thời, hướng tới số đông, tạo điểm khác biệt về quyền được thụ hưởng của người lao động là đoàn viên công đoàn…
Chủ tịch CĐCTVN Trần Quang Huy phát biểu tại Hội nghị 
Đại diện cho khối Công đoàn ngành Trung ương, đồng chí Trần Quang Huy – Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn, Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam đã tham luận tại Hội thảo với nội dung “Công đoàn ngành trong bối cảnh đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam”. Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí cũng đã khẳng định trong suốt chiều dài lịch sử và phát triển tổ chức Công đoàn Việt Nam, dưới sự chỉ đạo của Ban Cán sự đảng các Bộ, của Tổng LĐLĐVN, các Công đoàn ngành trung ương đã có đóng góp quan trọng xây dựng giai cấp công nhân và công đoàn ngày càng vững mạnh, tập trung tổ chức các hoạt động thiết thực, các phong trào thi đua yêu nước góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế xã hội của các ngành, nâng cao vị thế, vai trò của Công đoàn ngành trung ương trong hệ thống tổ chức Công đoàn Việt Nam cũng như các Công đoàn ngành khu vực và thế giới. 
Đồng thời, đồng chí cũng nêu rõ bên cạnh những cơ hội và những thách thức hoạt động công đoàn trong thời gian tới, các Công đoàn ngành cần phải tiến hành đổi mới mạnh mẽ và toàn diện để khẳng định vai trò, vị thế của khối ngành nghề, trong đó cần tập trung vào một số giải pháp sau: đổi mới về cơ cấu tổ chức của công đoàn ngành và các cấp công đoàn trực thuộc; bảo vệ có hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; đào tạo đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp đủ về số lượng, mạnh về chất lượng và có tính toàn diện trong năng lực cán bộ công đoàn; xây dựng thương hiệu, vị thế của Công đoàn ngành... 
Để các Công đoàn ngành hoạt động thực thực sự hiệu quả trong thời gian tới góp phần vào sự phát triển của Công đoàn Việt Nam, đồng chí đã nêu một số kiến nghị như sau:
Thứ nhất, xem xét xây dựng cơ cấu, mô hình tổ chức của Công đoàn ngành phù hợp với sự phát triển của các ngành và phát huy hết được bản chất hoạt động công đoàn ngành nghề. 
Thứ hai, phân định rõ đối tượng phát triển đoàn viên, trách nhiệm, cơ chế phối hợp giữa các Công đoàn ngành Trung ương với Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố.
Thứ ba, quan tâm đến việc đổi mới, phát triển các công đoàn ngành địa phương phù hợp với xu thế phát triển của các ngành ở địa phương, xây dựng mối quan hệ gắn kết hơn giữa các công đoàn ngành trung ương và các công đoàn ngành địa phương.
Thứ tư, hiện nay các doanh nghiệp trong các ngành có xu hương tổ chức, tham gia các hiệp hội doanh nghiệp theo ngành nghề, do đó trong thời gian tới có thể xem xét thành lập thí điểm các công đoàn ngành hoặc công đoàn cấp trên cơ sở theo mô hình của các hiệp hội, đây sẽ là tiền đề quan trọng để xây dựng quan hệ đối thoại và thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp và cấp ngành trong phạm vi địa phương cũng như trên cả nước.
(Nguồn: congdoan.vn)