banner2019
 
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Mang lại nhiều lợi ích cho đoàn viên, người lao động đó cũng là hạnh phúc lớn nhất của cán bộ Công đoàn
Cập nhật lúc 03:46 ngày 19/07/2019
Đó là chia sẻ của đồng chí Vũ Tiến Dũng, Chủ tịch Công đoàn Công nghiệp Hoá chất Việt Nam, đơn vị trực thuộc Công đoàn Công Thương Việt Nam - một trong 10 người được nhận Giải thưởng Nguyễn Văn Linh lần thứ nhất do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng.
Trưởng thành từ công nhân, có thâm niên công tác hơn 41 năm, với vị trí của người cán bộ công đoàn trong ngành hóa chất, phần đông người lao động trực tiếp làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, đồng chí Vũ Tiến Dũng đã luôn tìm tòi, chỉ đạo xây dựng, củng cố, xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh nhằm chăm lo, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của NLĐ, nâng cao năng suất lao động, đồng hành vì sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp.
Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) có vai trò rất quan trọng tại doanh nghiệp, tuy nhiên nhiều đơn vị khi xây dựng chỉ “sao chép” lại quy định của luật và thường không mang lại nhiều quyền, lợi ích thiết thực cho người lao động. Trước thực trạng trên, năm 2013, đồng chí Vũ Tiến Dũng có sáng kiến và phát động phong trào xây dựng 100% TƯLĐTT có các điều khoản cao hơn luật, có lợi lợi cho NLĐ tại doanh nghiệp, đồng thời, đưa tiêu chí này vào đánh giá, chấm điểm CĐCS vững mạnh hằng năm... Từ khi áp dụng đưa tiêu chí đánh giá chấm điểm công đoàn cơ sở vững mạnh thông qua các điều khoản trong TƯLĐTT có lợi cho người lao động, các đơn vị đều đưa được thêm từ 1 đến 2 điểu khoản có lợi hơn cho người lao động vào thỏa ước lao động tập thể, tiêu biểu như: Chúc thọ cha mẹ trên 80 tuổi nhân dịp tết, hỗ trợ tiền khám chữa bệnh cho người lao động, người lao động đang công tác chẳng may qua đời được trợ cấp 30 triệu đồng; Hỗ trợ tiền gửi trẻ; mua bảo hiểm thân thể, bảo hiểm nhân thọ cho người lao động; các chế độ thăm hỏi như hiếu, hỷ đều trên 1 triệu đồng/1 lần, người lao động đến tuổi nghỉ hưu được nghỉ trước 3 tháng hưởng nguyên lương và được đi tham quan nước ngoài; cho người lao động nghỉ 02 ngày nếu anh, chị em ruột qua đời hoặc khi có đám cưới của con, hỗ trợ tiền khám chữa bệnh... Một số đơn vị làm tốt công tác này là: Công ty CP Phân đạm và hóa chất Hà Bắc, Hóa chất cơ bản Miền Nam, Cao su Miền Nam, Pinaco, Phân bón Bình Điền, Supe Lâm Thao, Hóa chất Việt Trì, Apatít Việt Nam, Thuốc sát trùng Việt Nam, Phân bón Miền Nam, Bột giặt Lix...

 Đồng chí Vũ Tiến Dũng - Chủ tịch CĐ Công nghiệp Hóa chất VN  (đứng thứ 3 từ bên trái sang) thăm CNLĐ tại Cty CP Hóa chất Việt Trì
Bên cạnh đó để chia sẻ với những công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp...đồng chí đã đề xuất mỗi CB, CNLĐ đóng ủng hộ 02 ngày lương. Trong đó 01 ngày để lại cơ sở hỗ trợ CNLĐ trực tiếp tại đơn vị, phần còn lại đóng về quỹ An sinh xã hội Tập đoàn, do Công đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam quản lý, để chia sẻ cho những người lao động khó khăn tại các đơn vị thành viên, lan tỏa tinh thần “lá lành đùm lá rách”. Từ quỹ này, nhiều đoàn viên, NLĐ gặp khó khăn được hỗ trợ kịp thời. Từ năm 2014 đến nay, mỗi năm từ nguồn Quỹ An sinh xã hội đã tặng quà cho 3.500- 4.000 lượt đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn; Tổ chức cho 200-250 đoàn viên, NLĐ có nhiều đóng góp trong các phong trào nhưng sức khỏe yếu đi nghỉ dưỡng; Hỗ trợ xây dựng từ 10 -20 mái ấm công đoàn; Khen thưởng cho 900 con CNLĐ học giỏi các cấp, trao tặng 30-40 xuất học bổng cho con CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn... Tổng số tiền Quỹ An sinh xã hội này chi cho người lao động, hàng năm, từ 6-7 tỷ đồng.
Năm 2018, trước tình hình một số đơn vị còn gặp khó khăn trong SXKD, CĐ Công nghiệp hóa chất VN đã kịp thời có những việc làm cụ thể như để lại toàn bộ kinh phí CĐ để đơn vị có điều kiện tổ chức các phong trào thi đua qua đó tạo điều kiện thúc đẩy DN phát triển; hỗ trợ làm sân bóng đá mini cho NLĐ Công ty CP DAP số 2 Vinachem; kiến nghị với Ban quản lý quỹ ASXH Tập đoàn để lại toàn bộ khoản thu quỹ ASXH cho các đơn vị chủ động chăm lo đến NLĐ tại cơ sở. 
Trước thực tế các phong trào lao động sáng tạo trong công nhân lao động, tuy đã được các cấp Công đoàn quan tâm phát động, nhưng chưa phát huy hết khả năng sáng tạo của CNLĐ nên hiệu quả không cao; phong trào lao động sáng tạo đa số là cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, rất ít công nhân lao đông trực tiếp tham gia, đồng chí Vũ Tiến Dũng đã đề xuất và xây dựng kế hoạch và sáng tạo bộ đề cương tổ chức phong trào phát huy ý tưởng sáng tạo tới tận người lao động. Cụ thể hóa từng nội dung như: xây dựng quy trình tập hợp ý tưởng, quy trình xét ý tưởng thành sáng kiến, đưa sáng kiến vào áp dụng...và đề xuất  tặng Bằng Lao động sáng tạo cấp cơ sở. Từ đó phong trào thi đua tập hợp ý tưởng sáng tạo trong các đơn vị thành viên được các đơn vị duy trì thường xuyên, liên tục, động viên đông đảo người lao động tâm huyết với nghề đề xuất ý tưởng sáng tạo, cùng tập thể tìm tòi hợp tác đưa ý tưởng đơn giản thành những sáng kiến, hợp lý hóa, đề tài có giá trị kinh tế kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh, đảm bảo an toàn lao động. 
Song song với phát động thi đua, nhiều đơn vị đã kịp thời động viên người lao động bằng cách có thư khen đến tất cả các cá nhân có ý tưởng dù là lớn hay nhỏ. Nhiều đơn vị còn thưởng ngay bằng tiền từ 300 đến 500 nghìn đồng cho những người có ý tưởng tốt. Những cá nhân được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng LĐST đơn vị còn thưởng thêm từ 3 triệu đến 5 triệuđ/người. Có đơn vị còn trao danh hiệu LĐST cấp công ty, hoặc tạo điều kiện cho các cá nhân có thành tích được đi du lịch trong và ngoài nước. Tự sự động viên, khích lệ này, trong 5 năm qua (từ 2014 - 2018), cán bộ đoàn viên công đoàn công nhân lao động toàn Tập đoàn đã phát huy được 15.704  ý tưởng trong đó có 9.657 trở thành sáng kiến, với số tiền làm lợi trên 292,843 tỷ đồng. 358 đồng chí được Tổng liên đoàn tặng Bằng lao động sáng tạo. Giai đoạn 2008-2013, có tổng số 11.787 ý tưởng được đăng ký, trong đó 8.448 sáng kiến được áp dụng vào thực tiễn với số tiền làm lợi 138,038 tỷ đồng. Đã có 295 lượt người được Tổng Liên đoàn tặng Bằng lao động sáng tạo...
 “Tôi luôn quan niệm, cán bộ Công đoàn là nghề đặc biệt, phải luôn đồng hành cùng với đoàn viên, với người lao động, gần gũi với cơ sở để nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của người lao động. Giải thưởng Nguyễn Văn Linh là niềm tự hào, thôi thúc tôi phải tiếp tục phấn đấu, suy nghĩ có nhiều sáng kiến để tổ chức nhiều hoạt động mang lại lợi ích cho đoàn viên, người lao động ngành Hóa chất nói riêng và ngành Công Thương nói chung » - đồng chí Vũ Tiến Dũng chia sẻ.
Đặng Lợi