banner2019
 
Thứ sáu, ngày 20 tháng 12 năm 2024
Thứ sáu, ngày 20 tháng 12 năm 2024
Cần xem xét đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu
Cập nhật lúc 08:15 ngày 18/06/2019
Chiều ngày 12-6, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi). Một trong những nội dung được đại biểu (ĐB) quan tâm nhiều nhất, chính là đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu trong dự thảo.
Công nhân trực tiếp sản xuất đều không đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu
Trao đổi bên hành lang QH chiều nay 12-6 về điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, ĐB Trần Thị Diệu Thúy (Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP HCM) bày tỏ không đồng ý với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu như dự thảo luật đã trình.
Theo ĐB Trần Thị Diệu Thúy, trong quá trình tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý của công nhân lao động tại TP HCM, hầu hết các ý kiến từ nhóm công nhân trực tiếp sản xuất đều không đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu và không đồng tình với giải trình của Chính phủ về lý do tăng tuổi hưu của người lao động để tránh tình trạng thiếu hụt lao động do quá trình già hóa dân số trong vòng 20 năm tới.
ĐBQH Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, phát biểu
Đi vào phân tích cụ thể, chủ tịch Liên đoàn Lao động TP HCM cho rằng theo Hiến pháp năm 2013, lao động là quyền của công dân, nghiêm cấm cưỡng bức lao động. Bộ Luật Lao động hiện hành cũng như dự thảo bộ luật đều quy định về người lao động cao tuổi, cụ thể: " Khi có nhu cầu, người sử dụng lao động có thể thoả thuận với người lao động cao tuổi có đủ sức khỏe kéo dài thời hạn hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới ".
Do đó, nếu người sử dụng lao động có nhu cầu và người lao động đảm bảo sức khỏe thì vấn đề làm việc sau khi nghỉ hưu là không trái với quy định, việc già hóa dân số không ảnh hưởng đến quyền làm việc của người lao động nếu họ vẫn đủ sức khỏe và người sử dụng lao động thực sự có nhu cầu.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng giải trình lý do tăng tuổi nghỉ hưu do hiện nay tuổi nghỉ hưu phổ biến trên thế giới là trên 60 tuổi đối với nữ và trên 62 tuổi đối với nam. Tuy nhiên, ĐB Trần Thị Diệu Thúy cho rằng Chính phủ chưa đưa ra được các dẫn chiếu, tương quan về ngành nghề, công việc mà người lao động các nước có độ tuổi nghỉ hưu trên 60 tuổi với nữ và trên 62 tuổi với nam để so sánh với trường hợp người lao động tại Việt Nam.
ĐB Trần Thị Diệu Thúy nhấn mạnh tại Việt Nam, số lượng lao động là công nhân rất lớn, chủ yếu tham gia vào giai đoạn gia công trong chuỗi cung ứng hàng hóa, cụ thể là trong lĩnh vực may mặc, da giày, thủy sản, khai thác khoáng sản… những lĩnh vực này đa phần cần lao động trẻ, có sức khỏe và kỹ năng làm việc. 
"Trong trường hợp tăng tuổi hưu, các lao động này liệu có bảo đảm sức khỏe để tiếp tục thực hiện công việc theo nhu cầu của người sử dụng lao động. Trường hợp không còn đủ sức khỏe, vô tình họ trở thành gánh nặng và có thể gây ra những thiệt hại nhất định cho người sử dụng lao động"- ĐB Trần Thị Diệu Thúy nói. 
Làm thêm giờ phải tăng tiền lương theo lũy tiến
Phát biểu thảo luận tại nghị trường, ĐBQH Trương Thị Bích Hạnh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, khẳng định làm thêm giờ là nhu cầu có thực của cả hai phía, người sử dụng lao động và người lao động trong các doanh nghiệp (DN) thâm dụng lao động như may mặc, giày da... 
"Tiền lương không đủ sống là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng người lao động muốn làm và phải làm thêm giờ để bảo đảm cuộc sống, dành dụm một phần tích lũy khi còn trẻ"- bà nói.
ĐBQH Trương Thị Bích Hạnh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương
Tuy nhiên, vị ĐB đến từ địa phương đang có 1,2 triệu lao động đề xuất quy định thời gian làm việc tối đa không quá 44 giờ/tuần đối với lao động khu vực DN (hiện nay là 48 giờ). Ngoài ra, phải tăng tiền lương làm thêm giờ so với quy định hiện hành. 
Tuy nhiên, ĐB Hạnh băn khoăn khi dự thảo luật quy định việc "tiền lương làm thêm giờ cao hơn quy định pháp luật do hai bên thỏa thuận" là không khả thi đối với lao động phổ thông, khi tiền lương của họ thấp, cần việc làm và tăng thu nhập. 
"Vì vậy đề nghị tăng thời gian làm thêm cùng với việc tăng lũy tiến tiền lương đối với giờ làm việc tăng thêm của người lao động. Quy định này phù hợp, đáp ứng nhu cầu hai bên, ngoài ra còn tránh tình trạng DN sử dụng lao động làm thêm quá nhiều và người lao động cũng không phải vắt kiệt sức lao động để làm thêm cho đủ sống như hiện nay"- ĐB Hạnh bày tỏ. 
Cùng quan điểm, ĐB Trần Thị Diệu Thúy đề xuất lần sửa đổi này nên tính toán giảm số giờ lao động từ 48 giờ/tuần xuống còn 44 giờ/tuần, bởi xu hướng giảm giờ làm đang là xu hướng chung của các nước trên thế giới trên cơ sở phát triển của lực lượng sản xuất, bảo đảm tăng năng suất lao động, phù hợp với điều kiện của DN nhưng duy trì được sức khỏe, khả năng tái tạo sức lao động cũng như có thời gian chăm sóc gia đình và tham gia các hoạt động xã hội của người lao động.
Theo ĐB Trần Thị Diệu Thúy, từ năm 1999, Việt Nam đã thực hiện chế độ làm việc 40 giờ/tuần trong các cơ quan nhà nước. Đến nay, sau 20 năm, điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, nhưng quy định thời giờ làm việc 40 giờ/tuần vẫn chỉ được thực hiện đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.
"Trong nhiều năm, quy định này đã tạo ra khoảng cách và sự phân biệt khá lớn giữa người làm công ăn lương trong khu vực nhà nước và người lao động khu vực ngoài nhà nước, tạo ra sự bất bình đẳng trong lực lượng lao động"- bà Trần Thị Diệu Thúy bày tỏ.
Không đồng ý tăng giờ làm thêm lên 400 giờ
Về việc mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa, ĐBQH Trần Thị Diệu Thúy bày tỏ không đồng ý nới rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ giữa người lao động và người sử dụng lao động đến 400 giờ, và đề xuất ban soạn thảo cũng như các vị đại biểu quan tâm xem xét kỹ với đề xuất của dự thảo luật, bởi các lý do sau:
Việc tăng giờ làm thêm phải tính toán trong mối tương quan với thời giờ làm việc chính thức, bảo đảm tái tạo kịp thời sức lao động cho người lao động. Hiện nay, quy định về thời giờ làm việc chính thức của Việt Nam rất cao (48 giờ/tuần, mức cao nhất trong khuyến nghị về thời giờ làm việc hàng tuần của ILO và là mức cao nhất trên thế giới), trong khi hầu hết các nước đang duy trì 40 giờ hoặc 35 giờ/tuần. Ở Việt Nam, số ngày nghỉ lễ, Tết cũng còn ít so với các nước trong khu vực và thế giới.
Tăng thời gian làm thêm giờ là hạn chế quỹ thời gian để người lao động nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, chăm sóc gia đình, vui chơi, giải trí, tham gia các hoạt động xã hội nâng cao đời sống văn hóa tinh thần và nâng cao trình độ.
Thực tế cho thấy, tăng thời giờ làm thêm tỉ lệ thuận với lợi ích người sử dụng lao động thu được. Trong khi, người lao động làm ngoài giờ tuy có tăng thu nhập nhưng phải đối diện với nhiều chi phí phát sinh (chi phí gửi con nhỏ, chi phí tái tạo sức lao động) và nguy cơ tai nạn lao động, suy giảm sức lao động, bạo hành, quấy rối do phải đi làm vào buổi tối, đặc biệt là với lao động nữ.
Bên cạnh đó, việc nới rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ giữa người lao động và người sử dụng lao động làm thêm tăng lên như trên lại tiếp tục khẳng định việc tạo điều kiện cho các ngành thâm dụng lao động, sử dụng nhân công giá rẻ không đầu tư máy móc công nghệ mới.
Văn Duẩn (nguồn:nld.com.vn)