banner2019
 
Thứ sáu, ngày 20 tháng 12 năm 2024
Thứ sáu, ngày 20 tháng 12 năm 2024
Tiền lương tối thiểu năm 2020 có thể tăng thêm bao nhiêu?
Cập nhật lúc 04:26 ngày 14/06/2019
Theo Điều 91 Bộ luật Lao động hiện hành quy định, căn cứ xác định tiền lương tối thiểu là dựa vào nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, điều kiện kinh tế xã hội, giá cả sức lao động trên thị trường.
Sáng nay 14-6, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ chính thức họp phiên đầu tiên để đưa ra mức tăng lương tối thiểu năm 2020.
Báo cáo “Tiền lương không đủ sống và hệ lụy” của tổ chức Oxfam công bố mới đây cho thấy, một số ngành nghề mức lương chưa đủ đáp ứng nhu cầu sống của người lao động. Đơn cử như trong ngành may, có đến 99% thu nhập người lao động thấp hơn mức lương đủ sống theo tiêu chuẩn của AFW. Đặc biệt, nếu chỉ tính công việc hoàn thành trong giờ làm việc tiêu chuẩn, không tính các khoản phụ cấp, nhiều công nhân may được khảo sát không đủ sống ở mức cơ bản nhất.
Đến năm 2020 tiền lương tối thiểu phải đáp ứng nhu cầu sống tối của người lao động
Qua theo dõi báo cáo của các doanh nghiệp hằng năm, ông Lê Đình Quảng cho rằng, hầu hết doanh nghiệp đều tuân thủ quy định về lương tối thiểu cho người lao động. Những doanh nghiệp không có điều chỉnh do tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn chỉ chiếm số ít, chủ yếu rơi vào một số doanh nghiệp nhỏ hoặc siêu nhỏ. Trong đó, với mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 là 5,3%, đời sống của người lao động đã ngày càng được cải thiện, số công nhân được hưởng lợi từ tăng tiền lương tối thiểu là rất lớn. Đáng chú ý, ở nhóm có lương cao hơn lại có mức tăng thấp hơn trong khi ở nhóm có mức lương thấp lại tăng cao hơn, điều này chứng tỏ mức điều chỉnh ngày càng tiệm cận dần với nhu cầu sống tối thiểu.
Trong khi đó, Nghị quyết số 27/NQ-TW về cải cách chính sách tiền lương đã nêu rõ, đến năm 2020 tiền lương tối thiểu phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Do đó, dự báo về mức tăng lương tối thiểu năm tới, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng, việc thương lượng tiền lương giữa các bên gồm giới chủ và đại diện người lao động năm nay sẽ rất căng thẳng.
Tuy nhiên, trên thực tế, với mức tăng như vậy cũng mới chỉ đáp ứng trên 95% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, đời sống của một bộ phận công nhân hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Dẫn kết quả khảo sát của tổ chức công đoàn trong năm 2018, ông Quảng cho biết, tiền lương cơ bản trung bình (nếu làm đủ giờ) hiện nay của người lao động mới đạt khoảng 4,67 triệu đồng. Trong đó, mức độ hài lòng của người lao động về thu nhập và việc làm của mình chưa đạt đến 40%.
Theo Điều 91 Bộ luật Lao động hiện hành quy định, căn cứ xác định tiền lương tối thiểu là dựa vào nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, điều kiện kinh tế xã hội, giá cả sức lao động trên thị trường. Trong đó, nhu cầu sống tối thiểu là một trong những yếu tố quan trọng nhất để xác định mức lương tối thiểu, hiện nay đang dựa theo các các tiêu chí như: nhu cầu lương thực thực phẩm; nhu cầu phi lương thực thực phẩm và nhu cầu nuôi con.
Tuy nhiên, do không thống nhất về công thức tính chung, nên hàng năm vào mùa thương lượng tiền lương, mỗi cơ quan lại đưa ra một số liệu về nhu cầu sống tối thiểu. Điều này dẫn đến những tranh cãi gay gắt về mức tăng lương tối thiểu. Ông Lê Đình Quảng cho rằng, nếu tiếp tục cách tính toán mức sống tối thiểu cũ thì năm nay sẽ phải tăng ở mức rất cao, ít nhất phải 7% mới đáp ứng được 100% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.
Bên cạnh đó, đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng nhấn mạnh rằng, điều quan trọng hơn cả của việc thương lượng tiền lương năm nay chưa hẳn là ở mức tăng bao nhiêu mà chính là ở cách xác định mức sống tối thiểu của người lao động. Bởi, khi đã thống nhất được một cách tính chung thì mức tăng sẽ tiệm cận và hài hòa được lợi ích cho cả người lao động và khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Để chuẩn bị cho công tác đàm phán, thương lượng tiền lương tối thiểu năm 2020, tổ chức Công đoàn đã tiến hành lấy ý kiến của cả doanh nghiệp và người lao động về tình hình thu nhập, tiền lương và đời sống, để nắm bắt nhu cầu sống tối thiểu của người lao động hiện nay.
Trước đó, năm 2018, để đưa ra mức tăng 5,3% cho lương tối thiểu năm 2019, Hội đồng tiền lương quốc gia đã phải trải qua 3 phiên họp căng thẳng để tìm được tiếng nói chung giữa chủ doanh nghiệp và người lao động.
Theo N.T (nguồn:nld.com.vn)