banner2019
 
Thứ sáu, ngày 20 tháng 12 năm 2024
Thứ sáu, ngày 20 tháng 12 năm 2024
Trả lương cho CC, VC theo vị trí việc làm: Người yếu kém có thể tự đào thải khỏi bộ máy
Cập nhật lúc 10:36 ngày 21/02/2019
Một trong những nội dung tại dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ - Công chức và Luật Viên chức đang được Bộ Nội vụ lấy ý kiến là tới đây công chức, viên chức (CCVC) sẽ được trả lương theo vị trí việc làm. Vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng cần phải làm sớm, thậm chí ngoài vị trí việc làm nên trả lương theo hiệu quả công việc để khuyến khích người tài.
Trả lương theo hiệu quả công việc sẽ khuyến khích được người tài. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn
Tạo cơ chế “mở” về tiền lương
Theo đó, Bộ Nội vụ đề xuất thay đổi các quy định hiện hành về xác định vị trí việc làm, tuyển dụng, đánh giá, phân loại cán bộ, CCVC nhằm thực hiện mục tiêu đổi mới nền công vụ.
Cụ thể về chính sách thu hút, sử dụng, đãi ngộ người có tài năng, Chính phủ sẽ quy định khung cơ chế, chính sách và phân cấp cho bộ, ngành, địa phương căn cứ điều kiện cụ thể quy định chi tiết. Đặc biệt, việc đánh giá, phân loại cán bộ, CCVC sẽ được bổ sung quy định đánh giá định lượng, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương, bảo đảm xuyên suốt, liên tục, đa chiều, dân chủ, khách quan.
Phân loại công chức cũng sẽ không khống chế số lượng ngạch công chức từ cao xuống thấp chỉ có 4 loại (A, B, C, D) như trước đây, mà giao cho Chính phủ quy định cụ thể thứ bậc các ngạch công chức chuyên ngành từ cao xuống thấp để tạo cơ sở thuận lợi cho việc xây dựng hệ thống vị trí việc làm và trả lương theo vị trí việc làm. Dự kiến, luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2020.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, việc trả tiền lương theo vị trí việc làm là rất tốt. Có nhiều người làm sấp mặt nhưng cũng hưởng lương ngang bằng với những người không làm gì, suốt ngày đi chơi. Chính vì vậy, nút thắt ở chỗ, muốn giải phóng động lực làm việc thì phải tạo ra một cơ chế “mở” về tiền lương. Theo chuyên gia kinh tế này, phải tạo áp lực công việc với người lao động bằng một mức lương hấp dẫn và cánh cửa “ra - vào” được mở rộng hơn, biên chế không đồng nghĩa với “tay cầm quyết định đời đời ấm no” mà không cần phải vắt óc nâng cao hiệu quả công việc. “Đến khi nào lương được trả theo vị trí công việc, hiệu quả công việc thì không cần giảm, lúc đó bộ phận yếu kém cũng tự loại mình ra khỏi guồng máy” - bà Lan nhấn mạnh.
Xác định đúng giá trị lao động
“Vị trí việc làm nào, kết quả thực hiện công việc ra sao thì sẽ được hưởng lương theo hiệu quả, trách nhiệm của công việc đó. Việc này nhằm khuyến khích cán bộ, công chức và người lao động phát huy hết khả năng, trí lực của mình trong công việc, loại bỏ tư duy và tuần tự nâng lương theo kiểu “sống lâu lên lão làng”. Nhưng, để đánh giá đúng năng lực thực sự của cán bộ, công chức là điều không hề đơn giản” - Giáo sư, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí đưa ý kiến. Theo ông Trí, để có tiền lương xứng đáng với cống hiến của người cán bộ thì phải có một cơ chế đánh giá thành tích và sự cống hiến một cách khách quan, công khai, minh bạch.
Trong khi đó, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, không thể trả lương theo kiểu “bình quân chủ nghĩa” và “cào bằng” như hiện nay mà phải theo vị trí việc làm. Như vậy mới phản ánh được cái gọi là giá trị lao động bỏ ra tương ứng với đồng lương được hưởng. Theo ông Tiến, nếu xác định vị trí việc làm thật chuẩn thì đó chính là hao phí lao động của người lao động. Mà hao phí lao động bao nhiêu thì sẽ được trả lương bấy nhiêu.
Ông Tiến cho rằng, các nước trên thế giới trả lương theo vị trí việc làm từ hàng trăm năm rồi. Cho nên trả lương như vậy là rất công bằng. Đó là một sự ưu việt. Ví dụ một người bảo vệ ở cơ quan sẽ được trả theo mức lương của bảo vệ. Quan trọng phải xem với vị trí đó người ấy có hoàn thành nhiệm vụ hay không. Một người hoàn thành xứng đáng hưởng đồng lương theo đúng vị trí đó. Còn nếu giao vị trí khác mà họ chỉ làm được 30 - 50% thì phải cân nhắc có nên trả 30 - 50% không. Lương trả theo vị trí việc làm nhưng phải kèm theo hiệu quả và hiệu suất lao động trong từng vị trí đó.
Ngoài trả lương theo vị trí việc làm, cần có các kênh khác nhau để động viên ưu đãi khuyến khích. Ông Tiến nói và đưa ra ví dụ như với bác sĩ mổ nhưng họ là giáo sư hay tiến sĩ thì phải trả lương cao hơn bác sĩ mổ thông thường. Hay phải trả lương theo chức vụ quản lý. Ví dụ lương người quản lý phân xưởng 10 người sẽ khác với quản lý phân xưởng 500 người và khác với người quản lý phân xưởng với dây chuyền công nghệ cao, đặc thù tính chất công việc cao hơn. 
“Cũng với việc làm ấy, một kỹ sư hoàn thành sẽ được khuyến khích khác nếu như lao động đó là một giáo sư. Ngược lại nếu giáo sư không hoàn thành như kỹ sư cử nhân thì phải cân nhắc trong việc trả lương vì trả lương phải công bằng, sòng phẳng, công khai minh bạch thì mới thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế xã hội” - ông Tiến nói.
Cao Nguyên (nguồn: laodong.vn)