banner2019
 
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Nâng cao nhận thức về Bình đẳng giới và phòng chống bạo lực giới trong Ngành Công Thương
Cập nhật lúc 05:22 ngày 16/12/2018
Năm 2018 là năm thứ 3 liên tiếp CĐCTVN triển khai Tháng hành động bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới 15/11 - 15/12 (Tháng hành động) trên phạm vi toàn Ngành để xây dựng môi trường làm việc không bạo lực, thể hiện sự quyết tâm và coi bình đẳng giới, phòng chống bạo lực, xâm hại lao động nữ là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của các cấp công đoàn trong Ngành. 
Ngày từ đầu tháng 11/2018, CĐCTVN đã ban hành hướng dẫn các đơn vị triển khai cụ thể các hoạt động với chủ đề “Bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em”, đẩy mạnh tuyên truyền, treo băng rôn, khẩu hiệu, tổ chức tọa đàm, hội thảo, thi tìm hiểu pháp luật về bình đẳng giới, luật hôn nhân gia đình, trẻ em... 
Cơ quan CĐCTVN hưởng ứng "Nói không với bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái"
Tại Cơ quan CĐCTVN cũng như nhiều cơ sở trong Ngành đã có hưởng ứng Tháng hàng động bằng các hoạt động thiết thực, có ý nghĩa, thông qua việc lồng ghép vào các công tác chuyên môn và hoạt động văn thể tập trung, như tại: Công đoàn VINATABA, Công đoàn VNSTEEL, Công đoàn HABECO, Công đoàn các trường đào tạo đã triển khai nhiều hình thức tuyên truyền, tọa đàm chia sẻ vấn đề về giới và các tổ chức các hoạt động tập thể nhằm xây dựng môi trường làm việc bình đẳng, thân thiện… 
Thông qua kết quả thực hiện công tác Bình đẳng giới với điểm nhấn là Tháng hành động năm nay, CĐCTVN và các đơn vị sẽ xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ triển khai trong năm 2019 với mục tiêu đẩy mạnh sự thu hút, quan tâm, đề cao vai trò, trách nhiệm và sự tham gia đồng bộ, cùng vào cuộc một cách chủ động, mạnh mẽ của mỗi CNVCLĐ, gia đình, đơn vị trong bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em. Vận động CNVCLĐ trong ngành tích cực hành động, thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; qua đó nhằm đánh thức mỗi lao động, đoàn viên suy ngẫm sâu sắc hơn, hành động thiết thực hơn để cùng chung tay xóa bỏ bất bình đẳng giới. Tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, tự phòng ngừa bạo lực, xâm hại cho nữ CNVCLĐ, giảm thiểu tình trạng bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em.
Theo báo cáo tổng kết 2 năm thực hiện kế hoạch hành động về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực với lao động nữ 2016 - 2018, CĐCTVN đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể: nữ tham gia BCHCĐ các cấp đạt 34,7%, 100% cán bộ chủ chốt công đoàn, cán bộ nữ công công đoàn được tập huấn, bồi dưỡng nội dung về bình đẳng giới, không xảy ra vụ bạo lực nào đối với nữ CNVCLĐ… 
Công đoàn HABECO hưởng ứng chương trình
Để nâng cao hiệu quả công tác bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, trong thời gian tới, các cấp công đoàn trong Ngành cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp cơ bản sau: 
Một là: Tiếp tục thực hiện kết luận Nghị quyết 6b/NQ-BCH của TLĐLĐVN về công tác vận động nữ CNVCLĐ và Kế hoạch hành động số 178/KH-CĐCT của CĐCTVN về bình đẳng giới giai đoạn 2016 - 2020. 
Hai là: Đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn kiến thức về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em. Chú trọng đa dạng hóa các hình thức, biện pháp tuyên truyền phù hợp với điều kiện của đơn vị và CNVCLĐ. Xây dựng môi trường làm việc an toàn, lành mạnh, không bạo lực. Tăng cường giám sát việc thực thi pháp luật bảo vệ phụ nữ, trẻ em. Vận động CNVCLĐ trong ngành lên án mạnh mẽ, kịp thời tố giác các hành vi bạo lực phụ nữ và trẻ em.
Ba là: Tham gia ý kiến sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động 2012 về bình đẳng giới (sẽ trình Quốc hội năm 2019) bằng cách tiếp cận phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội, hội nhập khu vực và quốc tế. Đây là cơ hội để bổ sung cơ chế thúc đẩy bình đẳng giới trong tình  hình mới. 
Bốn là: Đẩy mạnh phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ NCVCLĐ nhất là ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước để lao động nữ có cơ hội học hỏi, phát huy khả năng sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, sẵn sàng đối mặt với tác động kép của hội nhập và Cách mạng công nghiệp 4.0.
Năm là: Đại diện người lao động đối thoại, ký thỏa ước lao động với nội dung có lợi hơn cho người lao động nói chung, lao động nữ nói riêng. Nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn pháp luật để công đoàn là địa chỉ tư vấn và hỗ trợ pháp lý tin cậy của nữ CNVCLĐ.
 Lan Phương