banner2019
 
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
CĐCTVN tổ chức Hội nghị tổng kết và tập huấn công tác TƯLĐTT khu vực phía Bắc
Cập nhật lúc 08:03 ngày 27/11/2018
Ngày 24/11/2018, tại Hà Nội, Công đoàn Công Thương Việt Nam (CĐCTVN) phối hợp với Công đoàn Kim khí Phlenđơ Bỉ tổ chức Hội nghị tổng kết và tập huấn công tác thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) khu vực phía Bắc. 
Tham dự Hội nghị, về phía Công đoàn Kim khí Phlenđơ Bỉ, có: Ông Marc Lenders - Tổng Thư ký và ông Frans  Biebaut - Trưởng Ban nghiên cứu và Thương lượng tập thể. Về phía CĐCTVN, có: Chủ tịch Trần Quang Huy, Phó Chủ tịch Quách Văn Ngọc, Lãnh đạo các Ban chuyên đề, cùng trên 240 đại biểu là Lãnh đạo Công đoàn cấp trên cơ sở, Công đoàn cơ sở trực thuộc, Lãnh đạo một số Công đoàn ngành Công Thương địa phương khu vực miền Bắc và miền Trung.
Chủ tịch CĐCTVN Trần Quang Huy phát biểu khai mạc Hội nghị
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Chủ tịch CĐCTVN Trần Quang Huy cho biết, công tác TƯLĐTT là một nhiệm vụ quan trọng của các tổ chức công đoàn, đặc biệt là tại các cơ sở doanh nghiệp. Trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Tổng LĐLĐVN, sự hợp tác với các tổ chức quốc tế, CĐCTVN  đã tổ chức rất nhiều hoạt động đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho các cán bộ công đoàn cơ sở, tiến hành các đàm phán, ký kết, tổ chức thực hiện các TƯLĐTT, góp phần thể hiện vai trò quan trọng của tổ chức công đoàn đại diện chăm lo quyền và lợi hợp pháp, chính đáng cho người lao động.
Chủ tịch Trần Quang Huy nhấn mạnh, TƯLĐTT sẽ giúp cân bằng lợi ích của người sử dụng lao động và NLÐ, đảm bảo doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững. Trong thời gian tới, việc thực hiện các TƯLĐTT càng có ý nghĩa quan trọng hơn đối với các doanh nghiệp, đặc biệt, tại các tổ chức công đoàn trực thuộc CĐCTVN. Trước đây, chủ yếu là các DNNN, đều hướng tới xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định, tới đây, các doanh nghiệp đã, đang và sẽ chuyển đổi hoạt động sang mô hình doanh nghiệp ngoài Nhà nước, tư nhân, FDI... lúc đó, TƯLĐTT thực sự là nơi để tổ chức công đoàn thể hiện rõ nhất vai trò đại diện cho NLÐ trong đàm phán, ký kết, trong việc thực hiện thỏa ước này với chủ lao động.
Bên cạnh đó, Chủ tịch CĐCTVN khẳng định, những quyền lợi cao nhất cho công đoàn viên sẽ được thể hiện trong bản Thỏa ước. Bản Thỏa ước này nếu được ký kết một cách công khai, minh bạch, dân chủ, phản ánh một cách công bằng nhất lợi ích các bên, chắc chắn sẽ giúp doanh nghiệp tránh được các rủi ro khi xảy ra xung đột giữa người chủ sở hữu lao động và người lao động. Chủ tịch Trần Quang Huy cũng mong muốn hội nghị lần này cũng là dịp để các cấp công đoàn thuộc CĐCTVN sẽ cùng đánh giá, tổng kết lại những việc đã làm được và quan trọng hơn là các đơn vị sẽ cùng trao đổi kinh nghiệm, thảo luận, thống nhất phương hướng hoạt động , những nội dung trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới đối với công tác TƯLĐTT.
Đồng chí Quách Văn Ngọc - Phó Chủ tịch CĐCTVN trình bày Báo cáo tổng kết công tác TƯLĐTT tại Hội nghị
Để đánh giá việc thực hiện TƯLĐTT, đồng chí Quách Văn Ngọc - Phó Chủ tịch CĐCTVN trình bày sơ lược Báo cáo tổng kết công tác TƯLĐTT giai đoạn 2013 - 2018. Theo đó, 5 năm qua, CĐCTVN đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền việc thực hiện TƯLĐTT, tập trung triển khai phổ biến, quán triệt đến các cấp công đoàn các bộ Luật, các Nghị định, thông tư và hướng dẫn của Chính phủ và các Bộ, Ban Ngành có liên quan. CĐCTVN đã biên soạn và phát hành những tài liệu tuyên truyền Luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội… tới đoàn viên, CNVCLĐ. Công tác thông tin được đẩy mạnh khi Trang Thông tin điện tử CĐCTVN chính thức vận hành. Trong Công tác tập huấn nâng cao kỹ năng thương lượng, ký kết TƯLĐTT, CĐCTVN đã phối hợp với Tổng LĐLĐVN, Công đoàn cơ sở và các tổ chức quốc tế có quan hệ hợp tác để kết nối, tổ chức các chương trình tập huấn về Kỹ năng đàm phán, thương lượng và ký kết TƯLĐTT. Có thể nói, các lớp tập huấn về TƯLĐTT đã giúp các cấp công đoàn nâng cao chất lượng đối thoại, thương lượng tập thể, xây dựng, ký kết và thực hiện có hiệu quả TƯLĐTT, để TƯLĐTT phát huy tốt chức năng vốn có của nó. 
Phó Chủ tịch CĐCTVN Quách Văn Ngọc cho biết thêm, các bản thỏa ước của các đơn vị trực thuộc CĐCTVN có nhiều nội dung cao hơn với quy định của pháp luật, nâng cao hơn quyền lợi của NLĐ như thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, bảo đảm việc làm, tiền lương, thưởng, cải thiện điều kiện làm việc, một số chế độ đối với lao động nữ, ăn ca, tổ chức thăm quan nghỉ mát, thăm hỏi khi ốm đau, trợ cấp khó khăn đột xuất, hiếu hỷ, mừng sinh nhật, trợ cấp tiền tàu xe khi nghỉ phép, hỗ trợ phương tiện đi lại, mua bảo hiểm thân thể… Việc trang bị kiến thức pháp luật, kỹ năng thương thảo đã giúp cán bộ công đoàn tại các cơ sở tự tin đàm phán với chủ doanh nghiệp, để có thể đưa ra những điều khoản cao hơn luật, có lợi hơn cho NLÐ, đặc biệt là trong nền kinh tế thị trường, TƯLĐTT là cơ sở pháp lý quan trọng bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các bên trong quan hệ lao động, trên cơ sở đó, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, cùng nhau hợp tác vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và cũng là công cụ quan trọng của Công đoàn trong việc đại diện, bảo vệ người lao động. Đồng thời, kỹ năng thương lượng chuyên nghiệp cùng sự ra đời của những bản TƯLĐTT chất lượng đã khẳng định và nâng cao vị thế của Công đoàn trong vai trò đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng của NLĐ. Nhiều doanh nghiệp đã nhận thức rõ tầm quan trọng của TƯLĐTT nên rất chú trọng tới việc thương lượng, có những chính sách hỗ trợ cán bộ Công đoàn thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị. Phó Chủ tịch Công đoàn Ngành cũng đã giới thiệu đến toàn thể đại biểu tham dự Hội nghị thư viện thỏa ước lao động tập thể của CĐCTVN.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện TƯLĐTT tại CĐCTVN cũng còn một số tồn tại, hạn chế như: Chất lượng TƯLĐTT còn thấp, điểm có lợi cho NLĐ về lương, thưởng… chưa cao. Một số đơn vị chưa áp dụng hiệu quả TƯLĐTT trong QHLĐ. Quy trình xây dựng TƯLĐTT thiếu sự tham gia của CĐCS và hướng dẫn của công đoàn cấp trên cơ sở. Không ít người sử dụng lao động và kể cả Ban chấp hành CĐCS chưa nhận thức được tầm quan trọng của TƯLĐTT. Công tác kiểm tra, giám sát, tổng kết công tác TƯLĐTT chưa thường xuyên.
Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế như trên, phát huy những kết quả đạt được, giai đoạn 2018 - 2023, CĐCTVN thống nhất đề ra 10 nhiệm vụ, giải pháp nhằm đạt được chỉ tiêu: Có từ 70% trở lên doanh nghiệp có tổ chức công đoàn ký kết TƯLĐTT, trong đó ít nhất 45% TƯLĐTT được phân loại chất lượng đạt loại B trở lên. Có từ 95% trở lên công ty TNHH MTV do nhà nước làm chủ sở hữu tổ chức thương lượng, ký kết  và thực hiện có hiệu quả TƯLĐTT theo quy định của pháp luật hiện hành. Có từ 60% trở lên Công ty cổ phần, liên doanh tổ chức thương lượng tập thể, xây dựng, ký kết và thực hiện có hiệu quả TƯLĐTT theo quy định của pháp luật hiện hành. Có từ 60% trở lên số bản TƯLĐTT được thương lượng, ký kết đảm bảo chất lượng. Trong mỗi TƯLĐTT, có ít nhất hai điều khoản có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật. 100% cán bộ chuyên trách công đoàn phụ trách về công tác TƯLĐTT được đào tạo về kỹ năng thương lương tập thể. Đến năm 2023, Ngành Công Thương xây dựng được ít nhất 01 luật sư công đoàn chuyên sâu về lĩnh vực pháp luật, công đoàn.
Tại Hội nghị, đồng chí Quách Văn Ngọc cũng đã giới thiệu Đề án Thư viện TƯLĐTT của TLĐLĐVN và Thư viện TƯLĐTT của Ngành Công Thương. Tính đến thời điểm hiện tại, Thư viện TƯLĐTT của Ngành Công Thương đã có xấp xỉ 335 bản Thỏa ước, trong đó Loại A chiếm tỷ lệ 1,5%; Loại B chiếm tỷ lệ 14,6%; Loại C chiếm tỷ lệ 78,8%; Loại D chiếm tỷ lệ 5,07%. Nhìn chung, chất lượng các bản TƯLĐTT đã được nâng cao và nhiều bản TƯLĐTT có nhiều những điểm có lợi cho NLĐ so với quy định của pháp luật. 
Đồng chí Lê Thị Tâm, Phó trưởng Ban Chính sách Pháp luật CĐCTVN trình bày các Kỹ năng đàm phán, ký kết TƯLĐTT
Chiều cùng ngày, Hội nghị đã tiến hành tập huấn công tác Thỏa ước lao động tập thể, sau phần trao đổi về “Nội dung, quy trình, kỹ năng đàm phán, thương lượng tập thể - Kinh nghiệm của CĐCTVN” của đồng chí Lê Thị Tâm, Phó trưởng Ban Chính sách Pháp luật CĐCTVN, ông Marc Lenders - Tổng Thư ký Công đoàn Kim khí Phlenđơ Bỉ (ABVV Metaal) có bài phát biểu báo cáo đề dẫn về công tác thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể Công đoàn Kim phí Plenđơ Bỉ. Tiếp đó, ông Frans Bieabaut - Trưởng Ban nghiên cứu và thương lượng tập thể ABVV Metaal đã chia sẻ về nội dung, quy trình, kỹ năng đàm phán thương lượng tập thể của ABVV Metaal trong công tác thương lượng, ký kết TƯLĐTT.
Ông Marc Lenders - Tổng Thư ký Công đoàn Kim khí Phlenđơ Bỉ báo cáo dẫn đề tại Hội nghị
Ông Frans Bieabaut - Trưởng Ban nghiên cứu và thương lượng tập thể ABVV Metaal trao đổi tại Hội nghị
Sau phần trình bày nội dung tập huấn của các diễn giả, Chủ trì điều hành nội dung thảo luận tại Hội nghị, Chủ tịch Trần Quang Huy đã giải đáp, trao đổi, chia sẻ nhiều ý kiến đóng góp, kiến nghị, đề xuất của các đại biểu liên quan đến: Mô hình tổ chức Công đoàn các cấp trong thời gian tới; Về các tình huống thực tiễn và kỹ năng, kinh nghiệm giải quyết vấn đề khi xảy ra xung đột về lợi ích giữa NSDLĐ và NLĐ; Về cách thức tổ chức tập huấn về TƯLĐTT nên phân theo từng nhóm doanh nghiệp (Vốn Nhà nước chi phối, ngoài Nhà nước, liên doanh…); Về thống kê, phân loại các ưu, nhược điểm của các bản TƯLĐTT giúp cho các cơ sở dễ tiếp cận, tham khảo để áp dụng vào đơn vị mình… 
Một số hình ảnh tiêu biểu tại Hội nghị:
Đoàn chủ tọa điều hành phiên thảo luận tại Hội nghị
Các đại biểu tham luận tại Hội nghị
Tại Hội nghị, Chủ tịch CĐCTVN Trần Quang Huy đã trao tặng Bằng khen của CĐCTVN cho 02 cá nhân và 08 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác TƯLĐTT giai đoạn 2013 - 2018. 
Thùy Linh