banner2019
 
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
“Quan niệm chung của quốc tế” về giải quyết tranh chấp trên biển bằng biện pháp hòa bình
Cập nhật lúc 08:54 ngày 13/03/2018

Đã từ lâu, việc giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia bằng các biện pháp hòa bình là xu hướng tất yếu, được đa số các nước trên thế giới ủng hộ. Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (sau đây gọi tắt là Công ước 1982) đã khẳng định nguyên tắc cơ bản trong giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia thành viên là thông qua các biện pháp hòa bình. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với Hiến chương của Liên hợp quốc. Vậy nội hàm của việc giải quyết này bao gồm những vấn đề gì?
Theo luật pháp, thông lệ và thực tiễn quốc tế, giải quyết các tranh chấp trên biển giữa các quốc gia bằng các biện pháp hòa bình có thể hiểu là: (1). Giải quyết các tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình (song phương hoặc đa phương) trên cơ sở luật pháp và thực tiễn quốc tế, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau nhằm đi tới một giải pháp công bằng cho tất cả các bên; (2). Giải quyết các tranh chấp thông qua trung gian, hòa giải hoặc bằng các cơ chế tài phán quốc tế, như: Tòa án Công lý quốc tế, Tòa án Quốc tế về Luật Biển và các tòa trọng tài khác. Một cách cụ thể hơn, Công ước 1982 còn quy định: bất kỳ một tranh chấp nào giữa các quốc gia thành viên, trước hết, phải được giải quyết thông qua trao đổi quan điểm và hòa giải. Nếu sau một khoảng thời gian hợp lý nhất định mà tranh chấp chưa được giải quyết thì các bên có nghĩa vụ bắt buộc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp tư pháp. Công ước 1982 cho phép các bên có quyền lựa chọn một trong bốn cơ chế, gồm: Tòa án Công lý quốc tế, Tòa án quốc tế về Luật biển, Trọng tài theo phụ lục VII và Trọng tài theo phụ lục VIII. Nếu các bên không lựa chọn một trong số bốn cơ chế nêu trên thì Trọng tài theo phụ lục VII là cơ chế bắt buộc được sử dụng để giải quyết tranh chấp.
Thực tiễn quốc tế cho thấy, nhiều quốc gia trên thế giới (thậm chí cả các quốc gia có quan hệ ngoại giao hết sức thân thiện với nhau) sau một thời gian đàm phán không đạt kết quả đã đưa tranh chấp đó ra giải quyết tại các tòa án quốc tế và nghiêm chỉnh thực hiện, nhưng cũng có trường hợp cá biệt không thừa nhận và chấp hành các phán quyết của tòa. Các vụ điển hình đã được giải quyết tại Tòa án Công lý quốc tế là: phân định vùng đặc quyền kinh tế ở vịnh Mên giữa Mỹ và Ca-na-đa năm 1984; giải quyết tranh chấp chủ quyền các đảo giữa Ma-lai-xi-a và In-đô-nê-xi-a năm 2003, giữa Xin-ga-po và Ma-lai-xi-a năm 2008, v.v. Việc Phi-líp-pin đưa tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài quốc tế được thành lập theo phụ lục VII của Công ước 1982 và được Hội đồng Trọng tài ra phán quyết vào năm 2016 cũng là một biện pháp giải quyết các tranh chấp trên biển bằng biện pháp hòa bình, được cộng đồng quốc tế hoan nghênh và ủng hộ.
Như vậy, cơ chế giải quyết các tranh chấp trên biển giữa các quốc gia bằng biện pháp hòa bình đã, đang là xu thế tất yếu của thời đại, được cộng đồng quốc tế ủng hộ. Đó là cơ sở rất quan trọng để các quốc gia tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước 1982, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải tại các vùng biển và trên toàn thế giới.