banner2019
 
Thứ sáu, ngày 20 tháng 12 năm 2024
Thứ sáu, ngày 20 tháng 12 năm 2024
Điểm tin ngành Công Thương ngày 01/11/2017
Cập nhật lúc 10:41 ngày 01/11/2017
Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý được báo chí quan tâm, phản ánh - thông tin cụ thể như sau:
1. Bộ trưởng Công Thương nói về 12 siêu dự án thua lỗ.
Báo Pháp luật TPHCM thông tin về báo cáo giải trình của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh như sau: “12 dự án này, nội dung rất phức tạp, trải qua nhiều giai đoạn thời kỳ khác nhau, có những vấn đề cả về nguyên nhân chủ quan, khách quan. Để giải quyết tồn đọng của các dự án này, bảo đảm hiệu quả trong quản lý nhà nước, nguồn lực của nhà nước thì phải đánh giá lại hệ thống các vấn đề tồn tại, vướng mắc, nguyên  nhân từ đó đề xuất hướng giải quyết”- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói và cho biết, trong năm 2016-2017, Chính phủ tập trung chỉ đạo các vấn đề về cơ chế, như thành lập các ban chỉ đạo của CP đánh giá tổng thể, toàn diện, kết hợp với kiểm tra cụ thể các dự án để tìm ra nguyên nhân, lý do, tồn tại, bất cập và hướng giải quyết.
Đồng thời, tiếp tục ban hành các hướng dẫn cụ thể để giải quyết đồng bộ về mặt hiệu quả của dự án; giải quyết, xử lý triệt để các sai phạm của tổ chức, cá nhân liên quan; từ bài học kinh nghiệm có những giải pháp để ngăn chặn sự vi phạm mới, phát sinh các dự án mới không có hiệu quả tương tự như vậy.
Bộ Chính trị đã nghe và thống nhất với kiến nghị của Chính phủ là năm 2017 hoàn tất các việc chuẩn bị, năm 2018 tập trung giải quyết về cơ bản các dự án này. Năm 2020  giải quyết triệt để, đồng bộ các dự án.
“Thực tế tiến độ đang được bảo đảm. Có bốn dự án trong lĩnh vực phân bón đã khôi phục hoạt động sản xuất, đang từng bước tiếp cận thị trường, có hoạt động thương mại có hiệu quả để từ đó có giải pháp bán vốn, thu hồi vốn của nhà nước.
Ba dự án khác trong lĩnh vực xăng sinh học đang khởi động, tổ chức lại, năm 2018 sẽ có hoạt động thương mại, tham gia thị trường, là cơ sở để giải quyết triệt để các dự án này.
Các dự án như Giang Thép Thái Nguyên, Thép Việt Trung cũng đang có bước triển khai cụ thể trong việc rút vốn nhà nước, cũng như các giải pháp về công nghệ, giải quyết tồn tại với tổng thầu nước ngoài...”- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay.
Về nội dung này, Vietnamnet, Lao động và các báo khác cũng thông tin: Bộ trưởng Công Thương hứa xử 12 dự án thua lỗ trong 3 năm, cam kết đến năm 2020 sẽ xử lý dứt điểm 12 dự án thua lỗ và sẽ không để dự án thua lỗ mới.
- Bộ trưởng Công Thương: Thành lập Tổng cục Quản lý thị trường để chống buôn lậu tốt hơn. Sáng 1/11, giải trình tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định:"việc cho phép thành lập Tổng cục Quản lý thị trường theo ngạch dọc để thực hiện quản lý chống buôn lậu, gian lận thương mại, Bộ Công Thương sẽ có cơ sở để đấu tranh hơn hiện tại".
2. Mở rộng điều tra, vụ Khaisilk sắp được đưa ra ánh sáng.
Sau Bộ Công Thương và Công an TP.Hà Nội, Cục Thuế Hà Nội cùng Tổng cục Hải quan đã vào cuộc để làm rõ vụ lùm xùm Khaisilk bán lụa Trung Quốc.
Liên quan đến việc Khaisilk bán khăn lụa có cả 2 nhãn mác “Made in Viet Nam” và “Made in China”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có  chỉ đạo các đơn vị của Bộ làm rõ vụ việc. Bộ Công Thương chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra là Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an Thành phố Hà Nội. Mới đây, Tổng cục Hải quan vừa có số liệu thống kê về tình hình nhập khẩu mặt hàng khăn tơ tằm và vải tơ tằm xuất xứ Trung Quốc, giai đoạn từ 2015 đến tháng 9/2017. Đáng chú ý, chỉ trong 9 tháng năm 2017, số lượng nhập khẩu khăn tơ tằm lên tới 4.460 chiếc, song tổng giá trị chỉ đạt gần 5.900 USD, tức bình quân mỗi chiếc có giá chỉ khoảng 30.000 đồng.
Bên cạnh đó, báo chí đưa tin, dự kiến hôm nay 01/11, đoàn kiểm tra liên ngành sẽ có cuộc làm việc trực tiếp tại trụ sở chính của Khaisilk Group ở TP.HCM để điều tra, làm rõ toàn bộ các hoạt động có liên quan đến vụ kinh doanh khăn lụa xuất xứ Trung Quốc núp bóng hàng Việt Nam.
Báo Người lao động đặt câu hỏi: Ông Hoàng Khải có sở hữu Khaisilk về mặt pháp lý? Và thông tin: Trước việc cửa hàng Khaisilk tại 113 Hàng Gai (Hà Nội) được đứng tên bởi một hộ kinh doanh cá thể, dư luận đặt dấu hỏi liệu thương hiệu Khaisilk có "chính chủ" về pháp lý? Đại diện pháp luật Công ty TNHH Khải Đức là ông Hoàng Khải (sinh ngày 1-11-1963), chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên. Ông Hoàng Khải  góp 46,135 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ 99%, còn lại là ông Hoàng Phi Phi góp 365 triệu đồng, chiếm tỉ lệ 1%. Nhãn hiệu "Khaisilk và hình" đã được nộp đơn đăng ký bảo hộ từ tháng 9-2002, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng bảo hộ vào tháng 12-2003, gia hạn 1 lần, sẽ hết hạn bảo hộ vào tháng 9-2022 cho nhóm sản phẩm/dịch vụ số 35. Đây là nhóm mua bán các loại sản phẩm và nguyên liệu dệt may: quần áo, cravat, khăn choàng cổ, giỏ xách vải và vải lụa tơ tằm. Chủ sở hữu là Công ty TNHH Khải Đức. Nhãn hiệu "KHAISILK BOUTIQUE, hình" cũng thuộc nhóm 35 và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng bảo hộ nhưng đến nay đã hết hạn và không được gia hạn tiếp.
3. Xử lý hàng loạt "sếp" lớn doanh nghiệp nhà nước: Nhiều người bị "phê bình nghiêm khắc". 
Dân trí đưa tin, Chính phủ vừa có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về việc xử lý vi phạm của các cá nhân, tập thể các dự án, doanh nghiệp nhà nước thua lỗ. Danh sách này chủ yếu gồm lãnh đạo các tập đoàn kinh tế nhà nước lớn và hình thức xử lý chủ yếu là: Cách chức, phê bình nghiêm khắc...
Trong số các tập thể bị xử lý vi phạm do để doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả, các dự án lớn có nguy cơ thua lỗ chủ yếu là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Hóa chất (Vinachem), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex)...và người ký tờ trình, theo thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ là Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh
Theo báo cáo trên, với các tổ chức, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ đề nghị Hội đồng thành viên của PVN, Hội đồng quản trị Vinatex phải chịu trách nhiệm với những khuyết điểm, sai phạm liên quan đến các dự án và bị đề xuất hình thức kỷ luật là "phê bình nghiêm khắc".
4. Bộ trưởng Công Thương nói gì về tình trạng buôn lậu tinh vi mà đại biểu nêu?
Phát biểu giải trình tại phiên thảo luận Quốc hội sáng nay (1/11), người đứng đầu ngành Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận, trên thực tế, không chỉ có thuốc lá mà nhiều mặt hàng khác hiện đang là điểm nóng buôn lậu, cùng với đó là một loạt địa phương cũng là điểm nóng.
Bộ trưởng nhắc lại phản ánh của đại biểu Nguyễn Sỹ Cương khi đi thực tế điểm nóng buôn lậu thuốc lá mà không thấy sự xuất hiện của cơ quan chức năng và thừa nhận: "Có nhiều thời gian không có bóng của lực lượng chuyên ngành là thực tế".
"Hiệu quả đấu tranh của lực lượng liên ngành còn yếu, có sự đứt khúc trong phối hợp khi quản lý thị trường hoạt động tại địa phương nên sự phối hợp liên ngành, liên địa phương chưa cao. Chất lượng chuyên môn, phẩm chất của lực lượng chuyên ngành, quản lý thị trường là yếu kém tồn tại qua nhiều giai đoạn", ông nói. 
LH (Nguồn VP Bộ CT)