banner2019
 
Thứ sáu, ngày 20 tháng 12 năm 2024
Thứ sáu, ngày 20 tháng 12 năm 2024
Điểm tin ngành Công Thương ngày 26/10/2017
Cập nhật lúc 06:11 ngày 27/10/2017
Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý được báo chí quan tâm, phản ánh - thông tin cụ thể như sau:
1. Các doanh nghiệp chế biến xăng giả A92: Vẫn “sống khỏe” dù đã bị phát hiện.
Trong lúc chờ kết quả thử nghiệm và thời gian chưa bị phát hiện thì vẫn có thể có xăng giả bị tẩu tán, bán ra thị trường nên nhiều doanh nghiệp chế biến xăng giả vẫn “sống khỏe”. Chiều qua (25/10), trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Mạnh Hà Chánh thanh tra sở KH&CN tỉnh Nghệ An đã xác nhận về vấn đề này.
Cụ thể: Vào ngày 10/10/2017, Thanh tra sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Nghệ An phối hợp với Công an tỉnh Nghệ An đã bắt quả tang 2 doanh nghiệp: Thanh Ngũ (ở xóm Ngọc Tân, xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu) và Kiên Lục (ở xóm 8, xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu) làm giả xăng A92. 
Qua đấu tranh, chủ 2 doanh nghiệp trên khai, từ tháng 8/2017 đến nay đã mua hàng trăm ngàn lít chất dung môi từ Cần Thơ để pha với xăng A92 thành xăng kém chất lượng. Sau đó đã xuất bán cho 10 đại lý kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Nghệ An hơn 2 triệu lít xăng A92 giả.
Qua buổi làm việc với Thanh tra sở KH&CN tỉnh Nghệ An đại diện công ty Thanh Ngũ và Kiên Lục thừa nhận đã chế biến xăng giả.
2. Hóa đơn điện tử tạo cú hích lớn.
Hóa đơn điện tử được xem là sẽ tạo 'cú hích' lớn trong cải cách hành chính thuế, giúp DN cải thiện môi trường kinh doanh và lành mạnh hóa nền tài chính. Nhưng nếu nhìn một cách tổng thể, việc chuyển đổi này chưa đạt được kết quả như mong đợi bởi vẫn có không ít DN 'ngại' minh bạch tìm cách chậm triển khai... Do đó, để hóa đơn điện tử nhanh chóng đi vào cuộc sống cần có giải pháp.
Theo ước tính sơ bộ của Tổng cục Thuế, DN sử dụng hóa đơn giấy trung bình phải bỏ chi phí trên 1.000 đồng/hóa đơn và với số lượng 2,5 tỷ hóa đơn/năm thì chi phí mỗi năm bỏ ra lên đến 2.500 tỷ đồng. Trong khi đó, nếu sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT), số tiền mà DN có thể tiết kiệm được tới trên 1.000 tỷ đồng/năm.
3. Bán lẻ nội và hướng đi khôn khéo.
Tiềm năng thị trường bán lẻ Việt Nam rất lớn và đây chính là lý do khiến các nhà bán lẻ ngoại đã và đang “nhòm ngó” thị trường này nhiều năm nay. Chúng ta cần làm gì trong cuộc đua này?  
Thời gian qua, dư luận đã chứng kiến cuộc cạnh tranh khốc liệt tại thị trường bán lẻ Việt Nam. Chỉ trong vòng hai năm 2015 và 2016, thị trường bán lẻ Việt Nam đã chứng kiến sự thâm nhập của hàng loạt các đại gia bán lẻ ngoại.
Trong đó phải kể đến sự xuất hiện đình đám của đại gia bán lẻ đến từ Thái Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc với các hệ thống siêu thị lớn Lotte Mart, Aeon Mall… Việc có nhiều tập đoàn bán lẻ lớn của nước ngoài xâm nhập vào thị trường trong nước và nắm bắt, thâu tóm các doanh nghiệp (DN) bán lẻ nội khiến người ta lo ngại về một tương lai không xa của ngành bán lẻ nước nhà.
Mặc dù chứng kiến sự xâm nhập của làn sóng ngoại nhập khá ồ ạt trong hai năm 2015, 2016, tuy nhiên, giới chuyên gia kinh tế cũng nhận định, việc nắm bắt được thói quen, tâm lý của người tiêu dùng vẫn luôn là lợi thế của các DN bán lẻ nội. Bởi vậy, mỗi DN bán lẻ nội cần tự tìm cho mình một hướng đi an toàn, như việc tránh đối đầu và hướng tới các thị trường mà các đối thủ ngoại chưa có kế hoạch thâm nhập, như địa bàn nông thôn và vùng sâu, vùng xa, để tận dụng tối đa lợi thế nắm vững văn hóa tập quán, vùng miền. 
LH (Nguồn VP Bộ CT)