banner2019
 
Thứ sáu, ngày 20 tháng 12 năm 2024
Thứ sáu, ngày 20 tháng 12 năm 2024
Điểm tin ngành Công Thương ngày 16/10/2017
Cập nhật lúc 08:08 ngày 16/10/2017
Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý được báo chí quan tâm, phản ánh - thông tin cụ thể như sau:
1. Xóa bỏ điều kiện kinh doanh: Nỗi lo thiếu đồng bộ khi chuyển sang hậu kiểm.
Bộ Công Thương sẽ còn tiếp tục rà soát, xem xét cắt giảm các điều kiện kinh doanh (ĐKKD) thêm nữa. Tuy nhiên, các chuyên gia tỏ ra lo ngại về tính đồng bộ bởi có sự liên quan giữa các ĐKKD bị đề xuất cắt giảm với các văn bản quy pham pháp luật khác. 
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, việc chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm đang có nhiều băn khoăn nhưng có thể thực hiện được nếu tăng vai trò cũng như trách nhiệm của cấp cơ sở trên cơ sở công khai, minh bạch cùng với công cụ giám sát.
“Chúng ta không chỉ thay đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm mà là thay đổi tư duy quản lý. Nếu không thống nhất từ trên xuống dưới thì nguy cơ ‘trên cởi dưới nghẽn’ – mở cổng nhưng không trổ cửa là có thể thấy nhãn tiền”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
2. TKV chê Bộ Kế hoạch và Đầu tư "chưa thấu đáo" khi muốn dừng mỏ sắt Thạch Khê.
Liên quan tới dự án mỏ sắt Thạch Khê, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) từng có văn bản gửi lên Thủ tướng Chính phủ cho rằng, văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nội dung đề xuất dừng dự án là “chưa thấu đáo, chưa khách quan, không phản ánh đầy đủ và đúng với kết quả chủ đầu tư thực hiện”.
Theo TKV, các nội dung kết luận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư không thể hiện đúng với kết quả rà soát tại các phụ lục kèm theo chính báo cáo của Bộ, chưa phản ánh đúng các nội dung tại 2 cuộc họp trong tháng 4 và 5 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, theo đó các bộ - ngành và các nhà khoa học ủng hộ tiếp tục triển khai dự án, riêng tỉnh Hà Tĩnh không ủng hộ.
TKV cũng cho biết, tại cuộc kiểm tra thực địa khu mỏ này, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nêu “khu mỏ nằm trong khu vực gần biển, không có dân cư, xa trung tâm thành phố, thường xuyên chịu tác động bởi sét đánh, không có tiềm năng phát triển du lịch, trồng cây công - nông nghiệp do đất đai khô cằn… chỉ phù hợp với việc đầu tư khai thác mỏ. Tại sao không triển khai dựa án để đem lại lợi ích quốc gia”.
3. Tạm dừng thị trường phát điện cạnh tranh.
Thị trường phát điện cạnh tranh tạm dừng từ ngày 1/10/2017 đến khi có quyết định khôi phục của Bộ Công Thương.
Bộ Công Thương mới có Quyết định về việc tạm dừng thị trường phát điện cạnh tranh từ ngày 1/10/2017, đến khi có quyết định khôi phục vận hành thị trường điện của Bộ Công Thương.
Báo Tuổi trẻ nhấn mạnh: Bộ Công Thương bất ngờ tạm dừng thị trường phát điện cạnh tranh cùng lúc huy động các nhà máy điện khí tham gia nhằm đảm bảo không bị lỗ. Giá điện đang rục rịch "điều chỉnh".
Nhiều ý kiến băn khoăn liệu đây có phải là quyết định thiếu tính thị trường và có lợi cho các nhà máy điện khí khi được ưu tiên giá cao vào thị trường.
4. Vụ taxi truyền thống “công kích” Uber, Grab: Bộ Công Thương lên tiếng.
Những ngày vừa qua, dư luận dậy sóng vì những hình ảnh xe taxi của hãng Vinasun dán dòng chữ với nội dung: "Yêu cầu Uber và Grab phải tuân thủ pháp luật Việt Nam" và “Đề nghị dừng thí điểm Grab và Uber vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh”.
Việc công khai công kích đối thủ này của Vinasun nhận nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu rằng Uber, Grab vi phạm Luật cạnh tranh hay chính hành động này của Vinasun vi phạm Luật cạnh tranh.
Về việc này, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ đã chỉ đạo Cục Quản lý Cạnh tranh nghiên cứu, xem xét và sẽ sớm có báo cáo.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Hải cũng cho biết, Luật Cạnh tranh cấm doanh nghiệp gièm pha doanh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.
LH (Nguồn VP Bộ CT)