banner2019
 
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Công đoàn Công Thương Việt Nam: Quan tâm công tác bình đẳng giới
Cập nhật lúc 09:23 ngày 18/09/2017
Từ khi thành lập đến nay, lãnh đạo Công đoàn Công Thương Việt Nam (CĐCT) luôn đặc biệt quan tâm thực hiện tốt công tác phụ nữ, bình đẳng giới, tạo nền tảng tốt cho công tác này ở những năm tiếp theo. 
Tổ chức công đoàn bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của lao động nữ
CĐCT được thành lập năm 2007 trên cơ sở sáp nhập Công đoàn Công nghiệp Việt Nam và Công đoàn Thương mại du lịch Việt Nam. Hiện, CĐCT trực tiếp quản lý và chỉ đạo 16 công đoàn cấp trên cơ sở và 145 công đoàn cơ sở trực thuộc là các công ty, cục, viện, trường trực thuộc Bộ Công Thương. Số lượng cán bộ, công nhân viên chức, lao động toàn ngành là 174.976 người, trong đó có 52.381 nữ, chiếm tỷ lệ 29.94%; tổng số đoàn viên 160.658 người, trong đó đoàn viên nữ 50.234 người, chiếm tỷ lệ 33,28%. 
10 năm qua, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành CĐCT thường xuyên quan tâm, chỉ đạo và coi công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Công đoàn ngành đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, tạo điều kiện thuận lợi để mỗi nữ cán bộ đoàn viên, người lao động góp phần xây dựng đất nước, ngành Công Thương ngày càng phát triển vững mạnh. Theo đó, các cấp công đoàn chú trọng thành lập và củng cố kiện toàn Ban Nữ công quần chúng, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ... Các thành viên được tập huấn kiến thức về giới, Luật Bình đẳng giới và được nâng cao về kỹ năng nghiệp vụ. Những đơn vị có số lao động nữ ít thì phân công đại diện lãnh đạo chuyên môn và cán bộ công đoàn đảm nhiệm công tác này. 
Công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới thời gian qua đã nhận được sự quan tâm của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp. Đã có nhiều hoạt động thiết thực về quyền bình đẳng của phụ nữ trong toàn ngành, thể hiện qua việc ban hành các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch hành động. Đơn cử, Công đoàn ngành đã tổ chức 11 lớp tập huấn, nghe nói chuyện chuyên đề cho cán bộ làm công tác nữ công, tuyên truyền về giới, Luật Bình đẳng giới, Luật hôn nhân - gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Lao động cho hơn 1.270 lượt cán bộ nữ…; xây dựng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể có nội dung lao động nữ được hưởng quyền lợi cao hơn quy định của pháp luật, coi đây là một trong những biện pháp quan trọng để thực hiện vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của lao động nữ.
Tuy nhiên, để công tác phụ nữ trong thời kỳ đổi mới ngày càng phát huy, CĐCT xác định phải tăng cường chỉ đạo tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, thực hiện nội dung các luật liên quan đến công nhân viên chức, lao động hơn nữa. Thực hiện tốt các chính sách liên quan đến giới, tạo điều kiện cho sự phát triển của phụ nữ như: Công tác quy hoạch và bố trí, sử dụng cán bộ nữ nhằm nâng cao tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ trong các cấp ủy Đảng, chính quyền, công đoàn, xóa bỏ khoảng cách về giới trong mọi lĩnh vực. Tạo điều kiện cho cán bộ nữ được tham gia đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu đặt ra. Tiếp tục kiện toàn, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Nữ công công đoàn các cấp; kịp thời giải quyết những đề xuất, kiến nghị liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nữ công nhân viên chức, lao động.
Theo Kế hoạch số 43/KH-CĐCT của CĐCT về tổ chức đại hội công đoàn các cấp, phấn đấu tỷ lệ nữ tham gia ban chấp hành đạt khoảng 30%, phấn đấu nhiệm kỳ 2018 - 2023, có cán bộ chủ chốt công đoàn cấp ngành và cấp trên cơ sở là nữ.
Hà Thu