banner2019
 
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Điểm tin ngành Công Thương ngày 25/8/2017
Cập nhật lúc 02:34 ngày 25/08/2017
Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý được báo chí quan tâm, phản ánh - thông tin cụ thể như sau:
1. Chuyên gia: xây 14 nhà máy nhiệt điện ở ĐBSCL là quá nhiều.
Thời báo Kinh tế Sài gòn phản ánh nội dung bài viết thông qua các ý kiến của chuyên gia tại hội thảo nằm trong khuôn khổ “Tuần lễ năng lượng tái tạo Việt Nam 2017” được tổ chức tại Cần Thơ ngày 24/8, PGS-TS Nguyễn Minh Duệ, Chủ tịch hội đồng khoa học năng lượng thuộc Hiệp hội năng lượng Việt Nam (VEA) nói rằng, số lượng 14 nhà máy nhiệt điện đã và sẽ được đầu tư ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là quá nhiều.
Theo ông Duệ, các nhà máy nhiệt điện ở ĐBSCL có công suất rất lớn, cái nhỏ nhất là 600 MW và lớn nhất là 2.000 MW, tức gần bằng công suất nhà máy thủy điện Sông Đà (2.400 MW). “Tính tổng cộng lại thì thấy 14 nhà máy nhiệt điện ở ĐBSCL có công suất gần 20.000 MW. Theo ý kiến cá nhân tôi, đây là một kịch bản rất không bền vững”, ông nói.
Giải thích cho nhận định này ông Duệ nói nguồn than trong nước đang ngày càng cạn kiệt và các nhà máy nhiệt điện sẽ phải phụ thuộc vào nguồn than nhập khẩu, trong khi hiện nay các hợp đồng về nhập khẩu than chưa có bên cạnh những hạn chế trong vấn đề hạ tầng cảng tiếp nhận than. Ông Duệ chỉ ra một thách thức khác cũng rất lớn. Đó là vấn đề ô nhiễm môi trường do các nhà máy nhiệt điện gây ra.
Báo Thanh niên cũng nhấn mạnh: Cần tiếp tục điều chỉnh Quy hoạch điện 7- Đây là ý kiến của hầu hết đại biểu tham gia Hội thảo nêu trên.
2. “Quyết đấu” xe Thái, Indonesia, Bộ Tài chính xin bỏ thuế nhập linh kiện.
Dân trí  đưa tin, từ năm 2018, để đối phó với làn sóng nhập "xe không thuế" ồ ạt từ Thái Lan, Indonesia và một số nước ASEAN vào Việt Nam do thuế nhập về 0%, Bộ Tài chính vừa đề xuất Thủ tướng, Chính phủ phương án bỏ và giảm thuế nhập khẩu đối với các linh kiện ô tô nhập khẩu.
Theo Bộ Tài chính, trong các Hiệp định tự do song và đa phương (FTAs), cụ thể là Hiệp định ATIGA giữa các nước ASEAN, Việt Nam cam kết giảm thuế nhập khẩu đối với hầu hết linh kiện ô tô xuống 0% vào năm 2018. Các Hiệp định FTA khác vẫn duy trì mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với một số dòng linh kiện, phụ tùng từ 24% đến 77%. 
Cụ thể, bỏ thuế nhập khẩu đối với linh kiện ô tô nhập khẩu trong 05 năm từ năm 2018-2022, Bộ Tài chính đề xuất với Chính phủ 2 phương án giảm thuế. 
Cùng nội dung trên, đáng chú ý bài viết đăng trên Thời báo Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh: việc thực hiện hai phương án đều có khả năng vi phạm các cam kết WTO. Theo đó, có ý kiến lo ngại sẽ có khả năng bị các nước thành viên WTO khiếu kiện hoặc gặp phản ứng từ các doanh nghiệp hoặc đại sứ quán của các nước không được hưởng lợi từ các chính sách này.
Tuy nhiên, trong WTO cũng có ngoại lệ nếu việc ưu đãi thuế nêu trên là vì mục đích môi trường vì vậy, với quy định về điều kiện về tiêu chuẩn tiêu hao năng lượng và tiêu chuẩn phát thải khí thải của mẫu xe cam kết và mục tiêu của chương trình ưu đãi thuế chỉ cho xe tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện môi trường thì sẽ giảm khả năng vi phạm cam kết WTO tương tự như chương trình ưu đãi thuế 5 năm của Indonesia vừa thực hiện năm 2013.
Bộ Tài chính cũng cho rằng 2 phương án giảm thuế chưa thật sự phù hợp với Quyết định 229 của Chính phủ, trong đó quy định duy trì mức thuế nhập khẩu ở mức trần cam kết thuế quan đối với các loại phụ tùng, linh kiện động cơ, hộp số, cụm truyền động, các loại phụ tùng, linh kiện sản xuất trong nước đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và số lượng.
3. Thương vụ mua đất 100 tỷ của trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM (HUFI): Bộ Công Thương kết luận sai phạm hàng loạt.
Nhà báo và Công luận đưa tin, liên quan đến những dấu hiệu sai phạm trong thương vụ mua đất trên 100 tỷ của trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM (HUFI), mới đây Bộ Công Thương đã có kết luận, chỉ ra hàng loạt sai phạm, như: Thực hiện hợp đồng khi chưa được cơ quan chủ quản phê duyệt Dự án đầu tư và phê duyệt chủ trương mua 16.182m2 đất; Nhận chuyển nhượng đất khi chưa lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng…
Nhà báo và Công luận phản ánh khá gay gắt, Bộ Công Thương đang bỏ ngỏ vấn đề này và xử lý trách nhiệm kiểu… “qua loa”? 
4. “Nắm đấm thép” với thuốc lá nhập lậu
Đó là nhận định của Báo Pháp luật về vấn đề thuốc lá lậu gây nhức nhối dư luận thời gian qua. Mặc dù các lực lượng chức năng quyết liệt xử lý nhưng vì lợi nhuận khổng lồ, các đối tượng buôn lậu bằng nhiều thủ đoạn vẫn tìm mọi cách đưa thuốc lá nhập lậu vào tiêu thụ sâu trong thị trường nội địa đặc biệt là từ thời điểm này tới dịp tết Nguyên đán.
Một số ý kiến cho rằng, từ nay tới cuối năm là “thời điểm vàng” cho buôn lậu thuốc lá, bởi hiện nay các văn bản pháp lý xử lý thuốc lá nhập lậu có tính răn đe đều có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Cụ thể, Bộ luật Hình sự sửa đổi điều 190, 191 theo hướng thuốc lá lậu là hàng cấm, truy cứu trách nhiệm hình sự và phát tù tới 15 năm có hiệu lực từ 1/8/2018; Tòa án nhân dân tối cao vừa ban hành Công văn 154/TANDTC-PC về hướng dẫn xử lý hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu trong nội địa.
Nhiều ý kiến lo ngại, trong khoảng thời gian từ nay tới cuối năm 2017 lợi dụng kẽ hở của một số văn bản pháp lý có thể sẽ tạo cơ hội để các đối tượng buôn lậu thuốc lá tăng cường hoạt động...
Tăng cường công tác chống buôn lậu từ nay tới cối năm, Bộ Công Thương cũng đã hành Chỉ thị số 7127 về tăng cường công tác chống buôn lậu thuốc lá điếu, mặt hàng đường nhập lậu. Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. 
5. Cuộc chiến gạo và ‘thách thức 109’ của Việt Nam
Báo Chính phủ 25/8 phản ánh : Cứ thấy cách Campuchia táo bạo vác bao gạo tặng cho Hoa hậu ngày đăng quang, cách Thủ tướng Thái nhìn đăm đăm rồi hỏi thật kỹ về gạo Việt, và cả những chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về sửa đổi điều kiện xuất khẩu gạo, mới thấy cuộc chiến gạo nóng lắm rồi.
Nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo còn nhiều trở ngại khiến các doanh nghiệp chưa thể tự mình xuất khẩu gạo được. Thủ tướng cũng yêu cầu không nên trao cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhiều quyền không nên có để đảm bảo kinh tế thị trường.
Bộ Công Thương không thể không lưu ý đến sức nóng của tình hình khi cục diện cạnh tranh với các đối tác cùng trong ASEAN đang càng lúc càng trực tiếp và căng thẳng, quyết liệt hơn. Thực sự mỗi ngày họ vẫn chạy đua khốc liệt nâng chất lượng, giành phần trên thị trường gạo thế giới. Sửa đổi Nghị định 109 - trễ thêm một ngày là mất đi bao cơ hội của doanh nghiệp, của nông dân, nhất là của cả nền kinh tế đang gặp không ít khó khăn hiện nay.
LH (Nguồn VP Bộ CT)