banner2019
 
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Ô nhiễm môi trường, hiểm họa của con người
Cập nhật lúc 10:20 ngày 29/06/2017
Vấn đề ô nhiễm môi trường đang là chủ đề nóng hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng và nhận được rất nhiều sự quan tâm của mọi người.
Thông qua phương tiện truyền thông, hàng ngày chúng ta thấy những hình ảnh, bài viết, đoạn phim phản ảnh thực trạng về môi trường hiện nay, nhưng hình như vẫn chưa thực sự tác động mạnh mẽ đến cộng đồng xã hội. Ở Việt Nam, thời gian qua nhiều sự cố về môi trường, về thời tiết ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, kinh tế, xã hội nhiều vùng, miền trong cả nước, cả khu vực. Chỉ tính riêng năm 2016 có trên 50 vụ xả thải gây ô nhiễm nghiêm trọng, hàng trăm vụ việc bị xử lý, số tiền phạt vi phạm môi trường lên đến hàng chục tỷ đồng. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết có đến 80% khu Công nghiệp Việt Nam đang vi phạm quy định về môi trường. Không ít doanh nghiệp FDI mang công nghệ cấm sử dụng ở nước họ sang Việt Nam, nơi có tiêu chuẩn môi trường thấp hơn để tiếp tục sản xuất, tận dụng chi phí đầu tư môi trường, các loại thuế, phí môi trường thấp và sự quản lý lỏng lẻo nhằm gia tăng lợi nhuận mà không chú ý đến tác hại gây ra với môi trường Việt Nam. Mỗi năm, Việt Nam thiệt hại do ô nhiễm môi trường tương đương 5% GDP (Trung Quốc là 10%), và có thể ô nhiễm theo đà tăng như hiện nay Việt Nam có thể vượt Trung Quốc về ô nhiễm.
Nguyên nhân đầu tiên gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay phải kể đến là chính là sự thiếu ý thức nghiêm trọng và thờ ơ của người dân. Tình trạng xả thải bừa bãi đã thành "thói quen" của nhiều người. Có người cho rằng những việc mình làm quá nhỏ, không đủ để làm hại môi trường, có người lại cho rằng việc bảo vệ môi trường là trách nhiệm của nhà nước, của các cấp chính quyền, số khác lại nghĩ rằng môi trường đã bị ô nhiễm thì có làm gì cũng vô ích và ô nhiễm môi trường cũng không ảnh hưởng đến mình nhiều. Chính những suy nghĩ như vậy ảnh hưởng đến việc giáo dục cũng như tư duy bảo vệ môi trường cho các thế hệ. Quan sát hàng ngày chúng ta thường gặp cảnh vứt rác tùy tiện, dùng điện, nước lãng phí ở nhiều nơi, nhất là ở những nơi công cộng. Việc xả thải, lãng phí tài nguyên, phá hoại môi trường của một người là nhỏ nhưng nếu gộp nhiều người lại thì rất lớn. Để vứt bỏ một túi nilon chỉ tốn 1 giây, nhưng nếu để nó tự phân hủy thì phải mất từ 500 năm đến 1.000 năm. Nếu đốt sẽ gây ô nhiễm môi trường, nguy hại đến sức khỏe con người và động vật. Theo các nhà khoa học về môi trường, trên thế giới, cứ mỗi phút có 1.000.000 chiếc túi ni lông được sử dụng. Mỗi năm người Mỹ sử dụng 100 tỷ túi nilon, sản phẩm nhựa, mỗi người Việt Nam sử dụng ít nhất 30 - 35 kg các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa. Nếu năm 2000, một ngày, Việt Nam xả khoảng 800 tấn rác nhựa ra môi trường, đến nay con số đó là 2.500 tấn /ngày và có thể còn hơn. Để phân hủy toàn bộ số lượng nhựa, túi nilon khổng lồ này cần phải qua nhiều thế kỷ nếu chôn dưới lòng đất. 
Nguyên nhân thứ hai gây ra ô nhiễm môi trường chính là sự thiếu trách nhiệm của các doanh nghiệp, sự quan liêu, thiếu chặt chẽ của cơ quan quản lý bảo vệ môi trường. Do đặt nặng mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, phần lớn các doanh nghiệp đã vi phạm quy trình khai thác, xử lý phát thải góp phần gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hầu hết nước thải ở các cơ sở sản xuất bị nhiễm dầu mỡ, hóa chất tẩy rửa, hóa phẩm nhuộm,... chưa được xử lý đều đổ thẳng ra các sông, hồ gây nhiễm độc nguồn nước tự nhiên. Một số trường hợp được dư luận quan tâm như trường hợp sông Thị Vải bị ô nhiễm bởi hóa chất thải ra từ nhà máy của công ty bột ngọt Vedan suốt 14 năm liền, gần đây là ô nhiễm dọc biển miền Trung do tập đoàn Formosa xả thải gây hậu quả nghiêm trọng cho đời sống, việc làm không chỉ cho người dân 4 tỉnh miền Trung mà ảnh hưởng đến kinh tế xã hội đất nước, ảnh hưởng lâu dài đến sinh học biển Việt Nam. Theo ước tính, trong tổng số gần 200 khu công nghiệp cả nước có trên 60% khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, khí thải từ các cơ sở sản xuất không được kiểm soát vẫn hàng ngày xả thải ảnh hưởng đến môi trường sống, tác động xấu đến sức khỏe con người.
Quá trình đô thị hóa cùng với các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội chưa được quản lý và kiểm soát tốt gây ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng môi trường không khí. Các nguồn thải hiện nay đang có xu hướng gia tăng cả về số lượng và quy mô. Tại các đô thị, chỉ có khoảng 60% - 70% chất thải rắn được thu gom. Cơ sở hạ tầng thoát nước và xử lý nước thải, chất thải chưa đáp ứng được các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Tác nhân chủ yếu gây ô nhiễm không khí là khí thải từ các phương tiện cơ giới và hoạt động sản xuất công nghiệp. Hiện tại khí thải từ các phương tiện giao thông cơ giới chiếm 70% tác nhân gây ô nhiễm không khí tại Việt Nam. Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông đến hết năm 2015, cả nước có 49 triệu xe cơ giới được đăng ký (xe máy chiếm 95% khoảng 46,5 triệu chiếc), riêng Hà Nội có hơn 5,3 triệu và TP.Hồ Chí Minh có gần 7,6 triệu phương tiện, trong đó có nhiều xe đã quá niên hạn sử dụng, gây phát thải lớn. Hà Nội, dân số và phương tiện giao thông ít hơn TP.Hồ Chí Minh, nhưng mức độ ô nhiễm không khí lại cao hơn. Cụ thể theo báo cáo của Bộ Tài nguyên- Môi trường thì số ngày trong một năm ghi nhận chất lượng không khí tại Hà Nội kém là 237 ngày, số ngày chất lượng không khí xấu là 21 và 1 ngày ô nhiễm ở mức nguy hại. Trong giai đoạn từ 2011 đến 2015, chỉ tiêu benzene tại hầu hết các điểm quan trắc không khí giao thông ở Hà Nội đều vượt tiêu chuẩn do Việt Nam qui định và có xu hướng gia tăng. Lý do của hiện tượng này được giải thích do số phương tiện giao thông tăng và lại sử dụng nhiên liệu hóa thạch xăng dầu nữa.
Bên cạnh đó, sự quan liêu, thiếu chặt chẽ trong công tác quản lý bảo vệ môi trường của Nhà nước cũng là nguyên nhân cho hành vi phá hoại môi trường. Theo thống kê của Bộ Tư Pháp, hiện có khoảng 300 văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, hệ thống các văn bản này vẫn còn chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ, thiếu chi tiết, tính ổn định không cao. Tình trạng văn bản mới được ban hành chưa lâu đã phải sửa đổi, bổ sung khá phổ biến, làm hạn chế hiệu quả điều chỉnh hành vi của các cá nhân, tổ chức, các hoạt động kinh tế... trong việc bảo vệ môi trường. Quyền hạn pháp lý của tổ chức bảo vệ môi trường, nhất là của lực lượng Cảnh sát môi trường chưa thực sự đủ mạnh, đã hạn chế hiệu quả hoạt động nắm tình hình, phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường. Cơ sở pháp lý, chế tài xử phạt đối với các loại hành vi gây ô nhiễm môi trường về các loại tội phạm còn hạn chế chưa đủ mạnh. Có rất ít trường hợp gây ô nhiễm môi trường bị xử lý hình sự, còn các biện pháp xử lý khác như: buộc phải di dời ra khỏi khu vực ô nhiễm, đóng cửa và đình chỉ hoạt động của cơ sở gây ô nhiễm môi trường cũng không được áp dụng nhiều, hoặc có áp dụng nhưng các cơ quan chức năng thiếu kiên quyết nên doanh nghiệp chây ỳ, không chấp hành.
Để góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, mỗi người cần có ý thức bảo vệ môi trường, không vứt rác bừa bãi, hạn chế sử dụng các hóa chất tẩy rửa. Tại các khu du lịch, khu đông dân cư, tuyến đường... bổ sung thêm nhiều thùng rác và nhà vệ sinh công cộng. Nhà nước tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, cần có chế tài xử phạt mạnh đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm và xây dựng đồng bộ hệ thống quản lý môi trường trong các nhà máy, các khu công nghiệp theo các tiêu chuẩn quốc tế. Tăng cường công tác nắm tình hình, thanh tra, giám sát về môi trường, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ phụ trách công tác môi trường. Điều cần thiết là đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục về môi trường trong toàn xã hội tạo ra sự chuyển biến và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường.
Nguyễn Xuân Thái