banner2019
 
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Thông tin tổng hợp ngày 19/4
Cập nhật lúc 09:18 ngày 19/04/2017

Báo chí ngày hôm nay 19/4 đưa nhiều thông tin về ý kiến của Thủ tướng không đưa nhiệt điện than vào Bình Thuận. Chiều ngày 18/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Thuận về tình hình kinh tế-xã hội địa phương. Nêu rõ quan điểm không đưa nhiệt điện than vào Bình Thuận, Thủ tướng cũng lưu ý tỉnh này tiếp tục giám sát chặt chẽ môi trường ở khu vực Nhiệt điện Vĩnh Tân, không để tái diễn tình trạng ô nhiễm.

Về vấn đề khoáng sản titan, Thủ tướng yêu cầu tỉnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, ngành liên quan phải bàn lại kỹ càng và có biện pháp giải quyết những kiến nghị của Bình Thuận liên quan tới quy hoạch, thăm dò, khai thác, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.


Trong khi đó, để quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo tập trung hơn, Thủ tướng đề nghị không đưa nhiệt điện than vào Bình Thuận. Thủ tướng cũng lưu ý, tỉnh cần chú ý tăng cường quản lý tài nguyên, đất đai, môi trường, nhất là bảo vệ rừng. Đặc biệt là tiếp tục giám sát chặt chẽ môi trường ở khu vực Nhiệt điện Vĩnh Tân, không để tái diễn tình trạng ô nhiễm. Thường xuyên tiếp công dân, lắng nghe các nguyện vọng chính đáng, giải thích, giải đáp, giải quyết những ý kiến của công dân.

Đà Nẵng: Quản lý thị trường bị tố gây quá nhiều phiền nhiễu, moi móc xử phạt! là thông tin tin đáng chú ý đăng trên Báo điện tử Infornet 19/4. Bài viết phản ánh, tại buổi gặp mặt trao đổi về nâng cao chất lượng dịch vụ cho du khách trong mùa cao điểm đón khách du lịch sắp đến do Sở Du lịch Đà Nẵng đã tổ chức, nhiều khách sạn ở Đà Nẵng thẳng thắn “tố” lực lượng quản lý thị trường gây quá nhiều phiền nhiễu, kiểm tra không đúng chức năng, nhiệm vụ, lấn sân các ngành khác và cố tìm mọi cách moi móc cho được lỗi của doanh nghiệp để xử phạt.

Trước những ý kiến này, ông Nguyễn Nho Hậu, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Đà Nẵng cho biết sẽ đặt vấn đề xem xét lại quy trình kiểm tra, kiểm soát. Nhưng ông khẳng định đối với Sở Công Thương, trong đó có QLTT, thì việc kiểm tra, kiểm soát luôn tuân thủ theo pháp luật, tuân thủ tất cả các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Trung Quốc mua 50% lượng dầu thô xuất khẩu của Việt Nam; Doanh nghiệp 'chê' dự thảo quản lý giá sữa chồng chéo; Giá xăng ngày mai có thể tăng mạnh tới 800 đồng/lít.

Thông tin cụ thể như sau:     

1. Trung Quốc mua 50% lượng dầu thô xuất khẩu của Việt Nam.


Báo điện tử Dân trí đưa tin: Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, Trung Quốc hiện là nhà nhập khẩu số 1 mặt hàng dầu thô của Việt Nam, với lượng nhập khẩu gần 50% tổng lương dầu thô xuất đi của Việt Nam trong 3 tháng qua. Điều đáng lo ngại là bối cảnh GDP quý I/2017 tăng thấp, nhiều chuyên gia lo ngại muốn cứu tăng trưởng, giảm thâm hụt thương mại, Việt Nam sẽ thúc đẩy mạnh khai thác thêm lượng như đã làm trong các năm trước. Điều này sẽ bất lợi bởi giá dầu thô trên thế giới vẫn chưa phục hồi.

Trên thị trường thế giới, từ năm 2015 cho đến nay, nhiều lần Trung Quốc đã vượt mặt Mỹ (nước nhập khẩu và tiêu thụ dầu thô lớn nhất thế giới) để trở thành nhà nhập khẩu dầu thô số 1 thế giới. Mục đích của Trung Quốc tranh thủ nhập dầu thô để bổ sung vào kho dự trữ dầu thô lớn nhất nhì thế giới của nước này. Mới nhất, theo hãng tin Bloomberg, hết quý I/2017, Trung Quốc đã nhập khẩu 9,21 triệu thùng dầu/ngày, trong khi đó Mỹ chỉ nhập khẩu trung bình 8,15 triệu thùng/ngày. Trung Quốc lại vượt qua Mỹ để trở thành nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.

2. Doanh nghiệp 'chê' dự thảo quản lý giá sữa chồng chéo.

Báo chí phản ánh, dù giao cho doanh nghiệp tự xác định, đăng ký và kê khai giá sản phẩm sữa và thực phẩm chức năng, nhưng Bộ Công Thương khẳng định vẫn tiếp tục siết chặt giám sát ở khâu bán lẻ cuối cùng. Thông tin trên được đại diện Bộ Công Thương phát biểu tại Hội nghị lấy ý kiến dự thảo Thông tư quản lý giá sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi tổ chức ngày 18/4 tại TP HCM.

Đại diện Bộ Công Thương nhận định phương thức quản lý này sẽ giúp truy xuất được nguồn gốc hàng hóa, kiểm soát giá cả và xác định được trách nhiệm của doanh nghiệp, hợp tác xã để thu hồi sản phẩm trong trường hợp có vấn đề về chất lượng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp và cơ quan quản lý địa phương lại cho rằng phương thức quản lý giá sữa và thực phẩm chức năng theo dự thảo Thông tư này còn nhiều điểm bất cập, nhất là về quy trình tiếp nhận biểu mẫu đăng ký và kê khai giá.

Đại diện Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A nêu ví dụ cụ thể, theo dự thảo, nếu doanh nghiệp sản xuất hoặc phân phối sản phẩm từ 2 tỉnh, thành phố trở lên thì phải đăng ký giá tại Trung ương, nhưng đồng thời phải đăng ký thêm ở tại tỉnh, thành phố mà doanh nghiệp đặt trụ sở. “Thủ tục nhập nhằng có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc thông báo, kê khai giá bởi mỗi lần mất từ 4 đến 5 ngày làm việc mới nhận được phản hồi từ cơ quan quản lý”, vị này nói.

3. Giá xăng ngày mai có thể tăng mạnh tới 800 đồng/lít.

Trên các báo ngày hôm nay dự đoán, theo dữ liệu giá thành phẩm trên thị trường Singapore, giá xăng trung bình 15 ngày qua là ở mức 66 USD/thùng, cao hơn 4 USD/thùng so với mức giá trung bình của 15 ngày trước (61,837 USD/thùng). Lý do khiến giá xăng dầu thời gian qua tăng cao là do ảnh hưởng của việc Mỹ bắn tên lửa vào Sirya, dấy lên nhiều mối lo ngại bất ổn. Ngoài ra, tình hình phức tạp ở bán đảo Triều Tiên cũng là yếu tố gây áp lực lên giá dầu.

Tính toán cho thấy, giá cơ sở mặt hàng xăng trung bình hiện ở mức 18.038 đồng/lít, cao hơn 800 đồng so với mức giá bán lẻ xăng hiện hành là 17.230 đồng/lít. Do vậy, nếu không có gì thay đổi về việc trích lập, chi quỹ bình ổn giá, giá xăng ngày mai (20/4) có thể tăng khá mạnh, lên tới 800 đồng/lít. Song, nếu cơ quan điều hành giá sử dụng công cụ bình ổn giá như chi sử dụng quỹ bình ổn giá, trích lập quỹ bình ổn giá thì giá xăng dầu có thể được “kiềm chế” phần nào.

LH (Nguồn VP Bộ CT)