banner2019
 
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Thông tin tổng hợp ngày 18/4/2017
Cập nhật lúc 02:34 ngày 19/04/2017

Thủ tướng hủy quyết định khen thưởng ông Trịnh Xuân Thanh là thông tin được báo điện tử Vnexpress phản ánh trong ngày 18/4. Thủ tướng vừa có Quyết định 477, hủy bỏ Quyết định số 48 ngày 11/1/2010 về việc tặng Bằng khen của Thủ tướng với ông Trịnh Xuân Thanh - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC). Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương thu hồi Bằng khen và tiền thưởng (nếu có) với ông Thanh; thu hồi Huân chương, Huy chương và tiền thưởng (nếu có) với Công ty PVC và ông Trịnh Xuân Thanh sau khi có quyết định của Chủ tịch nước về việc thu hồi Huân chương và danh hiệu Anh hùng lao động.

Hiện vật khen thưởng được yêu cầu gửi về Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương; tiền thưởng (nếu có) nộp về quỹ thi đua, khen thưởng của đơn vị chi tiền thưởng cho tập thể và cá nhân nêu trên.

Bên cạnh đó, Sabeco “thúc” Bộ Công Thương rút vốn, giải quyết dứt điểm sở hữu chéo cũng được dư luận, báo chí đặc biệt quan tâm. Bên cạnh kiến nghị chấm dứt tình trạng sở hữu chéo (công ty con đầu tư vào công ty mẹ), lành mạnh hóa dòng vốn đầu tư thì Ban Kiểm soát của Sabeco cũng “thúc” Bộ Công Thương sớm thực hiện bán vốn Nhà nước theo yêu cầu của Chính phủ, để Sabeco trở thành một công ty cổ phần đại chúng thực thụ.

Cũng liên quan đến Sabeco, Báo điện tử Dân trí có bài viết Sabeco chịu áp lực lớn khi thuế tiêu thụ đặc biệt thêm 5%. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 của Tổng công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn cho biết, Sabeco đang chịu áp lực rất lớn về giá khi thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2017 tiếp tục tăng thêm 5%. Không những thế, theo đề án quy định dán tem các sản phẩm bia, nếu áp dụng thì Sabeco sẽ phải chi ra khoảng 900 tỷ đồng.

Áp lực lớn đối với Sabeco là trong năm 2016, thuế tiêu thụ đặc biệt tăng. Không những thế, năm 2017 thuế tiêu thụ đặc biệt này tiếp tục tăng lên 5% từ ngày 01/01/2017.

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Doanh nghiệp phân bón trong nước nộp hồ sơ yêu cầu áp dụng tự vệ; Hậu Dự án cảng Kê Gà: TKV phải tạm ứng tiền bồi thường; Mỗi ngày Việt Nam nhập hơn 11.000 tấn sắt thép phế liệu; Petrolimex lên sàn chứng khoán với giá 43.200 đồng/cổ phiếu.

Thông tin cụ thể như sau:                   

1. Doanh nghiệp phân bón trong nước nộp hồ sơ yêu cầu áp dụng tự vệ.


Bộ Công Thương cho biết, ngày 31/3/2017, Cục Quản lý Cạnh tranh đã tiếp nhận hồ sơ của một số doanh nghiệp đại diện cho ngành sản xuất trong nước yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ đối với một số sản phẩm phân bón nhập khẩu. Theo Cục Quản lý Cạnh tranh, hàng hóa bị điều tra là tất cả các loại phân bón vô cơ phức hợp hoặc hỗn hợp với thành phần chính là Đạm (Ni-tơ) và Lân (P2O5) trong đó lượng Ni-tơ chiếm ít nhất 7% và lượng P2O5 chiếm ít nhất 30%... Ngoài ra, hàng hóa nhập khẩu bị điều tra không phân biệt về màu sắc.

Để phục vụ quá trình xem xét và đánh giá vụ việc để đưa ra quyết định có khởi xướng điều tra hay không, cũng như đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, Cục Quản lý Cạnh tranh yêu cầu các doanh nghiệp trong nước sản xuất sản phẩm phân bón được mô tả như trên cung cấp các thông tin về doanh nghiệp; Công suất thiết kế và lượng sản xuất các sản phẩm phân bón trong các năm 2014, 2015 và 2016; Ý kiến của công ty về vụ việc (đồng ý, phản đối, không có ý kiến) hoặc bất kỳ tài liệu/chứng cứ nào khác mà công ty cho rằng liên quan đến vụ việc.

2. Hậu Dự án cảng Kê Gà: TKV phải tạm ứng tiền bồi thường.

Theo phản ánh của Báo Tuổi Trẻ ngày 18/4, trong văn bản trả lời kiến nghị của các doanh nghiệp du lịch tại Kê Gà (huyện Hàm Thuận, tỉnh Bình Thuận), Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) ứng trước một phần chi phí để chi trả cho các doanh nghiệp liên quan. Theo đó, UBND tỉnh Bình Thuận được đề nghị phối hợp với TKV nhằm thống nhất với các doanh nghiệp phương án và kinh phí bồi thường, sớm chi trả cho các doanh nghiệp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đối với những vướng mắc vượt thẩm quyền.

Trước đó, 9 dự án được UBND tỉnh Bình Thuận đưa vào danh sách đủ điều kiện bồi thường với tổng số tiền gần 86 tỷ đồng, gồm thiệt hại tài sản, cây trồng, tiền lương, cải tạo mặt bằng, ngừng sản xuất, cơ hội đầu tư, lãi suất tiết kiệm... Tuy nhiên, do TKV chỉ chấp nhận bồi thường hơn 37,4 tỷ đồng với lý do “có đủ cơ sở pháp lý tương ứng với trị giá”, các doanh nghiệp du lịch bị thiệt hại tiếp tục gửi đơn kiến nghị Chính phủ chỉ đạo giải quyết thiệt hại.

3. Mỗi ngày Việt Nam nhập hơn 11.000 tấn sắt thép phế liệu.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 3 tháng đầu năm, các doanh nghiệp nhập khẩu hơn một triệu tấn sắt thép phế liệu, tăng 45% so với cùng kỳ. Giá trị nhập khẩu vào khoảng 276 triệu USD. Như vậy trung bình mỗi ngày, có hơn 11.000 tấn thép phế liệu nhập cảng Việt Nam, với giá bình quân khoảng 6,2 triệu đồng một tấn. Thị trường cung cấp mặt hàng này chủ yếu là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật và Mỹ...

Tuy nhiên, bởi lý do môi trường nên mặt hàng này thuộc diện kiểm soát ngặt nghèo với nhiều quy định và thuộc danh mục hàng hóa không khuyến khích nhập khẩu. Trong quy định của Bộ Tài Nguyên & Môi trường về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu (bao gồm sắt thép phế liệu), các doanh nghiệp phải ký quỹ tới 20% giá trị lô hàng để đảm bảo mặt hàng nhập khẩu nếu xảy ra tác động đến môi trường sẽ lấy kinh phí xử lý và ứng phó. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần đáp ứng tiêu chí có nhà xưởng, kho bãi chuyên dụng, có mái che, xử lý thoát nước... mới được nhập khẩu.

4. Petrolimex lên sàn chứng khoán với giá 43.200 đồng/cổ phiếu.

Theo thông báo mới nhất từ Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) sẽ chính thức niêm yết 1.293.878.081 cổ phiếu trên HOSE với mã PLX, giá khởi điểm là 43.200 đồng/cổ phiếu. Theo Tổng Giám đốc Petrolimex Trần Văn Thịnh, trong năm 2016, Petrolimex đã phân phối tiêu thụ hơn 11,44 triệu tấn xăng dầu, tăng 5,3% kế hoạch; doanh thu thuần đạt 123.097 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất trước thuế 6.300 tỷ đồng, tăng 58,8% kế hoạch.

Với kết quả kinh doanh vượt trội trong năm 2016, Petrolimex trình Bộ Công Thương phê duyệt phương án trả cổ tức 32,24% bằng tiền mặt, dự kiến mức chi cổ tức là 3.736 tỷ đồng (tương đương 80% phần lợi nhuận sau thuế năm 2016). Nếu phương án này được thông qua, dự kiến Nhà nước sẽ thu về hơn 3.164 tỷ đồng cổ tức từ Petrolimex.

LH (Nguồn VP Bộ CT)