banner2019
 
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Thông tin tổng hợp ngày 12/4/2017
Cập nhật lúc 08:30 ngày 13/04/2017

Tăng thuế xăng lên 8.000 đồng/lít là thông tin báo chí và dư luận quan tâm trong nhiều ngày nay. Các bài viết phân tích, theo một tính toán của Bộ Tài chính, khi tăng thuế bảo vệ môi trường (BVMT) với xăng dầu lên kịch khung đề xuất (8.000 đồng/lít xăng) thì tổng nguồn thu từ thuế BVMT với mặt hàng xăng dầu sẽ tăng gần gấp 3 lần hiện tại, lên tới 110.000 tỷ đồng. Nhưng “lợi ích quốc gia” dài lâu đâu chỉ có vậy!

Ngày 11/4, Báo Pháp Luật TP.HCM đăng bài “Bộ Tài chính: Giá xăng còn rẻ nên phải tăng thuế” nêu quan điểm của Bộ Tài chính cho rằng giá xăng VN thấp so với các nước. Đây cũng là một trong những lý do chính để Bộ Tài chính đưa ra đề xuất tăng khung thuế BVMT với xăng dầu lên mức tối đa 8.000 đồng/lít. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế và người dân không đồng tình với quan điểm trên của Bộ Tài chính.

TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả thuộc Bộ Tài chính, cho rằng Bộ Tài chính đưa ra lý do như trên là thiếu thuyết phục và đang cố bảo vệ quan điểm tận thu ngân sách. Đặc biệt, sự so sánh giá cao thấp còn phải xuất phát từ mức thu nhập của từng nước trong bối cảnh thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam thấp hơn rất nhiều nước.

Trong điều kiện hiện nay năng lực cạnh tranh của Việt Nam còn thấp, xăng dầu là nguồn đầu vào quan trọng của các lĩnh vực khác, tác động rất lớn đến đời sống xã hội, kinh tế, tiêu dùng… Việc tăng thuế BVMT sẽ khiến giá xăng tăng. Điều này sẽ làm chi phí, giá thành các mặt hàng khác tăng lên làm giảm sức cạnh tranh.

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: “Ma trận” 7.000 sản phẩm phân bón - kẽ hở để phân bón giả hoành hành; Đã có phương án xử lý 12 dự án thua lỗ của Bộ Công Thương; Thu nhập khủng của lãnh đạo PVN; Nhập khẩu ô tô: Có doanh nghiệp cố khai giá thấp để trốn thuế.

Thông tin cụ thể như sau:        

1. “Ma trận” 7.000 sản phẩm phân bón - kẽ hở để phân bón giả hoành hành.


Theo số liệu của Cục quản lý thị trường, Bộ Công Thương, mỗi năm qua thanh, kiểm tra, cơ quan này cũng phát hiện khoảng 4.000 vụ vi phạm về sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Vấn nạn phân bón giả đang khiến nông dân thiệt hại nặng nề, ruộng đồng có nguy cơ hoang hóa.

TS Nguyễn Đăng Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới cho rằng, để ngăn chặn vấn nạn phân bón giả, cần tinh giản lại danh mục phân bón để tạo thuận lợi cho quản lý và kiên quyết rút giấy phép của các cơ sở vi phạm.

Trước thực trạng nói trên, Văn phòng Chính phủ vừa ký ban hành Công văn số 2000/VPCP-NN gửi Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT) về việc chủ trì xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định số 202/2013/NĐ-CP về quản lý phân bón trên tinh thần, giao Bộ NNPTNT là đơn vị chịu trách nhiệm quản lí nhà nước về phân bón.

2. Đã có phương án xử lý 12 dự án thua lỗ của Bộ Công Thương.

Văn phòng Chính phủ phát đi thông báo kết luận phiên họp lần thứ 2 của Ban chỉ đạo diễn ra vào cuối tháng 3/2017 do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì, cho ý kiến vào các phương án xử lý 12 DN yếu kém, làm ăn thua lỗ của ngành Công Thương.

Ngoài vấn đề hoạt động thua lỗ, cầm chừng, một số dự án, nhà máy đang gặp vấn đề lớn liên quan tới những rắc rối về hợp đồng, pháp lý giữa các bên ở trong nước và với cả yếu tố nước ngoài. Hiện, Báo cáo xử lý các DN này đã được gửi lên Thủ tướng Chính phủ và trong tuần này, Thường trực Chính phủ sẽ thảo luận về báo cáo này và sẽ sớm gửi lên Bộ Chính trị cho ý kiến.

Tính tới nay Ban chỉ đạo đã ban hành 20 văn bản chỉ đạo việc thực hiện xử lý, tồn tại yếu kém tại 12 DN với hơn 100 nhiệm vụ giao cho các Tập đoàn, Tổng công ty để thực hiện. “Nếu thực hiện đúng, nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sẽ tạo ra tiền đề để xử lý được 60- 70% khối lượng công việc của cả 12 dự án, nhà máy này”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.

3. Thu nhập khủng của lãnh đạo PVN.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vừa có Báo cáo phê duyệt quỹ lương thực hiện năm 2016 đối với bộ máy điều hành tập đoàn gửi Bộ Công Thương và Bộ LĐ-TB&XH.

Theo đó, mức tiền lương bình quân thực hiện năm 2016 của người lao động PVN là 30 triệu đồng/người/tháng. Mức tiền lương bình quân kế hoạch năm 2017 được PVN đưa ra là 30 triệu đồng/người/tháng.

Báo cáo nêu rõ thu nhập đối với các nhân sự cấp quản lý tập đoàn. Cụ thể, Chủ tịch Tập đoàn có thu nhập 52 triệu đồng/tháng (mức kế hoạch đề ra 83,5 triệu đồng). Tổng Giám đốc có thu nhập 47 triệu đồng/tháng (kế hoạch hơn 81 triệu đồng). Các thành viên HĐTV khác có mức thu nhập thực tế từ 45 triệu đến 49 triệu đồng/tháng, trong khi kế hoạch khoảng 74 triệu đồng/tháng. Đối với các phó tổng giám đốc cũng có thu nhập dao động khoảng 45-51 triệu đồng/tháng…

Theo báo cáo, tổng doanh thu năm 2016 của công ty mẹ PVN là 45.600 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế là 26.000 tỉ đồng.

4. Nhập khẩu ô tô: Có doanh nghiệp cố khai giá thấp để trốn thuế.


Tổng cục Hải quan cho biết, đã phát hiện có một số doanh nghiệp khai báo thấp hơn so với cơ sở dữ liệu của cơ quan hải quan. Cơ quan này đã xác định dấu hiệu nghi vấn và thực hiện tham vấn, kiểm tra sau thông quan để xác định lại trị giá để xử phạt hành chính.

Thời gian qua, ô tô giá rẻ liên tiếp ồ ạt được nhập về Việt Nam. Tổng cục Hải quan cho biết, hiện chưa phát hiện trường hợp nào doanh nghiệp gian lận về nguồn gốc, xuất xứ để hưởng ưu đãi.

Tuy nhiên, trong bối cảnh từ tháng 1/2017, thuế nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc từ các nước ASEAN vào Việt Nam chỉ còn 30% thay vì 40% như năm 2016 và sang năm 2018, các mặt hàng ô tô từ các nước ASEAN sẽ được bãi bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu, Tổng cục Hải quan tăng cường kiểm tra các tiêu chí về nguồn gốc xuất xứ (C/O) đối với mặt hàng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu khi áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt.

LH (Nguồn VP Bộ CT)