banner2019
 
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Thông tin tổng hợp ngày 10/4/2017
Cập nhật lúc 10:59 ngày 10/04/2017

Ai chịu trách nhiệm khi ban hành văn bản gây thiệt hại cho doanh nghiệp? là tiêu đề bài viết trên báo điện tử Giáo dục Việt Nam. Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cần phải có người chịu trách nhiệm với những quy định pháp luật gây thiệt cho người dân doanh nghiệp.

Trong dẫn chứng đưa ra, ông Bùi Kiến Thành nhắc đến Thông tư 20/2011/TT-BCT quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu xe ô tô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống. Quy định này gây khó cho doanh nghiệp và đã được Đại biểu Quốc hội chất vấn tại Quốc hội, tuy nhiên sau hơn 5 năm thì Bộ Công Thương mới có sự thay đổi. Vậy những thiệt hại mà doanh nghiệp phải hứng chịu trong giai đoạn này sẽ quy trách nhiệm cho ai? – vị chuyên gia kinh tế đưa ra câu hỏi, đồng thời phân tích, Thủ tướng kêu gọi xây dựng chính phủ liêm chính nhằm xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh tốt, có tính chất cạnh tranh lành mạnh tôn trọng thị trường. Nhưng muốn có được môi trường kinh doanh tốt giải pháp phải bắt đầu tư những văn bản quy phạm pháp luật đúng đắn, sát thực tế thị trường.

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Lãnh đạo Viện nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nông nghiệp bị nhân viên tố cáo; Nhà máy giấy gây ô nhiễm, người dân lãnh đủ; Giá xăng dầu và giá điện gây áp lực lên lạm phát năm 2017; Nhiều cây xăng TP.HCM dừng bán xăng E5; Chính thức bỏ áp trần giá sữa.

Thông tin cụ thể như sau:     

1. Lãnh đạo Viện nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nông nghiệp bị nhân viên tố cáo.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được đơn tố cáo của ông Nguyễn Đức Khánh, nguyên Trưởng Ban QLDA Viện nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nông nghiệp - Bộ Công Thương phản ánh về việc ông và bà Nguyễn Thị Anh Đào (phòng thiết kế 4) đã 14 tháng không nhận được lương nào mặc dù vẫn làm việc và hoàn thành tốt nhiệm vụ mà lãnh đạo Viện giao cho.

Phóng viên đến gặp bà Nguyễn Thị Hoa, Trưởng Phòng tổng hợp xin đặt lịch làm việc với lãnh đạo Viện về vấn đề trên. Tuy nhiên, bà Hoa từ chối nhận giấy giới thiệu và cho biết: “Việc này đang giải quyết trên Bộ Công Thương, Bộ cũng yêu cầu báo cáo việc này rồi”. Phóng viên lại tiếp tục liên hệ vào số điện thoại di động của ông Nguyễn Đình Tùng, Viện trưởng Viện RIAM nhưng mọi cố gắng của phóng viên đều không có kết quả.

Không chỉ bị tố cáo “quỵt” tiền lương, mà trước đó ông Nguyễn Đình Tùng, cũng đã bị nhân viên của mình tố cáo về việc cố tình gây sức ép để buộc nhân viên thôi việc, “dọn ổ” cho người thân và “quỵt” tiền của người bị tai nạn lao động.

2. Nhà máy giấy gây ô nhiễm, người dân lãnh đủ.


Đưa ra quan điểm về vấn đề này, đại diện Vụ Công nghiệp nhẹ - Bộ Công Thương cho rằng, vấn đề quan trọng là phải xử lý môi trường, nếu không làm được thì phải dừng dự án.

Một chuyên gia trong lĩnh vực này cho hay, sản xuất giấy là một trong những ngành gây ô nhiễm môi trường lớn nhất. Cả 2 nhà máy giấy đều được thực hiện bởi nhà thầu Trung Quốc, do đó, cần giám sát chặt chẽ việc đảm bảo môi trường của các nhà thầu này.

Trước đó, Bộ Công Thương có báo cáo về tình trạng ô nhiễm môi trường tại một số nhà máy giấy. Theo báo cáo này, Nhà máy giấy Lee & Man đang giai đoạn vận hành thử nghiệm cũng là quá trình hoàn thiện dần các tồn tại của nhà máy. Theo cam kết của Công ty TNHH Lee & Man Việt Nam, tháng 4-2017, sẽ hoàn thành các giải pháp chống ô nhiễm. Đối với dự án nhà máy giấy Đại Dương, sản phẩm chính của nhà máy dự kiến là giấy duplex. Việc này tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm do nhà máy sử dụng giấy đã qua sử dụng làm nguyên liệu sản xuất. Vì thế, lo ngại của nhà khoa học và người dân về ô nhiễm môi trường là có cơ sở. Do đang trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi nên đánh giá tác động môi trường của dự án này vẫn chưa được phê duyệt.

3. Giá xăng dầu và giá điện gây áp lực lên lạm phát năm 2017.

Theo nhận định của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, xu hướng dài hạn của lạm phát bắt đầu tăng rõ nét kể từ tháng 9/2016 đến nay. Trong năm 2017, bên cạnh giá dịch vụ công như y tế, giáo dục thì giá xăng dầu và khả năng tăng giá điện sẽ là những yếu tố ảnh hưởng lớn đến lạm phát.

Về giá điện, mặc dù đến nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn chưa có đề xuất về phương án tăng giá, song với việc điều chỉnh giá than từ năm 2016, ngành điện đang chịu sức ép lớn về tăng giá. Nếu giá than vẫn tăng theo lộ trình như hiện nay, EVN chi phí sẽ đội lên gần 4.700 tỷ đồng. Do đó, kịch bản tăng giá điện trong năm 2017 hoàn toàn có thể xảy ra.

4. Nhiều cây xăng TP.HCM dừng bán xăng E5.

Khoảng 2 năm trở lại đây, số điểm bán xăng E5 trên địa bàn TP.HCM đã giảm gần 50 điểm. Số lượng tiêu thụ chỉ chiếm khoảng 6% tổng sản lượng tiêu thụ xăng dầu. Những con số này cho thấy nếu không có giải pháp toàn diện, mục tiêu thay thế xăng A92 bằng xăng E5 sẽ khó khả thi.

Với chỉ 100 lít tiêu thụ mỗi ngày, số tiền thu được là quá ít, không đủ bù chi phí vận hành, do đó không cây xăng nào muốn lắp cột xăng E5. Thực tế, đây là bài toán khó đối với các cửa hàng xăng dầu.

5. Chính thức bỏ áp trần giá sữa.

Chính phủ vừa có văn bản thông báo thống nhất với đề nghị của Bộ Công Thương về việc kết thúc áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi từ ngày 1/4/2017.

Hồi tháng 3, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cũng đã tiếp tục đề xuất Việt Nam nên gỡ bỏ chính sách giá trần đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Bởi theo hiệp hội này, kể từ khi biện pháp giá trần được áp dụng vào năm 2014, rất nhiều khoản chi phí đội lên tác động tới hoạt động của nhà sản xuất và phân phối sữa. “Việc Chính phủ đưa ra các quy định can thiệp vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp sẽ là một lời cảnh báo đáng lo ngại về một môi trường đầu tư chưa thực sự ổn định, thân thiện và hội nhập của Việt Nam, đồng thời đi ngược lại với chủ trương hoàn thiện nền kinh tế thị trường của Chính phủ” - EuroCham nhận định.

LH (Nguồn VP Bộ CT)