banner2019
 
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Thông tin tổng hợp ngày 22/3/2017
Cập nhật lúc 11:12 ngày 22/03/2017

Nhiều người dân đang lo ngại có thịt bẩn nhập từ Brazil vào Việt Nam sau vụ bê bối lớn nhất trong lịch sử ngành nông nghiệp, sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm thịt của nước này, đó là phản ánh trên Dân Việt trong bài viết “Bê bối “thịt bẩn” ở Brazil: Việt Nam làm gì để kiểm soát thịt nhập khẩu?”

Theo Thương vụ Việt Nam tại Brazil, trong 2 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt từ thị trường này với trị giá kim ngạch đạt 12,8 triệu USD, chiếm khoảng 7% tổng kim ngạch xuất khẩu của Brazil sang Việt Nam.

Nhiều người đang lo ngại, có thịt bẩn, thịt chứa chất cấm lẫn trong số thịt được nhập từ Brazil đã vào Việt Nam và được phân phối đến các siêu thị hoặc các chợ. Vậy các cơ quan chức năng làm gì để kiểm soát số thịt này?

Phản hồi thông tin này, đại diện Cục Thú y (Bộ NN&PTNN) cho biết, tất cả các lô hàng thịt nhập khẩu từ Brazil vào Việt Nam này đều được lưu giữ tại khu vực cảng nhập. Các cơ quan thú y cửa khẩu đã tổ chức kiểm soát chặt chẽ, lấy mẫu xét nghiệm từng lô hàng, kết quả xét nghiệm bảo đảm an toàn thực phẩm mới được phép nhập khẩu

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Điều tra 'nghi án' cá chết hàng loạt ở Lào Cai; Nhiều bất cập trong quản lý khai thác khoáng sản; Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương trình phương án giá điện; Tổ máy số 2 Thủy điện Trung Sơn hòa lưới điện quốc gia.

Thông tin cụ thể như sau:                                                                       

1. Điều tra 'nghi án' cá chết hàng loạt ở Lào Cai.


Mấy ngày gần đây, một số báo đưa thông tin phản ánh hiện tượng gần 7 tấn cá nuôi sắp thu hoạch chết nổi trắng ao tại xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Nghi án đặt ra là do nguồn nước dẫn vào các ao bị nhiễm độc từ nguồn nước thải của Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 (địa chỉ tại xã Xuân Giao).

Nhận được thông tin phản ánh trên, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam kiểm tra thực tế tại Nhà máy. Kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy, vào ngày 17/3, tại Nhà máy đã xảy ra sự cố bục đường ống dẫn nước thu hồi từ bãi gyps về tái sử dụng của xưởng, khiến nước trong đường ống tràn ra ngoài và tràn vào cống thu nước bề mặt, theo đó đi vào hệ thống thoát nước thải chung.

Sau sự cố, Nhà máy đã tổ chức khắc phục sự cố, kiểm tra đánh giá mức độ ảnh hưởng, thống kê thiệt hại để làm cơ sở bồi thường kịp thời cho các hộ bị ảnh hưởng.

2. Nhiều bất cập trong quản lý khai thác khoáng sản.

Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp Chế (VCCI) cho biết, quy định trước khi đấu giá, cấp phép các dự án khai thác khoáng sản phải thông qua ba vòng có sự tham gia của người dân khu vực. Tuy nhiên, cả quá trình từ khi cấp phép đầu tư, hoạt động, lập báo cáo tác động môi trường thì hầu hết người dân không được lấy ý kiến. Hoạt động khai thác khoáng sản hiện đặt ra rất nhiều vấn đề quản lý từ xây dựng khung khổ pháp luật, chính sách liên quan đến quản lý thực tiễn.

Hiện các quy định thăm dò khoáng sản yêu cầu phải đánh giá đầy đủ trữ lượng và chất lượng mỏ để xác định giá tham chiếu. Tuy nhiên, trữ lượng thăm dò thường không đúng kết quả thăm dò và khai thác thực tế. Phần lớn là ít hơn, do đó phần lợi thuộc về DN và cơ quan quản lý.

TS Nguyễn Tiến Chỉnh, Chủ tịch Hội khoa học công nghệ mỏ Việt Nam phân tích: Quản lý ngành khoáng sản hiện nay rất phân tán, chia nhiều vai tương ứng với đó là nhiều bên lợi ích. Ví dụ, trong khi Bộ Công Thương quản lý TKV, thì các đơn vị có liên quan khác quản lý hoạt động chế biến và sử dụng. Việc nhiều cơ quan quản lý này khiến ngành khoáng sản khó bứt phá vừa không quản lý được hiệu quả.

3. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương trình phương án giá điện.


Trên nhiều báo đưa tin: Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, chỉ đạo, hướng dẫn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất kịch bản điều hành giá điện năm 2017 (trên các mặt lộ trình, mức độ điều chỉnh), bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/3/2017.\

Theo yêu cầu này, Bộ Công Thương, EVN sẽ hoàn thiện lại Báo cáo tổng thể tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, chi phí, giá thành và giá bán điện năm 2016 và kế hoạch năm 2017.  

4. Tổ máy số 2 Thủy điện Trung Sơn hòa lưới điện quốc gia.

Sáng 21/3, tổ máy số 2 của Nhà máy thủy điện Trung Sơn (xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa, Thanh Hóa) chính thức phát điện và hòa điện thành công vào lưới điện quốc gia sau hơn 1 tháng phát điện tổ máy đầu tiên.

Công trình Nhà máy thủy điện Trung Sơn được Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) giao Công ty TNHH MTV thủy điện Trung Sơn thuộc Tổng công ty phát điện 2 (GENCO2) làm chủ đầu tư. Nhà máy gồm 4 tổ máy với tổng công suất lắp đặt là 260 MW, mỗi tổ máy 65 MW. Đây cũng là dự án thủy điện đầu tiên của Việt Nam được Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ tín dụng.

Sau khi hoàn thiện công trình và đưa vào vận hành, nhà máy sẽ cung cấp điện năng cho hệ thống điện quốc gia với sản lượng điện trung bình năm là 1.018 tỉ kWh, đồng thời góp phần kiểm soát lũ và tưới tiêu cho hạ du sông Mã. Đặc biệt, dự án sẽ tạo ra động lực mới cho phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo tại H.Quan Hóa.

LH (Nguồn VP Bộ CT)