banner2019
 
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Thông tin tổng hợp ngày 14/3/2017
Cập nhật lúc 08:45 ngày 15/03/2017

Bỏ quy định gây tranh cãi tại Thông tư 20 về nhập khẩu ô tô là thông tin được báo chí quan tâm, phản ánh trong ngày 14/3. Bộ Công Thương vừa chính thức ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu ô tô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống, có hiệu lực từ ngày 9/3. Cụ thể, bãi bỏ khoản 2 điều 1 Thông tư số 20/2011/TT-BCT ngày 12.5.2011 quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu ô tô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống.

Như vậy, từ nay các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống khi làm thủ tục nhập khẩu không cần phải nộp bổ sung giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện do Bộ GTVT cấp như quy định cũ. Đây là một điều kiện gây tranh cãi lâu nay trong Thông tư 20 và nay chính thức được bãi bỏ. Tuy nhiên, các điều kiện khác của Thông tư 20 vẫn được áp dụng như các doanh nghiệp muốn nhập ô tô vẫn phải có giấy chỉ định hoặc ủy quyền là nhà nhập khẩu, phân phối chính hãng; hoặc hợp đồng đại lý chính hãng theo quy định.

Bên cạnh đó, Vụ vỡ đập chứa bùn thiếc: Thừa nhận chưa thực hiện theo thiết kế cũng được dư luận, báo chí đặc biệt quan tâm. Sáng nay (14/3), tại trụ sở Công ty cổ phần Kim loại màu Nghệ Tĩnh, đoàn công tác của Bộ Công Thương đã làm việc với Công ty này để làm rõ những vấn đề liên quan sau sự cố vỡ đập chứa bùn thiếc hôm 9/3 trên núi thuộc xã Châu Thành. Tại đây, đại diện Công ty thừa nhận, đập bị vỡ đã không thực hiện theo thiết kế về bảo vệ môi trường. Tại buổi làm việc, ông Tô Xuân Bảo - Phó Cục trưởng Cục Kĩ thuật an toàn môi trường công nghiệp Bộ Công Thương - nêu rõ, đến thời điểm này, phía Cty Kim loại màu Nghệ Tĩnh vẫn chưa có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc đã hoàn thành công trình bảo vệ môi trường quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Ông Bảo cũng khẳng định, thực tế sau khi kiểm tra hiện trường vỡ đập số 2 thuộc xã Châu Thành, đoàn đã khẳng định, phía Công ty Kim loại màu không thực hiện theo thiết kế là xây đá hộc, vữa ximăng theo quyết định phê duyệt đánh giá tác động môi trường, mà chỉ đắp bằng đất. Đại diện Bộ Công Thương đã yêu cầu, Công ty Kim loại màu Nghệ Tĩnh cần khẩn trương hoàn thiện các thủ tục theo đúng quy định để bảo vệ môi trường, nhất là phải có xác nhận đã hoàn thành công trình bảo vệ môi trường theo ĐTM.

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Hơn 1/4 lượng hoá chất nhập về Việt Nam có xuất xứ Trung Quốc; Ô tô cũ về đâu khi giá xe mới giảm cả trăm triệu đồng/chiếc?; Vì sao Việt Nam phải nhập muối, trứng?; Dừng các cơ sở nấu rượu không phép sau vụ 9 nam sinh ngộ độc.

Thông tin cụ thể như sau:             

1. Hơn 1/4 lượng hoá chất nhập về Việt Nam có xuất xứ Trung Quốc.


Dân trí đưa tin: Trong các mặt hàng có giá trị nhập khẩu tăng hai con số 2 tháng đầu năm 2017, hoá chất và sản phẩm hoá chất lọt vào nhóm hàng có tăng trưởng trên 30% so với cùng kỳ 2016, với tổng giá trị 1,2 tỷ USD. Đáng nói, 1/4 giá trị nhập khẩu mặt hàng này đến từ Trung Quốc.

Trên thực tế, việc phụ thuộc nhập khẩu hóa chất từ Trung Quốc tiềm ẩn nhiều rủi ro vì đây là sản phẩm đầu vào, sản phẩm hỗn hợp điều chế nhiều cho ngành công nghiệp hóa chất và y tế, xây dựng, nông nghiệp. Phụ thuộc về lượng và giá sẽ khiến chi phí sản xuất biến động, thay đổi khó lường. Trong khi đó ngành hóa chất Việt Nam hiện vẫn chỉ tự chủ được nguồn nguyên liệu để phục vụ cho các nhà máy hóa chất, phân đạm và một số sản phẩm khác, lượng lớn vẫn phải nhập khẩu.

2. Ô tô cũ về đâu khi giá xe mới giảm cả trăm triệu đồng/chiếc?

Chứng kiến sự giảm giá nhanh và ồ ạt của nhiều loại xe mới cả xe lắp ráp trong nước lẫn xe nhập khẩu, nhiều chủ kinh doanh xe cũ, người muốn bán xe cũ đang đứng ngồi không yên. Do mức giá xe cũ bị chèn ép nên những người có ý định bán xe, đổi xe thời điểm này khá khó khăn. Trong khi xe cũ trong nước ảnh hưởng tiêu cực từ giá xe mới giảm thì xe sang loại cũ nhập về Việt Nam khá "đặc biệt": Mặt bằng giá xe không thay đổi nhiều, giữ giá so với các dòng xe cùng loại hoặc tương tự trong nước. Các loại xe này thực chất là xe mới chạy lướt tại nước ngoài không lâu, sau đó nhập về Việt Nam dưới diện xe cũ và được nhiều người "am tường" về xe rất ưa chuộng.

Với đặc điểm thị trường hiện nay, rõ ràng xe cũ trong nước, xe cũ của người tiêu dùng trong nước sẽ gặp bất lợi khi mức giá xe mới giảm nhanh và giảm nhiều hơn. Trong khi đó, dù loại xe sang loại cũ nhập khẩu về không nhiều, nhưng nó lại là "gu" dành cho một bộ phận người có tiền, muốn xe đẹp. Mức giá xe này không giảm, đồng nghĩa với kinh doanh xe loại này đang có lợi hơn buôn xe cũ trong nước khi thời buổi được ví von "mua đắt, bán rẻ chỉ trong buổi chiều".

3. Vì sao Việt Nam phải nhập muối, trứng?



Người Lao động đưa tin: Bộ Công Thương vừa có quy định về điều hành hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với mặt hàng muối, trứng gia cầm năm 2017. Theo đó, trong năm nay Việt Nam có thể nhập 50.051 tá trứng (khoảng 600.000 quả) và 102.000 tấn muối. Trong bối cảnh nước ta hằng năm đều dư thừa nguồn cung muối, trứng khiến giá rớt, đầu ra bấp bênh, diêm dân lẫn người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, vì sao lại có việc nhập khẩu này? Là đơn vị kiểm soát hạn ngạch nhập khẩu đối với mặt hàng muối, ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất, Bộ Công Thương, giải thích khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các nước đều buộc phải mở cửa thị trường. Tuy nhiên, Việt Nam đã đàm phán để giành được quyền bảo hộ đối với một số mặt hàng trong nước (thông qua việc áp thuế nhập khẩu cao) như muối, trứng, đường và thuốc lá.

Muối trong nước chủ yếu là muối ăn, trong khi doanh nghiệp (DN) nhập muối công nghiệp được tinh chế từ muối thô để làm nguyên liệu chính sản xuất hóa chất cơ bản như xút, sô đa… phục vụ ngành y tế, công nghiệp hóa chất. Dù nhu cầu nhập muối công nghiệp rất lớn nhưng ông Thanh cho biết vẫn phải siết hạn ngạch thuế quan nhập khẩu muối để không gây ảnh hưởng đến ngành sản xuất muối trong nước.

4. Dừng các cơ sở nấu rượu không phép sau vụ 9 nam sinh ngộ độc.

Báo chí trong ngày hôm nay tiếp tục có nhiều bài viết về tình trạng ngộ độc rượu. Tại địa bàn Tân Hội (Đan Phượng, Hà Nội) qua kiểm tra, lực lượng chức năng xác định 20 hộ dân nấu rượu đều không có giấy phép hoạt động và không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.Trong khi đó tại huyện Thanh Oai, địa phương này đang tổng rà soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu.

Trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong ngày 13/3, lãnh đạo UBND xã Tân Hội cho biết, ngày 11/3 địa phương đã lập tổ công tác liên ngành kiểm tra toàn bộ 20 cơ sở sản xuất rượu trên địa bàn. Theo đó, xã xác định 100% cơ sở này là các hộ dân tự nấu rượu gạo phục vụ nhu cầu địa phương và đều không có giấy phép hoạt động, không đảm bảo các tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm.

LH (Nguồn VP Bộ CT)