banner2019
 
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Thông tin tổng hợp ngày 09/3/2017
Cập nhật lúc 10:01 ngày 09/03/2017

Các doanh nghiệp kinh doanh sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi sẽ tự xác định mức giá hợp lý và đăng ký, kê khai giá với Bộ Công Thương. Đây là một trong những nội dung được báo chí và người tiêu dùng quan tâm tại dự thảo Thông tư về quản lý giá mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đang được Bộ Công Thương soạn thảo, lấy ý kiến.

Báo chí bình luận, việc gỡ bỏ trần giá sữa như dự thảo Thông tư đang được Bộ Công Thương soạn thảo, được đánh giá sẽ “rộng cửa” để các doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh, giúp thị trường tự điều tiết theo quy luật.

Trước thông tin này, nhiều người tiêu dùng lo lắng cho rằng giá sữa có thể tăng lên trong thời gian tới.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho rằng phương thức quản lý này sẽ giúp truy xuất được nguồn gốc hàng hóa, kiểm soát được chất lượng, giá cả... Cùng với đó cũng xác định được trách nhiệm của các doanh nghiệp, hợp tác xã khi có vi phạm hoặc có thể thu hồi được sản phẩm trong trường hợp sản phẩm có vấn đề về chất lượng.

Theo các chuyên gia, việc gỡ bỏ giá trần, người tiêu dùng sẽ được lợi. Bởi thị trường sữa sẽ phát triển lành mạnh hơn, sòng phẳng hơn, do DN được quyền tự quyết giá bán và không cần phải tìm cách “lách” cơ quan quản lý như khi bị áp giá trần. Thị trường sữa cũng sẽ bước vào cuộc đua giá để giành thị phần, giành sự tin yêu của người tiêu dùng, buộc DN cạnh tranh lành mạnh, phấn đấu tăng năng lực, hạ giá thành.

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Các chuyên gia kinh tế hàng đầu “hiến kế” chính sách công nghiệp quốc gia; Tràn lan hàng giả, hàng nhái trên thị trường; Vài nét kinh tế những tháng đầu năm 2017; Sự cố tại nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4: Tổng thầu Hàn Quốc cam kết chịu mọi trách nhiệm.

Thông tin cụ thể như sau:      

1. Các chuyên gia kinh tế hàng đầu “hiến kế” chính sách công nghiệp quốc gia.


Nhận xét về tình hình phát triển ngành công nghiệp Việt Nam thời gian qua, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, công nghiệp Việt Nam nhìn chung đang ở mức độ phát triển thấp, chủ yếu phát triển theo chiều rộng, nội lực yếu. Trong bảng xếp hạng về năng lực cạnh tranh công nghiệp của UNIDO năm 2016, Việt Nam xếp hạng 50 trên tổng số 141 nước được xếp hạng, tăng 44 bậc so với bảng xếp hạng năm 1990. Tuy nhiên, so với các nước ASEAN, Việt Nam chỉ đứng trên Philipines (xếp hạng 53) và Campuchia (xếp hạng 90), kém xa các nước khác trong khu vực.

Trong thời gian qua các chính sách công nghiệp ô tô, công nghiệp cơ khí, công nghiệp năng lượng… chưa thật sự mang lại các kết quả như mục tiêu đã đề ra. Chính vì vậy, dường như chúng ta lúng túng vì chưa có chiến lược công nghiệp bài bản. Theo các chuyên gia, Việt Nam thực sự cần có các định chế và chính sách phù hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp, trong việc khắc phục những hạn chế ràng buộc liên quan đến nguồn vốn, quản lý rủi ro và nguồn nhân lực chất lượng cao.

2. Tràn lan hàng giả, hàng nhái trên thị trường.

Theo phản ánh của VTV News, tại chợ Đông Ba (Thừa Thiên Huế), rất nhiều hàng nhái, hàng giả các thương hiệu nổi tiếng từ quần áo, túi xách, giày dép... được bày bán. Đặc biệt, các loại tem, mác giả, cũng được bán một cách công khai. Tình trạng này diễn ra đã nhiều năm nay và công khai, tuy nhiên vẫn chưa có sự xử lý quyết liệt của các cơ quan, ban ngành chức năng.

3. Không xuất khẩu được gạo chính ngạch, doanh nghiệp đứng trước nguy cơ đóng cửa.

Theo nội dung bài viết, vào đầu tháng 1 vừa qua, Tổng Cục kiểm dịch Trung Quốc công bố danh sách chỉ có 22 doanh nghiệp Việt Nam được xuất khẩu gạo chính ngạch vào nước này. Hiện Việt Nam có trên 100 công ty lương thực không được xuất khẩu gạo chính ngạch vào Trung Quốc.

Điển hình là trường hợp của Công ty Lương thực Cần Thơ. Đầu năm 2016, Công ty ký được hợp đồng xuất khẩu trực tiếp sang Trung Quốc gần 18.000 tấn gạo, thời gian hoàn tất giao hàng là đầu tháng 2/2017. Tuy nhiên, vào đầu tháng 1 vừa qua, Tổng Cục kiểm dịch Trung Quốc công bố danh sách chỉ có 22 doanh nghiệp Việt Nam được xuất khẩu gạo chính ngạch vào nước này, không có tên Công ty Lương thực Cần Thơ. Ngoài việc bị hủy hợp đồng và bồi thường khoảng 300 tỷ đồng, doanh nghiệp còn phải gánh thêm nhiều chi phí phát sinh khi gạo không xuất khẩu được. Nếu không sớm được tháo gỡ khó khăn này, nhiều khả năng đơn vị sẽ đóng cửa bởi chi phí bồi thường quá lớn.

4. Vài nét kinh tế những tháng đầu năm 2017.


Báo Nhân dân ngày hôm nay có bài viết tổng hợp, khái quát những nét chính của kinh tế trong nước những tháng đầu năm 2017.

Theo đó, các ngành công nghiệp vẫn tăng trưởng nhẹ, hai tháng đầu năm 2017, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 2,4% so cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu tăng và mất cân đối ngoại thương cũng gia tăng áp lực. Kim ngạch xuất khẩu hai tháng ước đạt 27,3 tỷ USD, tăng 15,4% so cùng kỳ. Đặc biệt, xuất khẩu sang các thị trường chủ yếu đều tăng mạnh, trong đó, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Về nhập khẩu, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất với kim ngạch đạt 8 tỷ USD, tăng 23,8% so cùng kỳ năm 2016, tiếp đến là Hàn Quốc đạt 5,6 tỷ USD, tăng 35%.

Do áp lực cộng hưởng từ tăng giá xăng dầu, ga, viện phí và cước vận tải… nên Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng cao nhất trong ba năm qua, với CPI bình quân hai tháng đầu năm nay tăng 5,12% và lạm phát cơ bản hai tháng đầu năm nay tăng 1,69% so cùng kỳ năm 2016.

Một điểm tích cực khác là hoạt động quản lý bán hàng đa cấp được tăng cường, với kết quả Cục Quản lý Cạnh tranh đã chấm dứt hoạt động của bảy công ty bán hàng đa cấp chỉ trong hai tháng đầu năm 2017.

Bài viết cũng đưa ra nhận định, về triển vọng, khả năng kinh tế Việt Nam tăng trưởng đạt mục tiêu đề ra năm 2017 là khá vững chắc, dù cần nhiều nỗ lực hơn nữa. Điều này không chỉ dựa trên những kết quả thực tế trong thời gian qua, mà còn được ghi nhận bởi dư luận quốc tế.

5. Sự cố tại nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4: Tổng thầu Hàn Quốc cam kết chịu mọi trách nhiệm.

Dân trí đưa tin: Làm việc với Đoàn công tác Bộ Công Thương, Tổ hợp nhà thầu xây dựng do Doosan (Hàn Quốc) làm tổng thầu xin chịu mọi trách nhiệm liên quan đến sự cố Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4. Đồng thời, phía Doosan cam kết sẽ thay thế toàn bộ thiết bị bị hư hỏng; nếu được giao hiện trường sớm sẽ tích cực triển khai khắc phục sự cố, bảo đảm đúng tiến độ.

Trong ngày hôm nay, Đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương sẽ khẩn trương thực hiện các biện pháp nghiệp vụ cần thiết để có thể bàn giao hiện trường cho DMPP để tiếp tục thi công.

LH (Nguồn VP Bộ CT)