banner2019
 
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Đẩy mạnh chính sách cho lao động nữ
Cập nhật lúc 09:48 ngày 08/03/2017

Với mục tiêu hướng về lợi ích người lao động ở từng cơ sở, những năm gần đây, công tác xây dựng và thực hiện chính sách pháp luật đối với người lao động (NLĐ), đặc biệt là lao động nữ, luôn được Công đoàn Công Thương Việt Nam (CĐCTVN) đẩy mạnh, tập trung đi sâu vào chi tiết, phù hợp với tình hình thực tế từng đơn vị. 

Phó Chủ tịch CĐCTVN Tạ Thị Vân Anh trao quà cho CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn tại Cty CP Sắt tráng men nhôm Hải Phòng

Với số lượng lên tới 53.632 lao động nữ (chiếm 30,61% tổng số lao động) đang trực tiếp làm việc tại các đơn vị trong toàn ngành, công tác xây dựng và giám sát thực hiện các chế độ, chính sách pháp luật cho công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) nữ là không hề đơn giản. Ban Nữ công các cấp, Văn phòng Tư vấn pháp luật của CĐCTVN đã luôn đi sâu, đi sát tới từng cơ sở, từng trường hợp cụ thể để có thể nắm bắt được tình hình, tâm tư, nguyện vọng của NLĐ.

Thời gian qua, Ban Nữ công các cấp đã là cầu nối để kịp thời tư vấn, giải đáp thắc mắc, khiếu nại, trực tiếp tư vấn cho hàng nghìn lượt nữ công nhân, lao động; tư vấn về chính sách lao động nữ và công đoàn, chế độ thai sản, hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT), bảo hiểm xã hội, thời gian làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương làm thêm giờ... Công tác tư vấn được thực hiện linh hoạt thông qua nhiều phương tiện, qua đó, công đoàn đã hướng dẫn nữ CNVCLĐ ký kết hợp đồng lao động, thực hiện các quy định về quyền lợi và trách nhiệm theo đúng pháp luật của nhà nước. 

Theo thống kê của CĐCTVN, hàng năm, đã có hơn 70% TƯLĐTT được thương lượng và ký kết với các chế độ chính sách lao động nữ có lợi hơn so với quy định của pháp luật. Tiêu biểu có thể kể đến như: Công ty Cổ phần (CP) Nhựa Tân Phú có chế độ hỗ trợ tiền thuê nhà đối với lao động nữ mới kết hôn, tiền mua sữa cho con nhỏ; Trường đại học Sao Đỏ có quy định về giảm 10% giờ tiêu chuẩn cho phụ nữ nuôi con dưới 36 tháng tuổi; Công ty CP Tập đoàn INTIMEX có chế độ bồi dưỡng sau sinh cho nữ CNVCLĐ và tạo điều kiện cho chị em tăng thời gian cho con bú ngoài quy định của nhà nước; Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp linh hoạt cho chị em nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi có thể cộng dồn thời gian nghỉ quy định 1 giờ/ngày để nghỉ thành cả ngày làm việc. Nhiều đơn vị thực hiện hỗ trợ kinh phí gửi trẻ cho các chị em có con trong độ tuổi đi nhà trẻ, mẫu giáo với mức từ 100.000 đồng trở lên... 

"Để có được những kết quả đó là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các cấp công đoàn trong việc tham mưu, đề xuất có hiệu quả việc tham gia sửa đổi và tổ chức thực hiện pháp luật, chế độ chính sách có liên quan trực tiếp đến lao động nữ và trẻ em" - bà Vân Anh cho biết. Công đoàn thường xuyên tổ chức lấy ý kiến của nữ CNVCLĐ đóng góp vào dự thảo các luật như: Luật bảo hiểm xã hội và sửa đổi Bộ luật Lao động. Song song với công tác xây dựng, công đoàn cũng phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với lao động nữ về vấn đề việc làm, hợp đồng lao động, tiền lương, nâng lương, thi tay nghề, các chế độ quy định riêng đối với lao động nữ... Qua nắm bắt tình hình cho thấy, hầu hết các đơn vị thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với lao động nữ. 

Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, CĐCTVN vẫn coi công tác xây dựng và hiện thực hóa các chính sách đối với lao động nữ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, làm tiền đề cho sự phát triển của lao động nữ ngành Công Thương nói riêng và phụ nữ Việt Nam nói chung.

CĐCTVN sẽ đẩy mạnh các hoạt động xã hội, không chỉ tuyên truyền tới lao động nữ về quyền lợi, trách nhiệm, mà còn phát động các chương trình thi đua xây dựng thành tích cho đơn vị và toàn Ngành.

Thu Hà