banner2019
 
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Thông tin tổng hợp ngày 02/3/2017
Cập nhật lúc 12:55 ngày 03/03/2017

Không chỉ dưa hấu, thanh long, vải thiều... những ngày gần đây báo chí râm ran câu chuyện chuối ế, heo rớt giá thê thảm nóng hơn bao giờ hết. Nguyên nhân cũng xuất phát từ chuyện thương lái Trung Quốc từ chối thu mua, còn nông dân vẫn chưa thoát được tâm lý làm nông nghiệp kiểu “phong trào”.

Đồng Nai dẫn đầu cả nước với tổng đàn heo trên 2 triệu con. Thế nhưng, nông dân đang “sống dở, chết dở” vì thương lái Trung Quốc ngưng mua, giá rớt thê thảm, việc này dẫn đến nguy cơ nợ trồng nợ đối với nhiều bà con nông dân, đại lý thức ăn chăn nuôi cũng khó thu hồi vốn. Cũng ở Đồng Nai, câu chuyện rớt giá thê thảm ở huyện Trảng Bom, Thống Nhất những ngày gần đây khiến nhiều người không khỏi xót xa về giá trị của nông sản và công sức của bà con nông dân. Nhiều người dân ở Đồng Nai bán chuối với giá chỉ từ 2.000 - 5.000 đồng/kg, song cũng chẳng ai mua.

Trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị Hà, Chi cục trưởng Kiểm dịch thực vật vùng VII (Cục Bảo vệ Thực vật) cho biết, Trung Quốc giảm mạnh nhập khẩu chuối xanh từ Việt Nam qua cửa khẩu ở Lạng Sơn. Trước đây, mỗi ngày có khoảng hơn 10 xe chuối xanh (chuối tiêu và chuối tây), mỗi xe khoảng 20 tấn. Tuy nhiên, hơn một năm nay, chuối xuất đi Trung Quốc rất ít, mỗi ngày chỉ khoảng một hai xe chuối tây. Hiện nhiều vùng ở Trung Quốc đã trồng chuối, đặc biệt là chuối tiêu. Sản phẩm trong nước họ rất nhiều, nên không nhập của Việt Nam nữa. Việc giảm nhập là do thị trường điều tiết, chứ không liên quan đến chuyện đóng hay mở cửa biên giới vì hoạt động giao thương vẫn diễn ra bình thường.

Bên cạnh đó, thông tin về cựu Chủ tịch PVN Nguyễn Xuân Sơn "đút túi" hàng trăm tỷ đồng như thế nào? Cũng được nhiều các cơ quan báo chí quan tâm, đăng tải. Theo phản ánh, liên quan tới vụ án Hà Văn Thắm và những sai phạm tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank), cáo trạng từ Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã nêu ra những hành vi phạm tội cụ thể của ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Trong quá trình công tác tại Oceanbank, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao và sự phụ thuộc của Oceanbank và nguồn tiền gửi huy động từ PVN, ông Nguyễn Xuân Sơn đặt vấn đề với ông Hà Văn Thắm - Chủ tịch Oceanbank về việc để huy động được nguồn tiền gửi từ PVN, Oceanbank cần chi thêm tiền “chăm sóc khách hàng” ngoài lãi suất tiền gửi quy định. Căn cứ kết quả điều tra, cơ quan tố tụng xác định, bị can Nguyễn Xuân Sơn phải liên đới chịu trách nhiệm về số tiền OceanBank cho vượt trần hơn 544 tỷ đồng, trong đó phải chịu trách nhiệm về số tiền hưởng lợi 246 tỷ đồng.

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Đạm Ninh Bình sản xuất trở lại để bù lỗ nghìn tỷ cho nhà máy; Những 'ông lớn' doanh nghiệp Nhà nước nào được Chính phủ bảo lãnh nợ?; Sách trắng EuroCharm: Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của FDI; Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam kiến nghị bỏ trần giá sữa; Rượu chứa methanol có khắp nơi.

Thông tin cụ thể như sau:

1. Đạm Ninh Bình sản xuất trở lại để bù lỗ nghìn tỷ cho nhà máy.


Mới đây, trong báo cáo của thanh tra Bộ Công Thương, một trong những nguyên nhân khiến Đạm Ninh Bình thua lỗ chính là do doanh nghiệp (DN) này có lượng công nhân quá nhiều. Cụ thể, trong nghiên cứu cứu khả thi dự án nhà máy chỉ cần 603 người, nhưng đến thời điểm ngày 31/12/2015, nhà máy này có tổng cộng là 997 người. Điều này góp phần làm tăng chi phí nhân công trong cấu thành chi phí cố định.

Tuy nhiên, trao đổi với Dân Trí, ông Nguyễn Văn Minh, Phó TGĐ Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình cho rằng: Đây không phải là nguyên nhân chính dẫn đến thua lỗ và công nhân làm việc tại nhà máy là những bộ phận đã được tối ưu hoá. Nguyên nhân chính dẫn đến thua lỗ là giá phân bón giảm rất sâu, nguồn cung phân bón thế giới lớn, ngành lại chịu ảnh hưởng khủng hoảng thừa. Trong khi đó, nhu cầu trong nước giảm do thiên tai nhiều, thời tiết không ủng hộ.

Ông Minh cho biết: “Đạm Ninh Bình đã xây dựng phương án tổng thể, dự kiến năm 2018 công ty sẽ hoà vốn và năm 2021 nhà máy sẽ có lãi. Phương án này cũng đã được công ty báo cáo Tập đoàn Hoá chất và Chính phủ”.

2. Những 'ông lớn' doanh nghiệp Nhà nước nào được Chính phủ bảo lãnh nợ?

Đại đoàn kết đưa tin từ TTXVN cho biết: Ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính cho biết tại buổi họp báo sáng 1/3, những đơn vị được Chính phủ cấp bảo lãnh nhiều nhất là: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines),… Chưa nói cụ thể mức bảo lãnh của từng đơn vị nhưng giải thích cho việc cấp bảo lãnh lớn cho các đơn vị trên, ông Hải cho rằng, các doanh nghiệp này bên cạnh nhiệm vụ kinh doanh thì còn nhiệm vụ chính trị được giao.

Tuy nhiên, cũng theo ông Hải, theo quy định mới được ban hành đầu năm 2017, các điều kiện về bảo lãnh sẽ được siết chặt lại. Theo đó, mức bảo lãnh Chính phủ theo quy định mới đã giảm từ 80% tổng mức đầu tư của chương trình, dự án xuống còn không vượt quá 70%, tùy theo cấp độ quan trọng của chương trình, dự án. Ngoài ra, các mức phí bảo lãnh đã được điều chỉnh lại mới mức phí tối thiểu tăng từ 1,5%/năm trên số dư nợ được bảo lãnh lên 2%/năm. Dự kiến, tới cuối năm 2020, nợ Chính phủ bảo lãnh so với GDP có thể ở mức không quá 10%.

3. Sách trắng EuroCharm: Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của FDI.

Tại buổi công bố Sách Trắng 2017, ấn phẩm thường niên lần thứ 9 do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức sáng 2/3 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định, đây là cơ hội tốt để Bộ Công Thương đưa ra các giải pháp hợp lý nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý, phát triển môi trường kinh doanh tại Việt Nam, góp phần mang lại lợi ích cho doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Ông Michael Behrens, Chủ tịch EuroCham nhấn mạnh: Ấn phẩm Sách Trắng lần thứ 9 là hiện thực hóa sứ mạnh cốt lõi của EuroCharm trong việc hỗ trợ chính sách và tổng hợp thành quả hàng năm của EuroCharm với vai trò cầu nối đối thoại giữa cộng đồng doanh nghiệp và Chính phủ. Tương tự, các năm trước, ấn phẩm Sách Trắng tập hợp những quan ngại và kiến nghị từ cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, gửi gắm thông điệp chung từ nhiều ngành nghề và doanh nghiệp khác nhau cũng những kỳ vọng và khuyến nghị của các thành viên và đối tác của EuroCharm.

4. Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam kiến nghị bỏ trần giá sữa.

Các thành viên của Tiểu ban Thực phẩm dinh dưỡng thuộc EuroCham (NFG), đại diện cho 5 công ty sữa đa quốc gia có mặt tại Việt Nam, vừa kiến nghị cơ quan quản lý gỡ bỏ chính sách áp giá trần lên mặt hàng sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đang được Bộ Công Thương gia hạn áp dụng từ quyết định trước đó của Bộ Tài chính. Kiến nghị này được nhắc đến trong chương 16 sản phẩm dinh dưỡng và sữa công thức của Sách trắng 2017 mà EuroCham vừa phát hành.

NFG cho rằng, biện pháp áp giá trần với sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đi ngược lại với chủ trương hoàn thiện nền kinh tế thị trường của Chính phủ Việt Nam, đồng thời sẽ tác động tới kết quả hoạt động ngắn và trung hạn của doanh nghiệp cũng như thương mại và triển vọng đầu tư trong dài hạn. Với những lý lẽ này, NFG đề xuất gỡ bỏ chính sách giá trần, cho phép quay trở lại với cơ chế giá do thị trường quyết định và cũng không ban hành các biện pháp quản lý giá khác. NFG đề xuất Chính phủ Việt Nam xem xét giảm thuế nhập khẩu sữa, thuế giá trị gia tăng. Hiện tại, thuế nhập khẩu của hàng từ các nước Đông Nam Á chịu thuế 0% và 10% áp dụng cho các quốc gia khác. Mức này cao hơn mức thuế của các nước khác trong khu vực.

5. Rượu chứa methanol có khắp nơi.

Vụ ngộ độc rượu tập thể nghiêm trọng ở Lai Châu vừa làm 9 người chết, trên 30 người phải nhập viện cấp cứu còn chưa nguôi thì hôm 28/2 lại có thêm vụ ngộ độc rượu methanol ở Hà Nội khiến 7 người nguy kịch. Các chuyên gia cho rằng rượu nào cũng có hại, chỉ có thể hạn chế tác hại của rượu bia, uống làm sao cho an toàn.

Rượu giá rẻ trôi nổi hiện nay bán khá nhiều, người tiêu dùng không thể tránh khỏi rượu có chứa methanol. Đã có hiện tượng pha chế methanol thành rượu bán cho người tiêu dùng để rồi sau đó dẫn đến những vụ ngộ độc methanol nghiêm trọng, hầu như là ngộ độc tập thể. Rượu methanol nguy hiểm ở chỗ phải mất từ 12 tiếng hoặc có người sau khi uống 1-2 ngày mới có biểu hiện ngộ độc. Khi đó thì tình trạng ngộ độc đã rất nguy kịch, khó cứu chữa mà nếu sống cũng để lại di chứng nặng nề, đặc biệt ở não và mắt.

LH (Nguồn VP Bộ CT)