banner2019
 
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Hướng dẫn thực hiện việc khám sức khỏe định kỳ cho công nhân
Cập nhật lúc 08:05 ngày 24/02/2017

Khám sức khỏe cho người lao động hay khám sức khỏe nghề nghiệp là việc thực hiện các nội dung khám và xét nghiệm với mục đích đánh giá mức độ phù hợp của sức khỏe người lao động với công việc đang làm, phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe, các bệnh phát sinh liên quan đến yếu tố tiếp xúc nghề nghiệp.

Lợi ích của khám sức khỏe nghề nghiệp.

Đối với người lao động.

+ Phát hiện được các vấn đề về sức khỏe trước khi chuyển thành bệnh

+ Chẩn đoán sớm các bệnh nhất là các bệnh không có các biểu hiện ra bên ngoài, tạo điệu kiện thuận lợi cho việc điều trị có hiệu quả cao, giảm chi phí y tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, kéo dài tuổi thọ.

Đối với người sử dụng lao động

+ Ngăn ngừa, phát hiện sớm, điều trị kịp thời sẽ giúp doanh nghiệp giảm được các chi phí y tế, chi phí bồi thường cho người lao động mắc bệnh.

+ Bảo vệ và phát triển lực lượng sản xuất, tạo sự gắn bó của người lao động với doanh nghiệp, nâng cao năng xuất lao động, giảm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

+ Nâng cao thương hiệu, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, tạo sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp.

Định kỳ bao lâu cần khám sức khỏe cho người lao động ?

Theo quy định của pháp luật, hàng năm các doanh nghiệp phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ và khám bệnh nghề cho người lao động ít nhất một lần. Những người làm các nghề và công việc nặng nhọc độc hại nguy hiểm (theo danh mục do Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội ban hành) phải khám kiểm tra sức khỏe một năm 2 lần.

Theo khuyến cáo của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ, việc khám sức khỏe định kỳ đối với những người bình thường từ 40 tuổi trở xuống, nên khám kiểm tra sức khỏe 5 năm một lần và sau 40 tuổi là 1 – 3 năm một lần. Tuy nhiên những đối trường có các yếu tố nguy cơ về sức khỏe cần khám kiểm tra sức khỏe thường xuyên hơn.

Nội dung khám sức khỏe phải áp dụng theo quy định của pháp luật

Các nội dung bắt buộc theo quy định của Thông tư số 13/2007/TT-BYT ngày 21 tháng 11 năm 2007 của Bộ Y tế:

1- Lập hồ sơ, cập nhật các thông tin về tiền sử sức khỏe bệnh tật.

2- Khám thể lực chung: Đo chiều cao, cân nặng, mạch, huyết áp...

3- Khám lâm sàng toàn diện theo các chuyên khoa: Nội, ngoại, da liễu, phụ khoa, mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt... 

4- Khám cận lâm sàng bắt buộc:

+ Công thức máu, đường máu.

+ Xét nghiệm nước tiểu: tổng phân tích nước tiểu (đường, protein, tế bào).

5- Cận lâm sàng khác:

+ Chụp X – quang tim phổi, và làm các xét nghiệm cận lâm sàng khác theo chỉ định của bác sỹ khám.

Nội dung khuyến cáo áp dụng trong khám sức khỏe.

- Đo kiểm tra thính lực bằng máy đo thính lực (Audiometer): Nên áp dụng trong khám tuyển, đo kiểm tra hàng năm nếu môi trường có mức tiếng ồn cao (người lao động cảm thấy khó chịu với mức tiếng ồn tại nơi làm việc).

- Siêu âm tổng quát, điện tâm đồ nên định kỳ thực hiện 1 - 3 năm một lần.

- Các xét nghiệm sinh hóa: Xét nghiệm mỡ máu, xét nghiệm chức năng gan, chức năng thận... thường áp dụng với doanh nghiệp người lao động có độ tuổi trung bình cao (khoảng > 35 tuổi) thời gian thực hiện 1- 3 năm/ lần. Hàng năm nên luân phiên thực hiện thay đổi các xét nghiệm khác nhau.

+ Xét nghiệm tế bào cổ tử cung (Pap): Thường áp dụng đối với phụ nữ đã có gia đình để phát hiện sớm bệnh ung thư cổ tử cung. Có thể định kỳ xét nghiệm 2 năm/lần cùng với các đợt khám phụ khoa.

+ Xét nghiệm Virus viêm gan: Xét nghiệm thường làm là HbsAg. Nên định kỳ 2 năm thực hiện một lần.

+ Các xét nghiệm sàng lọc ung thư như: xét nghiệm Alpha FP, CEA, PSA... chỉ nên áp dụng với các đối tượng có nguy cơ cao như có khối u, hạch... không nên áp dụng cho tất cả các đối tượng khám.

+ Tư vấn sức khỏe: Trong khám sức khỏe định kỳ cần có nội dung tư vấn riêng do các bác sỹ chuyên khoa sức khỏe nghề nghiệp đảm nhận.

Khám phát hiện bệnh nghề nghiệp.

- Tùy theo yếu tố người lao động phải tiếp xúc tại nơi làm việc mà lựa chọn các nội dung khám bệnh nghề nghiệp khác nhau. Việc lựa chọn các nội dung khám nên tham khảo các bác sỹ chuyên khoa sức khỏe nghề nghiệp.

- Một số bệnh nghề nghiệp thường hay áp dụng khám sàng lọc là các bệnh phổi nghề nghiệp, điếc nghề nghiệp, nhiễm độc nghề nghiệp.

- Khám bệnh nghề có thể áp dụng đối với toàn bộ những lao động có yếu tố nguy cơ hoặc sau khám sức khỏe định kỳ lựa chọn các đối tượng nghi ngờ để gửi đi khám chuyên khoa bệnh nghề nghiệp.

- Để việc khám phát hiện bệnh nghề nghiệp có hiệu quả và giảm chi phí, các doanh nghiệp nên mời những đơn vị có cả hai chức năng khám sức khỏe định kỳ và khám bệnh nghề nghiệp. 

 Nguồn: SKNN